WB cam kết hỗ trợ Việt Nam trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào 2045
Đại diện Ngân hàng Thế giới luôn khẳng định cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Theo tin mới nhận từ Ngân hàng Thế giới (WB), ngày 25/3, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Manuela V. Ferro đã kết thúc chuyến thăm 5 ngày tới Việt Nam.
Trong chuyến thăm đầu tiên đến Việt Nam, bà Ferro đã có cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các quan chức cấp cao khác.
Trong các cuộc họp, hai bên đã thảo luận về những ưu tiên và thách thức phát triển của Việt Nam; cũng như việc Việt Nam có thể tận dụng sự hỗ trợ gì của Ngân hàng Thế giới nhằm đạt được những kết quả mang tính chuyển đổi và hữu hình để cải thiện cuộc sống của người dân.
Điểm nổi bật trong chuyến đi lần này là sự thỏa thuận giữa Phó Chủ tịch Ferro và Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc cùng thực hiện Báo cáo Việt Nam 2045.
Theo đó, sẽ vạch ra lộ trình và đề xuất giải pháp để Việt Nam hiện thực hóa khát vọng trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045.
Báo cáo cũng đánh giá tốc độ cải cách đã đặt ra theo lộ trình nêu trong Báo cáo Việt Nam 2035 (văn bản đã được xây dựng từ năm 2016), theo đó phân tích những tác động của đại dịch Covid-19 và các xu hướng lớn khác trên toàn cầu đến quỹ đạo của nền kinh tế; đồng thời, đưa ra những khuyến nghị hỗ trợ các cuộc thảo luận chính sách trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XIV, dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2026.
Bà Ferro cho biết: “Hành trình phát triển của Việt Nam đang tiến lên và quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Ngân hàng Thế giới cũng tương tự. Ngân hàng Thế giới sẽ đề xuất các giải pháp mới sáng tạo để giải quyết các thách thức phát triển phù hợp với những đặc thù trong các cơ hội phát triển của Việt Nam.”
Tại buổi làm việc với Chính phủ, đại diện Ngân hàng Thế giới luôn khẳng định cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
“Chúng tôi rất vui được tiếp tục làm việc với Việt Nam trong một lộ trình mới hướng tới các mục tiêu phát triển đầy tham vọng,” bà Ferro cho biết.
Quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Ngân hàng Thế giới sẽ tập trung vào các lĩnh vực chiến lược nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng dựa vào năng suất lao động, khả năng thích ứng với khí hậu, việc tận dụng chuyên môn toàn cầu của Ngân hàng Thế giới thông qua các báo cáo phân tích cũng như các khoản hỗ trợ tài chính như từng có trước đây.
Trong chuyến thăm Việt Nam, bà Ferro cũng đã tới TP.HCM để mở rộng quan hệ đối tác giữa Ngân hàng Thế giới và trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam.
Trong buổi làm việc với Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi, hai bên đã thảo luận về những thách thức chính mà thành phố đang đối mặt trong quá trình phục hồi từ cuộc suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra và tìm hiểu giải pháp huy động tri thức, nguồn lực tài chính từ Ngân hàng Thế giới để nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu của thành phố.
Nhóm công tác chung giữa Ngân hàng Thế giới và TP.HCM cũng đã chính thức được thành lập để xây dựng kế hoạch hợp tác trong những năm tới.
Danh mục đầu tư hiện nay của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam bao gồm 33 dự án với tổng giá trị lên đến 5,72 tỷ USD trong nhiều lĩnh vực, từ cải thiện đời sống và tăng tính thích ứng của cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế, giao thông, năng lượng, quản lý tài nguyên nước, cho đến tăng tính chống chịu của đô thị.
Kể từ khi quay trở lại hỗ trợ Việt Nam vào năm 1994, Ngân hàng Thế giới đã cam kết hơn 25,3 tỷ USD tài trợ cho phát triển tại Việt Nam.
Theo TTXVN/Vietnam+