VPBank kỳ vọng mục tiêu chính 2020 vượt mức dự đoán
Kết thúc quý 3 năm 2020, mức tăng trưởng tín dụng hợp nhất tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đạt 16,50%, tổng doanh thu (TOI) hợp nhất sau 9 tháng đạt 28.300 tỉ (tăng 7,6%) so với cùng kỳ.
Mặc dù trải qua những khó khăn chung của cả thị trường do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 song kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2020 của VPBank lại cho thấy mức tăng trưởng khả quan. VPBank kiểm soát tốt tỉ lệ nợ xấu hợp nhất, duy trì được ở mức dưới 3%, tỉ lệ nợ xấu tại ngân hàng riêng lẻ giảm từ mức 2,18% cuối 2019 xuống còn 2,01% cuối quý 3/2020.
Lợi nhuận vượt kế hoạch
Báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2020 của VPBank cho thấy, tổng doanh thu (TOI) hợp nhất sau 9 tháng đạt 28.300 tỉ đồng (tăng 7,6%), riêng ngân hàng mẹ tăng trưởng 18,7% so với cùng kỳ. Tính riêng trong quý 3, TOI của ngân hàng riêng lẻ đã đạt gần 5.000 tỉ đồng (tăng gần 8% so với quý 2).
Thu nhập từ phí của ngân hàng mẹ (NFI) tăng trưởng gần 36%, đạt hơn 2.200 tỉ đồng, tỉ trọng NFI trên tổng thu nhập hoạt động tăng từ 13,2% lên 15,1% so với cùng kỳ.
Cùng góp phần vào tăng trưởng doanh thu là thu nhập từ nợ đã xử lý rủi ro với con số hợp nhất tuyệt đối sau 9 tháng đạt 1.500 tỉ đồng (tăng 24%), và ghi nhận tăng trưởng đột phá tại FE Credit (công ty con 100% vốn của VPBank) với mức tăng 30,3% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, ngân hàng kiểm soát chi phí hoạt động thông qua các hoạt động: số hóa tối đa các khâu vận hành, đánh giá mức độ rủi ro và chăm sóc khách hàng trên đa kênh nền tảng số,…Tháng 7 vừa qua, VPBank trở thành ngân hàng đầu tiên tuân thủ mọi quy định về eKYC (mở tài khoản không tiếp xúc), cho phép khách hàng sở hữu tài khoản thanh toán và thực hiện được ngay các giao dịch trong vòng vài phút.
Kết thúc quý 3 năm 2020, mức tăng trưởng tín dụng hợp nhất tại VPBank đạt 16,50%, trong đó ngân hàng riêng lẻ đạt 19,34%, ở mức tốt so với trung bình ngành, tạo nền tảng sẵn sàng cho cú bật tăng trưởng ở các phân khúc bán lẻ trong thời gian tới.
Kết quả kinh doanh khả quan đạt được sau 9 tháng hoạt động đã một lần nữa khẳng định VPBank tiếp tục là ngân hàng cổ phần thuộc top đầu thị trường, cả về mặt quy mô lẫn hiệu quả hoạt động.
Cùng với việc dịch Covid-19 tiếp tục được Chính phủ kiểm soát tốt như hiện nay và với các dấu hiệu chuyển biến tích cực từ thị trường, ban lãnh đạo ngân hàng kỳ vọng hoạt động kinh doanh cả năm 2020 của VPBank sẽ đạt kết quả khả quan và nhiều mục tiêu chính sẽ vượt mức dự đoán đặt ra từ đầu năm.
Chủ động tối ưu hóa bảng cân đối Tuân thủ theo chính sách điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đồng thời tận dụng lợi thế thanh khoản tốt trong quý 3, VPBank đã chủ động cấu trúc bảng cần đối, giảm lãi suất huy động các kỳ hạn ở mức từ 1-2%, giúp cải thiện đáng kể chi phí vốn (COF). Bên cạnh đó, VPBank tiếp tục hợp tác với IFC, gần đây nhất là khoản vay trị giá 100 triệu USD với giá hợp lý, tạo thuận lợi cho việc tối ưu chi phí vốn trung dài hạn. Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cũng đạt mức ấn tượng, 15,60%, tăng mạnh so với mức trung bình 12-13% đạt được hồi cuối năm 2019 và cuối quý 2 vừa qua. Các tỉ lệ an toàn đều được duy trì ở mức tốt. Tỉ lệ Dư nợ tín dụng trên Tổng vốn huy động (LDR) đạt mức 67% (giới hạn của NHNN là 85%), tỉ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được kiểm soát ở mức tốt, 27,8%, thấp hơn nhiều so với mức tối đa NHNN cho phép là 40%. Tỉ lệ an toàn vốn (CAR) tại ngân hàng hợp nhất tiếp tục được duy trì ở mức hơn 11. Tỉ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) và tỉ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) vẫn ở top cao nhất thị trường, lần lượt đạt mức 21,8% và 2,5%. |
Nhật My