Vốn vay teo tóp, giấc mơ an cư xa dần
Sau khi gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng kết thúc, Nhà nước chưa có thêm chính sách hỗ trợ “khủng” nào khiến việc mua bán nhà ở xã hội (NOXH) rơi vào thế bế tắc, không ít chủ đầu tư rút lui, còn khách hàng không đủ tài chính, vốn tín dụng ưu đãi để sở hữu được nhà.
Thiếu nguồn vốn vay
Năm 2013, thị trường BĐS TP.HCM trong giai đoạn khủng hoảng, nhiều chủ đầu tư đứng trên bờ vực phá sản bởi căn hộ hạng sang giá bán “trên trời” tồn đọng. Trong khi đó, người thu nhập thấp cần mua căn hộ vừa túi tiền như “mò kim đáy biển”. Trong lúc khủng hoảng bao trùm, gói tín dụng 30.000 tỉ đồng được Chính phủ phê duyệt đã biến giấc mơ an cư hàng nghìn người thu nhập thấp thành hiện thực, kích thích nhu cầu người mua, cứu cánh cho thị trường BĐS.
Có thể nói, gói tín dụng “khủng” trên phần nào giúp một số chủ đầu tư dự án giải quyết được vấn đề tài chính khi bán được nhiều sản phẩm. Giai đoạn cuối năm 2013 - 2017, thị trường địa ốc phát triển rực rỡ, đặc biệt năm 2017, đã đụng tới đỉnh điểm của sự thăng hoa, chính thức thoát khỏi cái bóng ám ảnh… thị trường BĐS “ngủ đông”.
Khi gói tín dụng vay 30.000 tỉ kết thúc, thị trường BĐS bỗng dưng èo uột và tuột dốc không phanh. Quý 4/2019 sắp hết, nhưng các chủ đầu tư bán hàng uy tín chỉ bung hàng nhỏ giọt. “Thị trường BĐS đang sụt giảm mạnh, nhất là căn hộ nhà ở thương mại bình dân có giá vừa túi tiền và NOXH quá ít dẫn đến việc giá nhà đất tăng khiến người có thu nhập trung bình và có thu nhập thấp khó sở hữu được” - ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) nhận định.
TP.HCM hiện có 16 dự án NOXH đang triển khai tại các quận. |
Khó tìm “bến đỗ”
Hiện, giá một căn nhà phố “tạm được” ở vùng ven TP.HCM không dưới 2 tỉ đồng, còn căn hộ chung cư cho người thu nhập thấp cũng không dưới 1,5 tỉ đồng. Theo HoREA, TP.HCM hiện có 81.000 hộ gia đình, cá nhân đang có nhu cầu NOXH. Trong đó, cán bộ, công chức cần 10.000 căn, hộ thu nhập thấp cần 39.000 căn, lao động trong các KCN cần 17.000 căn, còn lại là các nhóm đối tượng khác. Chính vì vậy, số tiền ít ỏi nói trên chẳng khác nào bỏ muối vào bề.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Bá Chí Nhân, nhu cầu nhà ở người dân hiện tại rất cao nhưng việc phân bổ nguồn ngân sách cho vay mua NOXH hiện nay có vấn đề, một phần do muốn hưởng lợi nhuận cao, từ đầu các chủ đầu tư không tập trung phát triển NOXH, phần lớn quỹ đất xây dựng nhà, căn hộ giá cao nhưng các cơ quan quản lý không có biện pháp chế tài, chấn chỉnh.
Hoặc buộc chủ đầu tư phải xây dựng quỹ NOXH song song với việc phát triển nhà ở thương mại thì ít ra cũng giải quyết được phần nào nhu cầu chỗ ở cho người dân. Còn các dự án có quy mô trên 10ha quy định 20% quỹ đấy xây dựng NOXH nhưng một số chủ đầu tư lờ đi, sau khi nộp tiền sử dụng đất xong thì thâu tóm luôn phần quỹ đất này, biến tấc cả thành nhà ở thương mại.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, nhận định các nước như Singapore, Hàn Quốc, Pháp... rất chú trọng phát triển NOXH, đảm bảo chỗ ở cho người thu nhập thấp ở đô thị, người nhập cư phải có nhà ở. Họ cũng rất chú trọng chính sách về tạo quỹ đất, thuế và tín dụng ưu đãi để thực hiện các dự án NOXH.
“Người dân thuê hoặc mua có thời gian trả góp lên đến 30 năm chứ không thu tiền liền như ở nước ta. Điển hình tại Hàn Quốc, có đến 5 loại hình căn hộ cho thuê với từng nhóm đối tượng có thu nhập khác nhau, thời gian thuê từ 5 - 50 năm. Chính vì vậy, người dân ở các nước này phần lớn đều có chỗ ở tươm tất” - ông Châu cho hay.
Được biết, TP.HCM hiện có 16 dự án NOXH đang triển khai thực hiện tại các quận: 4, 8, 9, 10, 12, Tân Bình, Bình Tân và Thủ Đức, dự kiến hoàn thành vào năm 2020 với hàng chục ngàn căn hộ bán với giá vừa túi tiền, cho người thu nhập thấp nhưng nguồn vay vốn tiếp cận khó khăn là rào cản mơ ước về chốn an cư của người dân có thu nhập thấp.
UBND TP.HCM vừa ban hành Quyết định phê duyệt phân bổ chỉ tiêu tín dụng cho vay mua nhà ở xã hội (NOXH) trong năm 2019 cho các quận, huyện là 10 tỉ đồng. Tuy vậy, số tiền này không thấm vào đâu khi người có nhu cầu mua nhà ở thực tại thành phố rất lớn. |