Vietcombank trình phương án chia cổ tức 18% và phát hành tăng vốn
Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Vietcombank (VCB) cho biết cần phải tiếp tục thực hiện tăng vốn điều lệ, tăng vốn chủ sở hữu trong giai đoạn 2020 - 2021 nhằm nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị để từng bước hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược.
Tính đến hết tháng 3/2020, tổng tài sản của Vietcombank đạt mức 1,14 triệu tỉ đồng. |
Dự thảo Phương án tăng vốn điều lệ giai đoạn 2020 - 2021 của Vietcombank nêu rõ: “Nếu không tăng được vốn, Vietcombank sẽ không đảm bảo tỉ lệ an toàn vốn theo quy định, điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế của Vietcombank, ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của Vietcombank cũng như đóng góp của Vietcombank cho ngân sách nhà nước”.
Cụ thể, Vietcombank dự kiến trình cổ đông 2 cấu phần tăng vốn. Thứ nhất là phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ chi trả cổ tức năm 2018 bằng cổ phiếu. Tỉ lệ chi trả cổ tức là 18%, nghĩa là mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu tại thời điểm phát hành sẽ được nhận tối đa 18 cổ phiếu.
Thời gian thực hiện dự kiến trong nửa cuối năm 2020, thời điểm cụ thể giao cho Hội đồng quản trị quyết định sau khi được chấp thuận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vốn điều lệ sau chia cổ tức dự kiến tăng thêm 6.675 tỉ đồng lên 43.764 tỉ đồng.
Cấu phần thứ hai là phát hành cổ phiếu riêng lẻ với quy mô tương đương 6,5% vốn điều lệ của Vietcombank tại thời điểm chào bán. Đối tượng chào bán là nhà đầu tư tổ chức có tiềm lực tài chính, có thể bao gồm một hoặc một số cổ đông hiện hữu của Vietcombank. Số lượng chào bán tối đa 99 nhà đầu tư.
Ở cấu phần thứ hai này, khối lượng phát tối đa là 241.077.034 cổ phiếu. Trong đó, phát hành cho các nhà đầu tư dự kiến 204.915.263 cổ phiếu, tương đương tỉ lệ 5,19% tổng số cổ phiếu sau phát hành; phát hành cho đối tác chiến lược (Ngân hàng Mizuho Nhật Bản) để giữ tỉ lệ sở hữu tối thiểu 15% (dự kiến 36.161.771 cổ phiếu, tương đương tỉ lệ 0,92% tổng số cổ phiếu sau phát hành) trên cơ sở quyết định đầu tư của Ngân hàng Mizuho.
Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2020-2021. Việc chuyển nhượng cổ phần chào bán riêng lẻ bị hạn chế 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Trích Dự thảo phương án tăng vốn điều lệ giai đoạn 2020 - 2021 của Vietcombank. |
Trước đó, Vietcombank cho biết, tính đến tháng 1/2019, ngân hàng mới hoàn thành phát hành khoảng 3% vốn điều lệ cho nhà đầu tư nước ngoài GIC và cổ đông hiện hữu Mizuho, thu về gần 5.000 tỉ. Sau phát hành, vốn điều lệ của Vietcombank đã tăng lên hơn 37.000 tỉ.
Tuy nhiên sau phát hành 3% vốn điều lệ, Vietcombank mới hoàn thành được khoảng 1/3 kế hoạch tăng vốn đã xác định theo phương án phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài mà Ngân hàng Nhà nước phê duyệt từ đầu năm 2018.
Vốn điều lệ hiện tại của Vietcombank đang thấp hơn mức kế hoạch tại Phương án cơ cấu lại đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt tương ứng cho năm 2020 khoảng 21.100 tỉ đồng.
Tình hình kinh doanh năm 2019, tổng tài sản Vietcombank đạt 1.222.719 tỉ đồng, tăng 13,8% so với 31/12/2018, vượt 1,6% so với kế hoạch; lợi nhuận trước thuế đạt 23.122 tỉ đồng, tăng 26,6% so với năm 2018, vượt 15,6% so với kế hoạch; dư nợ tín dụng đạt 741.387 tỉ đồng, tăng 15,9% so với 31/12/2018.
Theo báo cáo tài chính mới công bố, kết quả kinh doanh quý 1 năm 2020, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 5.223 tỉ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến ngày 31/3, tổng tài sản của Vietcombank đạt mức 1,14 triệu tỉ đồng; trong đó, dư nợ cho vay khách khàng ở mức 754,5 nghìn tỉ đồng, tăng 2,69% so với đầu năm.
Năm 2020, Vietcombank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 9%; dư nợ tín dụng tăng 10%; huy động vốn tăng 10%. Lợi nhuận trước thuế năm 2020 dự kiến tăng 10%. Ngân hàng dự kiến tỉ lệ cổ tức 8%.
Nhật My