Thứ sáu, 26/04/2024 04:02 (GMT+7)
Thứ năm, 20/01/2022 08:00 (GMT+7)

WMO: 2021 cũng đánh dấu năm thứ 7 liên tiếp nóng kỷ lục

Theo dõi KTMT trên

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) của Liên Hợp Quốc ngày 19/1 khẳng định 7 năm qua là quãng thời gian thế giới trải qua thời tiết nắng nóng nhất, theo đó nhiệt độ trong năm 2021 vẫn ở mức cao bất chấp tác động hạ nhiệt của hiện tượng thời tiết La Nina.

Theo người đứng đầu WMO Petteri Taalas, hai sự kiện La Nina liên tiếp (từ năm 2020 đến nay) đã khiến năm 2021 bớt nóng hơn so với những năm gần đây nhưng vẫn ấm hơn những năm từng bị ảnh hưởng bởi La Nina.

Điều này cho thấy sự ấm lên trong dài hạn của Trái Đất là hệ quả của tình trạng khí thải gây hiệu ứng nhà kính gia tăng nhiều hơn so với sự thay đổi hàng năm của nhiệt độ trung bình toàn cầu bởi các tác nhân khí hậu tự nhiên.

Kết luận của WMO được đưa ra sau khi tổng hợp 6 bộ dữ liệu quốc tế hàng đầu, gồm bộ theo dõi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (C3S) và Cơ quan Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA). Theo đó, nhiệt độ toàn cầu trung bình trong năm 2021 cao hơn khoảng 1,11 độ C so với thời tiền công nghiệp (1850-1900).

2021 cũng đã đánh dấu năm thứ 7 liên tiếp nhiệt độ trung bình Trái Đất cao hơn 1 độ C so với thời tiền công nghiệp.

WMO: 2021 cũng đánh dấu năm thứ 7 liên tiếp nóng kỷ lục - Ảnh 1
Nắng nóng gây bất ổn cho cuộc sống của người dân. (Ảnh minh họa)

WMO cảnh báo nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2021 đã tiến gần giới hạn 1,5 độ C mà Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vốn tìm cách ngăn chặn.

Theo Hiệp định Paris năm 2015, các nước nhất trí giới hạn tình trạng ấm lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C so với thời tiền công nghiệp và 1,5 độ C nếu có thể.

Dù 2021 có thể là năm có nhiệt độ thấp hơn cả trong 7 năm nóng nhất, năm qua vẫn xảy ra hàng loạt sự kiện nắng nóng kỉ lục và thời tiết cực đoan liên quan đến vấn đề Trái Đất ấm lên, như nhiệt độ kỷ lục gần 50 độ C ở Canada, lũ lụt nghiêm trọng ở châu Á và châu Âu cũng như hạn hán ở châu Phi và Nam Mỹ.

WMO khẳng định các tác động của biến đổi khí hậu và các hiểm họa liên quan đến thời tiết đã gây tác động biến đổi đời sống và tàn phá với các cộng đồng trên mọi lục địa.

Trước đó, WMO cảnh báo, nhiệt độ tại nhiều khu vực trên toàn cầu sẽ cao hơn mức trung bình trong những tháng tới, bất chấp tác động làm mát của hiện tượng thời tiết La Nina.

WMO cho biết, sau khi xuất hiện trong giai đoạn từ tháng 8-2020 đến tháng 5 năm nay, La Nina sẽ quay trở lại và sẽ kéo dài đến đầu năm 2022. Hiện tượng này sẽ ảnh hưởng đến nhiệt độ và lượng mưa trên toàn cầu. Mặc dù La Nina thường khiến thời tiết mát lạnh, nhưng nhiệt độ nhiều nơi trên thế giới vẫn có khả năng cao hơn mức trung bình.

Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas khẳng định, tác động làm mát của La Nina trong chu kỳ năm 2020-2021 sẽ được cảm nhận rõ trong nửa sau của giai đoạn này. Điều này đồng nghĩa rằng 2021 sẽ là một trong 10 năm nóng nhất, thay vì là năm nóng nhất trong lịch sử. Đây sẽ là quãng dừng ngắn ngủi và sẽ không đảo ngược xu hướng toàn cầu ấm lên trong dài hạn, hay giảm bớt tính cấp thiết của hành động khí hậu.

Mặc dù La Nina sẽ góp phần khiến thời tiết lạnh hơn, song xu hướng toàn cầu ấm lên đang tác động tiêu cực đến hiện tượng tự nhiên này. Theo WMO, có 90% khả năng nhiệt độ bề mặt nước biển vùng nhiệt đới Thái Bình Dương sẽ chịu ảnh hưởng của La Nina đến cuối năm 2021 và có 70-80% khả năng mức nhiệt này sẽ duy trì đến quý I-2022.

Nhiều khu vực đất liền sẽ có nhiệt độ trên trung bình, với mùa đông ấm bất thường tại miền Bắc và các khu vực Đông Bắc của châu Á và Bắc Cực. Dự báo các khu vực miền Đông, Đông Nam của Bắc Mỹ, phần lớn châu Âu và các khu vực Đông Bắc của châu Á cũng sẽ ghi nhận mức nhiệt trên trung bình. Dự báo xu hướng tương tự cũng sẽ xảy ra gần các quốc gia châu Phi ở xích đạo, bao gồm cả Madagascar, nơi hạn hán đang hoành hành.

WMO cho biết, các khu vực Đông Nam châu Á, các khu vực phía Bắc của Nam Mỹ sẽ đón nhận thời tiết ẩm ướt bất thường, trong khi vùng dưới xích đạo của Nam Mỹ, các khu vực Nam Á và Trung Đông sẽ chứng kiến tình trạng khô hạn bất thường.

La Nina là hiện tượng lớp nước biển bề mặt ở khu vực Trung và Đông Thái Bình Dương ở xích đạo lạnh đi khác thường, xảy ra với chu kỳ tương tự hoặc thưa hơn hiện tượng El Nino. La Nina xảy ra theo chu kỳ 2-7 năm/lần, thường bắt đầu hình thành từ tháng 3 đến tháng 6 hằng năm, gây ảnh hưởng mạnh nhất vào cuối năm cho tới tháng 2 năm sau.

La Nina gây ra các tác động trên diện rộng lên khí hậu Trái Đất, ngược lại với các tác động của chu kỳ nóng lên El Nino. Bên cạnh tác động làm lạnh, La Nina thường gây mưa lớn, kéo theo nhiều cơn bão và khiến nhiệt độ tại khu vực xích đạo Thái Bình Dương giảm thấp hơn mức trung bình ghi nhận ở khu vực này.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết WMO: 2021 cũng đánh dấu năm thứ 7 liên tiếp nóng kỷ lục. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng
Theo Tổng Thư ký ASEAN, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.
Hà Tĩnh khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024
Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.

Tin mới