Vĩnh Phúc: Để 'đất tặc' hoành hành, trách nhiệm chính quyền địa phương ở đâu?
Giữa thanh thiên bạch nhật, một nhóm đối tượng ngang nhiên đưa người và phương tiện vào khai thác đất. Vậy câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đâu?
Theo thông tin phản ánh, Công an TP.Vĩnh Yên vừa bắt quả tang nhóm người đang khai thác đất trái phép ở địa bàn xã Định Trung (khu đất trước đây giao để làm Đại học Dầu khí, sau đó đã bị thu hồi). Sự việc xảy ra vào khoảng 17h30 ngày 2/8.
Kiểm tra hiện trường lực lượng chức năng phát hiện nhiều người và phương tiện đang trực tiếp thực hiện việc khai thác đất. Trong đó, có 5 máy xúc cỡ lớn, 2 xe ô tô tải, ngoài ra còn một xe đang vận chuyển đất ra khỏi khu vực khai thác. Số phương tiện này bị tạm giữ, nhưng có một xe đã chạy trốn vào khu doanh trại gần đó.
Theo người dân địa phương sống tại khu vực này, việc khai thác trộm đất xảy ra gần 20 ngày nay. Nhóm đối tượng lợi dụng việc tỉnh Vĩnh Phúc đang tập trung vào công tác phòng chống dịch Covid-19, đã đưa 5 máy xúc cỡ lớn cùng hàng trăm lượt xe tải vào “ăn đất” cả ngày lẫn đêm. Được biết, dàn xe vào khu vực nói trên "ăn đất" gắn nhiều logo khác nhau như: Khiển Nhâm, 78... chạy cả đêm gây náo động một vùng quê.
Người dân sống gần khu vực khai thác phản ánh, hàng đêm có cả trăm chiếc xe tải cỡ lớn vào đây lấy đất rồi mang đi đổ cho các dự án trên địa bàn tỉnh. Đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên có hiện tượng khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản là đất, mà trước đó cũng đã có một số vụ việc khai thác vận chuyển trái phép đất bị phản ánh ở địa phương này.
Vào cuối năm 2020, tại bãi đổ bùn Ðồng Mong, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên thuộc gói thầu CW02 của dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc do Ban Quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc (VPMO) làm chủ đầu tư đã xảy ra tình trạng múc trộm trên hàng nghìn mét vuông đất. Ðiều đáng nói là sự việc được phát hiện nhiều tháng, nhưng chưa bị xử lý dứt điểm.
Qua kiểm tra, diện tích bị đào trộm khoảng 2.000 m2, độ sâu khoảng 3 m (phần diện tích này đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa tiến hành đổ bùn). Ngay sau đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản giao UBND huyện Bình Xuyên chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm khắc đối với hành vi khai thác trộm đất tại bãi đổ bùn Ðồng Mong theo phản ánh của VPMO. Tuy nhiên, việc khai thác vận chuyển đất trái phép vẫn diễn ra thời gian sau đó…
Cùng đó, vào tháng 12/2020 hoạt động khai thác đất diễn ra công khai tại xã Minh Quang (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) cũng được nhiều cơ quan báo chí phản ánh. Cụ thể, 2 vị trí là thửa đất số 36, tờ bản đồ số 78 đã bị khai thác khoảng 1.800 m3 đất. Và thửa đất số 364, tờ bản đồ số 78, khối lượng đất đã tiến hành khai thác khoảng 2.500 m3 đất của ông Lưu Văn Sinh (thôn Bản Long). Vụ việc sau đó chỉ bị xử phạt hành chính.
Đối với sự việc trên, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng trách nhiệm chính thuộc về UBND xã Minh Quang. Bên cạnh đó, UBND huyện Tam Đảo cũng phải chịu trách nhiệm liên đới. Trong đó, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự với các đối tượng liên quan.
Theo quy định của Luật Khoáng sản, việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác được phân cấp theo cấp tỉnh, huyện và xã. Theo đó, với cấp xã thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, khoáng sản chưa khai thác, tài nguyên thiên nhiên khác theo quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại khu vực có khoáng sản; Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản theo thẩm quyền.
Để "đất tặc" không còn đất sống, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, cần phát huy vai trò của chính quyền địa phương, các bộ ngành trong quản lý tài nguyên, khoáng sản ở cơ sở, nhất là trong việc kiểm điểm, đánh giá, phân loại cán bộ, Đảng viên.
Bà An "hiến kế": Những nơi để xảy ra vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản với quy mô lớn, gây hậu quả nghiêm trọng, cần phải khởi tố các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật. Nếu làm mạnh tay, quyết liệt được như vậy, thì "đất tặc" sẽ không còn đất sống.
Xuân Hòa (t/h)