Thứ sáu, 22/11/2024 11:46 (GMT+7)
Thứ hai, 08/02/2021 08:23 (GMT+7)

Việt Nam với hành trình xây dựng thành phố bền vững về môi trường

Theo dõi KTMT trên

Là khu vực có hệ sinh thái phong phú và nguồn tài nguyên đa dạng, ASEAN luôn coi trọng bảo vệ môi trường, sử dụng và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế lâu dài và ổn định.

Hợp tác môi trường được ASEAN quan tâm và thúc đẩy từ sớm. Năm 2003, Nhóm công tác ASEAN các thành phố bền vững về môi trường được thành lập, triển khai các hoạt động hướng tới xây dựng các thành phố trong khu vực ASEAN phát triển bền vững môi trường. Lĩnh vực thành phố bền vững về môi trường trở thành lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong hợp tác về môi trường của các quốc gia Đông Nam Á hướng tới sự phát triển bền vững.

Vì một môi trường đô thị xanh, sạch hơn

Việt Nam với hành trình xây dựng thành phố bền vững về môi trường - Ảnh 1
Thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) là thành phố đầu tiên của Việt Nam nhận Giải thưởng “Thành phố bền vững về môi trường” của các nước ASEAN. (Ảnh theo: thethaovanhoa.vn)

Thành phố bền vững môi trường ASEAN là giải thưởng có ý nghĩa quan trọng nhằm tôn vinh và quảng bá hình ảnh các thành phố tiêu biểu về chất lượng môi trường (không khí sạch, đất sạch và nước sạch) của các nước trong khu vực, nâng cao nhận thức của cộng đồng và lãnh đạo các cấp của các quốc gia về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường.

Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Việt Nam đã thực hiện các giải pháp đi kèm lập hồ sơ đề cử cho một số thành phố tiêu biểu. Đến nay, Việt Nam đã có 4 thành phố đạt được giải thưởng Thành phố bền vững môi trường ASEAN.

Thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) là thành phố đầu tiên của Việt Nam nhận Giải thưởng “Thành phố bền vững về môi trường” của các nước ASEAN. Đây là giải thưởng được trao trong khuôn khổ hội nghị Bộ trưởng Môi trường các nước ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Môi trường các nước ASEAN + 3 (bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc), Hội nghị Bộ trưởng Môi trường các nước Đông á lần thứ nhất được tổ chức tại Việt Nam từ ngày 6 - 10/10/2008.

Theo Bộ Tài nguyên - Môi trường, đây là lần đầu tiên tổ chức giải thưởng bền vững về môi trường của các nước ASEAN nhằm tôn vinh, quảng bá hình ảnh các thành phố được vinh danh là “Thành phố bền vững về môi trường” trong khu vực ASEAN. Đây là vinh dự cho thành phố Hạ Long, ghi nhận những cố gắng của thành phố trong việc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, nhất là bảo vệ môi trường Di sản thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long. Vinh dự này càng tạo đà cho việc làm tốt hơn bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long, cổ động cho việc bầu chọn Vịnh Hạ Long là 1 trong 7 kỳ quan thiên thế giới.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh các nước ASEAN lần thứ 17 tại Indonesia, ngày 23/11/2011, Đà Nẵng là thành phố thứ 2 của Việt Nam được trao tặng giải thưởng ASEAN về thành phố bền vững môi trường. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng được công nhận là một trong 20 thành phố sạch nhất thế giới do hàm lượng các-bon trong khí thải ra môi trường thấp nhất. Nhờ công nhận này, Đà Nẵng ngày càng có những tiêu chí phấn đấu trở thành thành phố văn minh, thân thiện với môi trường. Cùng với việc tạp chí Forbes tôn vinh Mỹ Khê của Đà Nẵng là một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh bởi cát trắng mịn, sóng biển ôn hòa, nước ấm quanh năm cùng hàng dừa thơ mộng, tuyệt đẹp bao quanh, Đà Nẵng xứng đáng được bầu chọn là thành phố đáng sống nhất Việt Nam.

Thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) là thành phố thứ 3 của Việt Nam vinh dự được nhận giải thưởng Thành phố bền vững về môi trường ASEAN năm 2014 tại Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN phi chính thức lần thứ 15, được tổ chức tại Lào vào tháng 9/2014.

Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 14 (AMME 14) tại Brunei Darussalam từ ngày 11 - 14/9/2017 đã diễn ra Lễ trao giải thưởng “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN”, thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đã được nhận giải thưởng này. 

Giữ vững danh hiệu

Giải thưởng bền vững môi trường ASEAN đã tạo đà, tạo động lực cho các thành phố tiếp tục phấn đấu giữ vững danh hiệu trước những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, tiếp tục phát triển bền vững hơn, thịnh vượng và giàu bản sắc.

Với các lợi thế là trung tâm sản xuất than quan trọng nhất của Việt Nam, Quảng Ninh là khu vực phát triển công nghiệp chủ yếu tại miền Bắc Việt Nam với quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa đang tiến triển nhanh chóng. Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh có khu vực di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và du lịch là một ngành quan trọng, do vậy các chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh luôn phải hài hòa với chiến lược bảo vệ môi trường.

Sớm ý thức vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế bền vững, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hạ Long đã triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng môi trường xanh-sạch-đẹp cho thành phố như di chuyển các hoạt động vận chuyển than khỏi khu vực trung tâm và Vịnh Hạ Long, chuyển cảng bốc rót than chuyên dùng thành cảng khách, đầu tư thực hiện các dự án thoát nước thải và vệ sinh môi trường, trồng cây xanh và xử lý ô nhiễm môi trường. Thành phố cũng đã thực hiện nhiều dự án phát triển du lịch xanh bền vững, du lịch sinh thái và tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là ngư dân, về bảo vệ môi trường thành phố nói chung và Vịnh Hạ Long nói riêng. Bên cạnh đó, Hạ Long đang cùng Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam tiến hành chuyển đổi việc khai thác than lộ thiên trên địa bàn sang khai thác hầm lò. Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang tiến hành "Phương pháp tiếp cận nền kinh tế xanh", với mục tiêu lồng ghép các biện pháp bảo vệ môi trường vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Sau 15 năm trở thành thành phố trực thuộc trung ương, với vị thế là một đô thị loại I cấp quốc gia và là một trong những trung tâm kinh tế của miền Trung và khu vực, nhất là giai đoạn năm 2000-2010, Đà Nẵng đã có bước phát triển vượt bậc về kinh tế-xã hội, tài nguyên và môi trường. Diện mạo của thành phố đến nay đã khang trang, văn minh, sạch đẹp và đầy sức sống của một thành phố trẻ sôi động.

Cùng với quá trình đó, thành phố Đà Nẵng cũng đã vượt qua những thăng trầm thử thách và đầy áp lực của vấn đề môi trường nảy sinh, thiên tai đe dọa và môi trường toàn cầu đang phải đối mặt.

Đi đầu trong việc xây dựng thương hiệu “Thành phố môi trường” đến năm 2020, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã giải quyết an toàn các vấn đề môi trường cấp bách như tình trạng ngập úng do mưa, thu gom và xử lý triệt để các loại chất thải, khai thác và sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn tài nguyên để hướng tới là một thành phố phát thải các-bon thấp. Thành phố đã được Cơ quan nghiên cứu năng lượng châu Á -Thái Bình Dương ủng hộ trong lĩnh vực này. Các chỉ số về không khí sạch, nước sạch, đất sạch của Đà Nẵng tốt hơn nhiều khi so sánh với các thành phố ở một số nước trong khu vực.

Với điều kiện tài nguyên thiên nhiên ưu đãi, Đà Lạt đã trở thành một địa điểm du lịch, nghỉ dưỡng nổi tiếng của Việt Nam, thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) luôn quan tâm, phát triển kinh tế-xã hội theo hướng bền vững về môi trường. Để đạt được mục tiêu trên, chính quyền thành phố Đà Lạt đã xây dựng các chính sách bảo vệ môi trường dài hạn và tăng cường đầu tư các công trình xử lý môi trường như tăng cường năng lực thu gom chất thải sinh hoạt cùng với việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung của thành phố, nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải nguy hại; mở rộng mạng lưới thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung của đô thị; kiểm soát ô nhiễm các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và khuyến khích các đơn vị sản xuất áp dụng công nghệ mới theo hướng của công nghệ sạch; tăng cường công tác quan trắc môi trường; duy trì và nâng cao tỉ lệ che phủ rừng, tăng cường diện tích phủ xanh đô thị; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong nhân dân và du khách.

Với thế mạnh thiên nhiên sẵn có, kết cấu hạ tầng đủ khả năng khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên và ứng phó hiệu quả với các biến đổi khí hậu, ý thức bảo vệ môi trường của người dân ngày một nâng cao, Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế )là thành phố đầu tiên của Việt Nam được hỗ trợ xây dựng đô thị theo 3 cấp: đô thị sinh thái-đô thị phát triển bền vững và đô thị thông minh. Huế là thành phố an toàn về môi trường đúng như tên gọi mà Ngân hàng Phát triển châu Á dành cho Huế "Thành phố xanh: Tương lai bền vững của khu vực Đông Nam Á".

Trên cơ sở Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Thừa Thiên-Huế xây dựng kế hoạch phát triển Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020 với mục tiêu phát triển đô thị bền vững. Trong đó thành phố Huế là mục tiêu hàng đầu với việc xây dựng Huế trở thành đô thị sinh thái, có các ngành kinh tế phát triển theo hướng xanh hóa; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng và tài nguyên thiên nhiên; chất lượng cuộc sống của nhân dân được cải thiện; có lối sống thân thiện môi trường.

Thành phố Huế đang duy trì và bảo vệ được không khí sạch, nước sạch, đất sạch theo các tiêu chí thành phố bền vững môi trường ASEAN. Đây cũng là thành phố tiêu biểu của các đô thị trong cả nước hiện đang phát triển bền vững môi trường theo hướng tăng trưởng xanh thích ứng với biến đổi khí hậu. Chính quyền thành phố đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là phát triển, đầu tư cho kinh tế nhưng vẫn phải bảo tồn, tôn tạo, gìn giữ di sản, cảnh quan thiên nhiên và môi trường. Xây dựng đô thị với phương châm “Thành phố văn hóa, di sản, cảnh quan và thân thiện với môi trường”.

Những mô hình hay về bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa lần lượt ra đời thời gian qua đã đưa Thừa Thiên - Huế trở thành điểm sáng trên toàn quốc về công tác môi trường với khẩu hiệu “Huế xanh - sạch - sáng”.

Mặc dù trong năm 2020, Huế phải hứng chịu nhiều cơn bão lũ liên tục khiến cây xanh ngã đổ, bùn rác ngập khắp nơi nhưng người dân phố Huế đã chung sức vệ sinh môi trường sạch sẽ. Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh - Hãy hành động để Thừa Thiên - Huế thêm xanh - sạch - sáng” đã lan tỏa khắp thành phố Huế.

Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài cho biết, hiện Việt Nam đang đề xuất quy chế tổ chức các giải thưởng ASEAN về môi trường tại Việt Nam nhằm xem xét, đề cử các đơn vị, cá nhân đối với các giải thưởng ASEAN về môi trường để triển khai các hoạt động trong nước, lựa chọn chính xác các đơn vị, cá nhân hội tụ đầy đủ các phẩm chất đáp ứng các tiêu chí của ASEAN.

Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục phấn đấu, đưa thành phố Cần Thơ sẽ là thành phố thứ 5 được trao giải thưởng Thành phố bền vững môi trường ASEAN.

Minh Nguyệt

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam với hành trình xây dựng thành phố bền vững về môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Thanh niên 9x khởi nghiệp với hoa cẩm cù
Đỗ Văn Phúc (SN 1991) bất ngờ khám phá niềm yêu thích đặc biệt với hoa cẩm cù. Từ đó, anh đã biến đam mê này thành sự nghiệp, gặt hái thành công và tạo ra nguồn thu nhập ổn định tại Bình Phước.

Tin mới