WHO họp báo trực tuyến kêu gọi các nước duy trì kiểm soát Covid-19
Trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 13/4 tại Geneva, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, Covid-19 có nguy cơ gây tử vong cao gấp 10 lần so với bệnh cúm A (H1N1), đồng thời kêu gọi các nước chỉ nên dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát khi có phương án phù hợp để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Các nhà khoa học đang ráo riết nghiên cứu vắc-xin ngừa virus SARS-CoV-2. (Ảnh: UN) |
WHO cho biết, Covid-19 lây lan rất nhanh và có nguy cơ gây tử vong cao gấp 10 lần so với bệnh cúm A (H1N1) gây ra đại dịch vào năm 2009. Virus SARS-CoV-2 có thể dễ dàng phát tán trong môi trường đông đúc như nhà dưỡng lão. Đặc điểm của Covid-19 là “tăng tốc” rất nhanh nhưng “giảm tốc” thì lại chậm hơn. Do đó, WHO khuyến cáo các chính phủ không nên dỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế cùng một lúc, mà nên dần dỡ bỏ và dỡ bỏ một cách có kiểm soát.
Sau một thời gian triển khai các biện pháp hạn chế xã hội và kinh tế, một số quốc gia đang cân nhắc thời điểm sẽ dỡ bỏ các lệnh này. Trong khi đó, một số nước khác, đặc biệt là nước có thu nhập thấp và trung bình tại châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh, đang xem xét có nên ban bố biện pháp hạn chế hay không và nếu có thì ban bố lúc nào. Theo WHO, trong cả hai trường hợp này, quyết định của các chính phủ phải dựa trên mục tiêu bảo vệ sức khỏe con người trước tiên và trên cơ sở những gì chúng ta đã biết về virus SARS-CoV-2.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus một lần nữa nhấn mạnh: “Đây là chủng virus mới, và đây là đại dịch đầu tiên do một chủng virus corona gây ra”. WHO đã liên tục tìm hiểu và điều chỉnh chiến lược ứng phó đại dịch dựa trên những bằng chứng mới nhất. Một số quốc gia đã cung cấp bằng chứng giúp thế giới có được bức tranh rõ ràng hơn về virus SARS-CoV-2, về cách chủng virus này hoạt động, về phương pháp ngăn chặn và điều trị chúng.
Ông Ghebreyesus lưu ý, các biện pháp kiểm soát chỉ có thể được dỡ bỏ nếu các chính phủ triển khai biện pháp phù hợp để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tại những nước có tỉ lệ người nghèo cao, lệnh yêu cầu ở nhà và triển khai các biện pháp hạn chế khác đang được áp dụng tại một số nước có thu nhập cao có thể không thiết thực. Do đó, mỗi chính phủ phải đánh giá tình hình đất nước để bảo vệ người dân và những người dễ bị tổn thương nhất. WHO sẽ công bố khuyến cáo chiến lược trong ngày 14/4 để hỗ trợ các quốc gia đưa ra quyết định đúng đắn.
Trong chiến lược mới cập nhật, WHO xây dựng sáu tiêu chí để các nước đánh giá khi cân nhắc dỡ bỏ biện pháp hạn chế: thứ nhất, sự lây nhiễm đã được kiểm soát; thứ hai, hệ thống y tế có năng lực phát hiện, xét nghiệm, cách ly, điều trị mọi ca bệnh và truy tìm những người tiếp xúc người bệnh; thứ ba, nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại những nơi đặc biệt như cơ sở y tế, viện dưỡng lão... được giảm xuống mức thấp nhất; thứ tư, các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh được triển khai tại nơi làm việc, trường học và những nơi thiết yếu đối với hoạt động của người dân; thứ năm, nguy cơ có ca nhiễm từ nước ngoài có thể được kiểm soát; thứ sáu, các nước nên giáo dục toàn diện, gắn kết và trao quyền cho cộng đồng điều chỉnh theo “tiêu chuẩn mới” của cuộc sống hằng ngày.
Hoàng Hà