Thứ sáu, 29/03/2024 15:03 (GMT+7)
Thứ hai, 25/07/2022 14:55 (GMT+7)

Vietnam Airlines bị xử phạt vì nhiều sai phạm trong lĩnh vực chứng khoán

Theo dõi KTMT trên

Vietnam Airlines vừa bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt tổng cộng 170 triệu đồng vì nhiều vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán.

Xử phạt 170 triệu đồng

Ngày 21/7, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành Quyết định số 491/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines, mã chứng khoán: HVN).
Cụ thể, Vietnam Airlines công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật trên hệ thống công bố thông tin của UBCKNN và trên trang thông tin điện tử của Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) các tài liệu: Báo cáo thường niên năm 2020, báo cáo tài chính quý I/2022, thông tin về việc thoái vốn tại Hãng Hàng không Cambodia Angkor Air từ công ty liên kết thành không còn là công ty liên kết.

Theo đó, hãng bay bị phạt tiền 50 triệu đồng theo quy định điểm a khoản 3 Điều 42 Nghị định số 156/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán do công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật.

Vietnam Airlines bị xử phạt vì nhiều sai phạm trong lĩnh vực chứng khoán - Ảnh 1
Vietnam Airlines "dính" xử phạt vì nhiều sai phạm trong lĩnh vực chứng khoán. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, Vietnam Airlines còn bị phạt tiền 100 triệu đồng quy định tại điểm a khoản 6 Điều 15 Nghị định số 156/2020 được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 128/2021  30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020 (Nghị định số 128/2021) do không đảm bảo cơ cấu, số lượng thành viên Hội đồng quản trị độc lập. Nhiệm kỳ 2021-2025, hãng hàng không này chỉ có 7 thành viên Hội đồng quản trị, trong đó chỉ có 1 thành viên Hội đồng quản trị độc lập.

UBCKNN cũng phạt tiền 20 triệu đồng với Vietnam Airlines theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 156/2020 được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 128/2021 do công ty đại chúng không đưa nội dung thù lao của từng thành viên Hội đồng quản trị, tiền lương của Tổng giám đốc (Giám đốc) và người quản lý khác thành mục riêng trong Báo cáo tài chính hàng năm của công ty. Trong Báo cáo tài chính năm 2021 đã được kiểm toán, Vietnam Airlines chưa thuyết minh chi tiết thù lao của từng thành viên Hội đồng quản trị, tiền lương của Ban Tổng Giám đốc. Tổng cộng, Vietnam Airlines bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán là 170 triệu đồng.

Nhiều doanh nghiệp cũng bị gọi tên

Cũng trong ngày, UBCKNN xử phạt Công ty cổ phần Louis Land (HoSE: BII) tổng số tiền 370 triệu đồng, do 3 lỗi vi phạm gồm: Không công bố đối với thông tin đối với việc thoái toàn bộ vốn 57,2 tỷ đồng tại Công ty TNHH Địa ốc Tân Bửu; công bố thông tin không đúng thời hạn đối với Báo cáo tài chính năm 2019 đã kiểm toán, Báo cáo tài chính bán niên 2020 đã soát xét.

Louis Land còn bị phạt tiền 200 triệu đồng vì công bố thông tin sai lệch. Cụ thể, tại báo cáo tài chính (BCTT) năm 2020 đã kiểm toán, công ty đã hạch toán lãi từ giao dịch mua công ty con Công ty TNHH Golden Resource (34.918.257.203 đồng) vào vốn chủ sở hữu (khoản Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối kỳ trước), mà không đưa vào kết quả hoạt động kinh doanh (khoản mục Thu nhập khác) của năm tài chính 2020.

Louis Land còn bị phạt 70 triệu đồng, vì công bố thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật.

Trước đó, ngày 20/7, UBCKNN cũng ban hành 3 quyết định xử phạt trong lĩnh vực chứng khoán. Theo đó, công ty Cổ phần Nông dược HAI (HoSE: HAI) bị phạt với tổng số tiền 235 triệu đồng, và yêu cầu cải chính thông tin sai sự thật Trong đó, 150 triệu đồng là tiền phạt của hành vi tạo dựng thông tin sai sự thật hoặc công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.

85 triệu đồng là hình phạt cho hành vi công bố thông tin sai lệch về các chỉ tiêu tài chính tại BCTC riêng và hợp nhất tại BCTC quý 4/2021 do công ty công bố ngày 28/01/2022); không công bố BCTC riêng và hợp nhất năm 2021 đã kiểm toán, Báo cáo thường niên năm 2021, BCTC riêng và hợp nhất quý 1/2022

Công ty Cổ phần Xây dựng và Thiết kế số 1 (DCF) bị phạt với tổng số tiền 210 triệu đồng. Trong đó, 150 triệu đồng là tiền phạt của hành vi công bố thông tin sai lệch với Báo cáo tình hình quản trị Công ty năm 2021.

DCF phải cải chính thông tin trong 24 giờ kể từ khi nhận được quyết định. Ngoài ra, DCF còn chịu phạt 60 triệu đồng, vì công bố thông tin không đúng thời hạn đối với BCTC hợp nhất quý 3/2021 và quý 4/2021...

Ngày 20/7, UBCKNN còn xử phạt công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) tổng số tiền 435 triệu đồng. Trong đó, Golden Gate bị phạt 350 triệu đồng vì không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán theo quy định, và 85 triệu đồng do mua lại cổ phiếu nhưng không báo cáo UBCKNN theo quy định pháp luật (trong năm 2021, công ty đã thu hồi cổ phiếu của người lao động nghỉ việc làm cổ phiếu quỹ nhưng không báo cáo UBCKNN theo quy định).

Golden Gate buộc phải nộp hồ sơ đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán cho Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con trong thời hạn tối đa 60 ngày. Đây là đơn vị vận hành hàng loạt chuỗi nhà hàng nổi tiếng như lẩu Manwah, Cowboy’s Jacks, Sumo BBQ…

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc SB Law, thông tin và công bố thông tin có tác động lớn đến thị trường chứng khoán và quyết định đến sự ổn định và phát triển của thị trường.

Thông tin quyết định đến giá của các tài sản tài chính được niêm yết trên thị trường chứng khoán, ảnh hưởng đến quyết định mua vào và bán ra của các nhà đầu tư.

Việc công bố thông tin phải đảm bảo 3 tiêu chí: Đầy đủ; chính xác; kịp thời theo quy định của pháp luật.

Các lỗi vi phạm chủ yếu liên quan đến công bố thông tin trên thị trường chứng khoán hiện nay là chậm nộp báo cáo tài chính, báo cáo thường niên, chậm công bố các thông tin về thay đổi nhân sự, báo cáo phải kiểm toán đối với tổ chức …; chậm công bố thông tin hoặc không công bố thông tin về giao dịch mà pháp luật yêu cầu phải công bố đối với cá nhân. Ngoài ra còn tồn tại những trường hợp báo cáo không chính xác hoặc công bố thông tin sai lệch.
Đối với những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu thì việc doanh nghiệp bị xử phạt do vi phạm công bố thông tin khiến họ thiệt hại vì giá cổ phiếu bị ảnh hưởng không nhỏ, nhất là khi doanh nghiệp đồng thời xuất hiện thông tin tiêu cực về hoạt động kinh doanh.

Chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp đưa ra con số ước tính kết quả kinh doanh khả quan, sau đó đưa ra báo cáo tài chính tự lập với con số tích cực, nhà đầu tư dựa trên cơ sở đó để quyết định đầu tư vào doanh nghiệp, một số cổ đông hiện hữu quyết định nắm giữ cổ phiếu vì thấy kết quả hoạt động của doanh nghiệp đang tốt.

Nhưng sau kiểm toán, lợi nhuận "bốc hơi" do hạch toán không đúng khoản mục, chưa đủ cơ sở ghi nhận… Mặc dù doanh nghiệp đã giải trình vì sao lại có sự chênh lệch số liệu trong báo báo tài chính tự lập so với báo cáo sau khi được kiểm toán. Tuy nhiên với các nhà đầu tư, việc giải thích này cũng không giúp lấy lại những tổn thất của họ do đã dựa trên những thông tin không chính xác mà doanh nghiệp cung cấp để đưa ra quyết định giao dịch.

Ngoài ra, vi phạm công bố thông tin cũng có thể là một chỉ báo về khả năng có giao dịch nội gián. Các giao dịch nội gián thường dựa trên việc cố tình lợi dụng lợi thế về việc tiếp cận được thông tin tốt hoặc xấu về hoạt động và tình hình tài chính của công ty. Nguồn thông tin thường xuất phát từ các thành viên cấp cao và người có liên quan trong tổ chức phát hành. Nhiều nghiên cứu chỉ ra các giao dịch nội gián thường diễn ra sau khi công ty có thông tin quan trọng và trong khoảng 20 ngày trước khi công ty công bố thông tin này ra công chúng.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Vietnam Airlines bị xử phạt vì nhiều sai phạm trong lĩnh vực chứng khoán. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bộ NN&PTNT muốn thí điểm bán đấu giá 5,9 triệu tấn carbon còn dư
Ngân hàng Thế giới (WB) đã có công thư gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, đề nghị mua bổ sung 1 triệu tấn tín chỉ carbon với mức giá 5 USD/tấn (mức giá tự nguyện). Số còn lại Bộ muốn thí điểm đấu giá thông qua các sàn giao dịch quốc tế.

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.