Thứ năm, 28/03/2024 21:15 (GMT+7)
Thứ bảy, 06/11/2021 09:00 (GMT+7)

Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế, thiết lập thị trường carbon

Theo dõi KTMT trên

Xây dựng thị trường trao đổi tín chỉ carbon là một trong những công cụ quan trọng nhất trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Với những tiềm năng và cơ hội sẵn có, Việt Nam đang từng bước mở rộng con đường tham gia thị trường trao đổi tín chỉ carbon.

Mới đây, tại khu triển lãm Hội nghị COP26, Glasgow, Vương quốc Anh, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường đã có cuộc làm việc với ông Benedict Chia, Giám đốc phụ trách chiến lược Ban Thư ký biến đổi khí hậu quốc gia thuộc Văn phòng Thủ tướng Singapore về đề xuất xây dựng một thỏa thuận hợp tác về trao đổi tín chỉ carbon giữa hai nước.

Việt Nam đã tham gia Thỏa thuận Pari về biến đổi khí hậu và sẽ thực hiện trách nhiệm quốc gia trong ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, chủ yếu thông qua Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), bao gồm những cam kết đóng góp bắt buộc về giảm phát thải khí nhà kính.

Một trong những cách thức thực hiện “Kế hoạch hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia” (NAMA) là NAMA tạo tín chỉ. Với những tiềm năng và cơ hội để thực hiện NAMA, Việt Nam đang từng bước mở rộng con đường tham gia thị trường trao đổi tín chỉ carbon, trong đó có sàn giao dịch tín chỉ carbon.

Theo đó, tại Điều 6 Thỏa thuận Paris cung cấp khuôn khổ quốc tế cho các Bên hợp tác trong việc thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) với việc sử dụng các cơ chế dựa trên thị trường (thị trường carbon). Mặc dù việc hướng dẫn triển khai thực hiện Điều 6 Thỏa thuận Paris vẫn đang còn nhiều ý kiến trong các nội dung đàm phán tại COP26, một số quốc gia đã trao đổi các cơ chế hợp tác thí điểm nhằm cường năng lực và kinh nghiệm triển khai thực hiện. Đơn cử như các thoả thuận giữa Thụy Sĩ - Peru, Thụy Sĩ - Ghana và một số quốc gia khác. Thỏa thuận được đề xuất này nhằm mục đích hỗ trợ và phù hợp với mọi quy tắc đã được quy định theo Điều 6 của Thỏa thuận Paris.

Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế, thiết lập thị trường carbon - Ảnh 1
Việt Nam đang từng bước mở rộng con đường tham gia thị trường trao đổi tín chỉ carbon. (Ảnh minh họa: Petrotimes.vn)

Trong bối cảnh đó, Singapore đề xuất xây dựng Thỏa thuận hợp tác về trao đổi tín chỉ carbon giữa Việt Nam và Singapore nhằm thiết lập khuôn khổ hợp tác thực hiện NDC của cả hai nước với việc sử dụng tín chỉ carbon phù hợp với Điều 6 Thỏa thuận Paris. Bước đầu sẽ triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, tiến hành các nghiên cứu, khảo sát và thí điểm việc vận hành Điều 6 và sẽ mở rộng quy mô khi cả hai bên đã sẵn sàng. Thỏa thuận được đề xuất nhằm thúc đẩy đầu tư, tạo việc làm theo định hướng phát triển kinh tế xanh và đồng lợi ích giữa các hành động khí hậu với phát triển bền vững, thúc đẩy chuyển giao công nghệ ít phát thải khí nhà kính.

Tại cuộc trao đổi, ông Tăng Thế Cường đánh giá cao đề xuất của phía Singapore nhằm thúc đẩy nghiên cứu và trao đổi tín chỉ carbon, phát triển thị trường carbon ở Việt Nam cũng như ở Singapore. Hai bên thống nhất sẽ giao các đơn vị chuyên môn cấp kỹ thuật nghiên cứu để đề xuất các nội dung thỏa thuận hợp tác, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Sẽ có thị trường carbon trong nước từ năm 2028

Lộ trình phát triển thị trường carbon trong nước cùng thực hiện các dự án trao đổi tín chỉ trong và ngoài nước là những nội dung chính trong dự thảo Nghị định quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone thuộc Luật Bảo vệ môi trường do Bộ TN&MT đang xây dựng.

Đến thời điểm này, đã có khoảng 80 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng hoặc lên kế hoạch áp dụng công cụ định giá carbon, với tổng lượng khí nhà kính có khả năng thương mại hóa tính tương đương lên tới 12 tỉ tấn CO2, chiếm khoảng 22,3% tổng lượng khí nhà kính phát thải toàn cầu.

Dự thảo xác định đến năm 2025 là giai đoạn chuẩn bị, thực hiện các hoạt động như nghiên cứu quy chế xây dựng thị trường carbon, các quy định về triển khai thực hiện cho phép đơn vị tham gia dự án trao đổi tín chỉ carbon, tăng cường năng lực cho các bên tham gia; Điều tra, đánh giá xác định tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính sẽ phân bổ cho các cơ sở tham gia thị trường…

Dự kiến sau năm 2025 đến năm 2027 sẽ vận hành thí điểm thị trường carbon trong nước và ban hành các quy định về giao dịch phát thải, trách nhiệm tài chính của các bên tham gia. Từ năm 2028 sẽ chính thức vận hành thị trường.

Trong giai đoạn thí điểm, các ngành có lượng phát thải khí nhà kính lớn như thép, nhiệt điện, quản lý chất thải rắn, sản xuất xi măng sẽ được giao nhiệm vụ kiểm kê phát thải theo danh mục do Thủ tướng Chính phủ ban hành, đồng thời nâng cao nhận thức hay bổ sung, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để tham gia thị trường thương mại chính thức khi vận hành.

Chính sách này được kỳ vọng sẽ tăng cường cam kết của Việt Nam trong cam kết giảm thiểu khí nhà kính trong thời gian tới đây. Từ đó, tạo điều kiện cho ngành năng lượng nước nhà khai thác tiềm năng từ năng lượng tái tạo, dần chuyển dịch sang các mô hình phát triển kinh tế carbon thấp trong kỷ nguyên phục hồi sau Covid-19.

Từ giữa năm 2021, Quảng Nam là địa phương đầu tiên trong cả nước được Chính phủ giao thí điểm thực hiện đề án xuất khẩu tín chỉ carbon rừng (giai đoạn 2021 - 2025). Cụ thể, năm 2021 bán 1,2 triệu tấn CO2 (tương đương 1,2 triệu tín chỉ), đến năm 2025 bình quân mỗi năm bán 0,8 triệu tấn CO2, sau đó có thể nâng lên mức 1,2 triệu tấn CO2 mỗi năm.

“Kinh doanh tín chỉ carbon rừng sẽ tạo nguồn tài chính bền vững để thực hiện công tác bảo vệ, phục hồi, nâng cao chất lượng rừng tự nhiên hiện có; đẩy mạnh phát triển rừng trồng, lồng ghép với việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính; Bảo vệ và phát triển rừng, tăng trưởng xanh để phát huy giá trị của các hệ sinh thái rừng; Tăng cường chức năng bảo vệ môi trường, giảm tác động của biến đổi khí hậu, cũng như nâng cao đời sống của người dân và phát triển bền vững", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu nhận định.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế, thiết lập thị trường carbon. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.