WB kinh tế Việt Nam sẽ dẫn đầu khu vực châu Á trong năm 2022
WB vừa nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lên 7,2% trong năm 2022, trong khi đó các quốc gia đang phát triển ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương có thể đạt chỉ mức 3,2% trong năm nay.
Trong Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, WB cho biết, kinh tế khu vực trong năm nay dự báo sẽ giảm tốc so với mức tăng trưởng 7,2% năm 2021, trước khi tăng tốc lên mức 4,6% vào năm tới. Theo dự báo đưa ra hồi tháng 4 vừa qua, các quốc gia Đông Á và Thái Bình Dương có thể đạt mức tăng trưởng 5% trong năm 2022.
Ngân hàng này cho rằng, kinh tế toàn cầu suy yếu đang làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu và hàng hóa chế tạo của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Lạm phát gia tăng ở bên ngoài đã thúc đẩy việc tăng lãi suất, từ đó gây ra xu hướng rút vốn khỏi thị trường khu vực và suy yếu đồng nội tệ ở một số quốc gia. Những diễn biến này đã làm gia tăng gánh nặng nợ công và thu hẹp không gian tài khóa, ảnh hưởng đến những quốc gia có tỷ lệ nợ công cao khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Chuyên gia kinh tế trưởng thuộc WB khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, ông Aaditya Mattoo, cho rằng phản ứng của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nhằm đối phó lạm phát leo thang trong điều kiện chính sách tiền tệ thắt chặt nhanh hơn dự kiến chắc chắn gây áp lực lên tất cả các nước đang phát triển, bao gồm cả các nước ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Ông Mattoo cho biết hầu hết các nước đang phát triển trong khu vực đã chuyển sang vay nợ chủ yếu trong nước, do đó ít bị tác động hơn. Tuy nhiên, theo ông, điều đó không có nghĩa là những nước này không bị ảnh hưởng của việc lãi suất tăng cao đối với hoạt động kinh tế, đầu tư, tiêu dùng...
Trong dự báo kinh tế mới nhất, WB hạ mạnh dự báo tăng trưởng của Trung Quốc từ mức 5% hồi tháng 4 xuống 2,8%.
Trong khi đó, Việt Nam được dự báo dẫn đầu khu vực với mức tăng trưởng là 7,2%, tăng từ mức 5,3% trong dự báo hồi tháng 4. Triển vọng với Indonesia không đổi ở mức 5,1%. Ngoại trừ Trung Quốc, khu vực dự kiến tăng trưởng 5,3% trong năm 2022, với các dự báo tăng trưởng cho Malaysia, Philippines và Thái Lan. WB đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Malaysia trong năm 2022 lên 6,4%, cao hơn mức dự báo 5,5% được đưa ra hồi tháng 6. Đối với Campuchia, WB đưa ra mức dự báo tăng trưởng 4,8% trong năm nay, cao hơn mức dự báo 4,5% đưa ra hồi tháng 4.
Ngày 26/9, bài báo Financial Times (Anh) cũng đã đánh giá cao những kết quả hoạt động kinh tế mà 7 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đạt được trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nói chung đang đối mặt nhiều khó khăn, triển vọng ảm đạm.
Theo bài báo, trong thời kỳ kinh tế ảm đạm như hiện nay khi hầu hết các chuyên gia đều dự báo về tình trạng suy thoái và lạm phát ở hầu hết các nước thì vẫn có một số nền kinh tế ghi nhận những diễn biến khả quan, trái ngược với bức tranh bi quan bao trùm. Những nền kinh tế nổi bật phải kể đến Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Saudi Arabia và Nhật Bản. Điểm chung của các nền kinh tế này là tăng trưởng tương đối cao, lạm phát vừa phải hoặc lợi nhuận thị trường chứng khoán cao so với các nền kinh tế khác.
Bài báo nêu rõ không quá bất ngờ khi Việt Nam nằm trong danh sách 7 nước có hoạt động kinh tế hiệu quả và coi đây là minh chứng điển hình cho thấy các chính sách của chính phủ đang phát huy hiệu quả. Nhờ đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất xuất khẩu và mở cửa nền kinh tế, Việt Nam đang tăng trưởng gần 7%. Đây là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Với các nền kinh tế còn lại trong danh sách, bài báo cũng đưa ra những phân tích và nhận định về các yếu tố giúp mỗi nước tránh khỏi suy thoái kinh tế toàn cầu. Dù không loại trừ khả năng diễn biến kinh tế tích cực của nhóm "7 kỳ quan kinh tế" có thể đảo chiều do những bất ổn địa, chính trị trên toàn cầu nhưng bài báo vẫn nhấn mạnh trong bối cảnh lo ngại về triển vọng toàn cầu, vẫn xuất hiện một số nền kinh tế khả quan.
Hà Lan