Vinaconex đề xuất đầu tư 'siêu dự án' sinh thái tâm linh và sân goft 18 lỗ tại Phú Yên
Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) vừa được UBND tỉnh Phú Yên tán đồng phương án chi tiết quy hoạch, đầu tư khu du lịch tâm linh, sinh thái nghỉ dưỡng Biển Hồ quy mô 470 ha tại huyện Đông Hoà.
Di tích núi Đá Bia, Phú Yên. |
Trong cuộc họp mới đây do UBND tỉnh Phú Yên tổ chức, với vai trò là nhà đầu tư, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đã trình bày phương án chi tiết quy hoạch, đầu tư khu du lịch tâm linh, sinh thái nghỉ dưỡng Biển Hồ tai xã Hoà Xuân Nam, huyện Đông Hòa, quy mô 470 ha.
Phản biện những vấn đề liên quan tới dự án như: ý nghĩa, địa thế, cảnh quan, hệ sinh thái đặc biệt của khu vực núi Đá Bia… các lãnh đạo tỉnh Phú Yên và các sở, ngành liên quan đang tiếp tục xem xét, điều chỉnh một số nội dung thuộc đề án dự án Biển Hồ cho phù hợp với thực tế. Theo đó, đề án cần bám sát quy định của pháp luật liên quan đến quy hoạch chi tiết từng khu chức năng cũng như lên phương án xử lý vấn đề môi trường, cấp nước, đặc biệt là làm rõ vấn đề xây dựng khu du lịch tâm linh.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương đánh giá: "Phú Yên đang trên đà phát triển mạnh mẽ, trong đó huyện Đông Hòa được xác định là một trong những khu vực phát triển kinh tế trọng điểm của tỉnh. Cùng với đó, tỉnh cũng đang hoàn thiện khung quy trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược có năng lực với mong muốn các dự án lớn, quy mô lớn, đặc biệt ở các lĩnh vực mũi nhọn trong đó ưu tiên đầu tư về du lịch, công nghiệp công nghệ cao được triển khai đầu tư tại tỉnh".
Báo cáo về phương án quy hoạch chi tiết của dự án, Vinaconex nhận được sự đồng tình của Bí thư Tỉnh uỷ Huỳnh Tấn Việt vì dự án cơ bản đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh.
Bí thư Huỳnh Tấn Việt đề nghị nhà đầu tư, đơn vị tư vấn tiếp tục hoàn chỉnh lại ý tưởng lập quy hoạch, đầu tư, đồng bộ với quy hoạch của tỉnh, nhất là đảm bảo tuân thủ quy định liên quan đến vấn đề tâm linh, môi trường, vấn đề sử dụng đất.
Dự án đầu tư khu du lịch tâm linh, sinh thái nghỉ dưỡng Biển Hồ quy mô 470 ha tại Phú Yên sẽ được hình thành với mô hình xây dựng khu du lịch tâm linh; khu dịch vụ thương mại du lịch nghỉ dưỡng biển, hồ sinh thái thân thiện với môi trường, tạo điểm đến du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Trong đó một trong những hạng mục hứa hẹn tạo sự thu hút chính là xây dựng khu sân gôn 18 lỗ mang tầm quốc tế và các tiện ích, hạ tầng kỹ thuật khác.
Được biết, tại Phú Yên, vào tháng 8/2019 Vinaconex có trúng đấu giá khu đất gần 10 ha tại TP. Tuy Hòa để xây dựng Khu du lịch nghỉ dưỡng Condotel Resort ven biển Tuy Hòa. Tổng vốn đầu tư dự án là 2.105 tỉ đồng, trong đó có 7 tầng xây dựng condotel. Tiến độ hoàn thành công trình trong 2 năm kể từ ngày được bàn giao đất trên thực địa.
Vinaconex là doanh nghiệp xây dựng lâu năm có kinh nghiệm đầu tư phát triển các dự án khu đô thị, nghỉ dưỡng lớn. Tuy nhiên, thời gian qua Vinaconex có sự biến động về cơ cấu sở hữu với sự tham gia của các nhóm cổ đông lớn sau khi mua cổ phần Nhà nước thoái vốn. Doanh nghiệp này cũng có thời điểm "căng thẳng" khi nổ ra những tranh chấp quyền lực và lùm xùm với đối tác hợp tác đầu tư tại dự án khu đô thị tại Nam An Khánh (Hà Nội).
Tại Đại hội cổ đông của Vinaconex ngày 28/6/2019 diễn ra trong căng thẳng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Star Invest - một trong những cổ đông lớn của Vinaconex đã kiến nghị bổ sung hàng loạt nội dung quan trọng: sửa đổi Quy chế hoạt động và Quy chế tài chính, bổ sung việc mua 23,57 triệu cổ phiếu quỹ, báo cáo của Ban kiểm soát về chi tiêu của nhiều cá nhân, tổ chức do nghi vấn thất thoát tiền và làm rõ những rủi ro đối với tổng công ty nếu không thu hồi được các khoản tiền này.
Ông Đào Ngọc Thanh (giữa) - Chủ tịch HĐQT Vinaconex. |
Một số cổ đông cũng đặt nghi vấn "liệu Hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc có tẩu tán tài sản, lấy trộm lấy cắp hay không, lấy khoản tiền từ đâu để mua xe sang cho ban lãnh đạo", chuyển về cho An Quý Hưng do khối nợ của công ty này tăng đột biến sau khi tham gia 'thâu tóm' cổ phần Vinaconex.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinaconex Đào Ngọc Thanh đã dẫn chứng các con số để cho thấy không có chuyện "thất thoát". Đầu năm 2019, số dư tiền mặt của tổng công ty là 1.840 tỉ đồng. Sau khi tạm ứng cổ tức 441 tỉ đồng và mua trái phiếu 140 tỉ đồng, hiện số dư tiền mặt là 1.811 tỉ đồng.
"Hiện tôi cũng có một chiếc siêu xe đã đi từ lâu, có thể kiểm tra trên báo cáo tài chính... Lãnh đạo tại nhiều doanh nghiệp và cùng nhiều cổ đông chi hàng nghìn tỉ đồng mua cổ phần VCG thì không có lý do gì để rút ruột vài chục tỉ đồng đi mua xe", ông Thanh giải thích và khẳng định không "tẩu tán" tiền về An Quý Hưng, còn dư nợ lớn của An Quý Hưng phát sinh do các cổ đông dồn tiền vào công ty để mua cổ phần bán đấu giá của SCIC.
Về hoạt động kinh doanh của Vinaconex, trong quý 4/2019, doanh thu thuần của công ty đạt 3.611 tỉ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế cả năm, doanh thu thuần của công ty đạt 9.848 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 811,4 tỉ đồng; lần lượt tăng 1,2% và 27,4% so với năm trước. Tổng tài sản của Vinaconex đạt 18.137 tỉ đồng tính đến ngày 31/12/2019, giảm 9,7% so với đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm tới 6.294 tỉ đồng. Đến cuối kỳ, công ty có 10.374 tỉ đồng nợ phải trả, trong đó, vay nợ tài chính ngắn và dài hạn đạt gần 4.800 tỉ đồng. |
Nhật My