Việt Nam nỗ lực để có vaccine Covid-19 vào cuối quý III tới
Chiều 22/3, thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống Covid-19 đã thảo luận về việc thúc đẩy tiến độ sản xuất vaccine trong nước, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), Chánh Văn phòng Chương trình Quốc gia nghiên cứu phát triển vaccine - ông Nguyễn Ngô Quang đã báo cáo tổng hợp tình hình các loại vaccine phòng Covid-19 đang được sử dụng trên toàn thế giới.
Theo ông Quang, các loại vaccine này đều được cấp phép trong tình trạng khẩn cấp để ứng phó với dịch bệnh. Do đó, Việt Nam cũng đang tiến hành nghiên cứu, sản xuất vaccine trong tình trạng tương tự, với tinh thần “chống dịch như chống giặc” của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay, Việt Nam đang nghiên cứu và phát triển 3 loại vaccine ngừa Covid-19. Trong đó, vaccine Nano Covax của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen (NANOGEN) đang tiến hành giai đoạn 2, chuẩn bị tiêm mũi 2 giai của đoạn 2 vào ngày 26/3/2021.
Đề xuất nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine Nano Covax, ông Nguyễn Ngô Quang cho biết, đây là vaccine có độ an toàn cao, bước đầu được đánh giá có khả năng sinh miễn dịch. Vaccine Nano Covax sẽ nghiệm thu kết quả thử nghiệm giai đoạn 2 vào tháng 5/2021 theo đúng tiến độ, tiến hành nghiên cứu giai đoạn 3 từ tháng 5-9/2021 và nghiệm thu kết quả, đăng ký lưu hành vào khoảng tháng 9/2021. Dự kiến, hệ thống theo dõi đánh giá hiệu lực bảo vệ của vaccine sẽ được thiết lập tại Việt Nam và một số nước ngoài từ tháng 9/2021-9/2022.
“Hy vọng vào cuối quý III/2021, Việt Nam sẽ có vaccine đầu tiên để phòng, chống dịch Covid-19 do các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu và sản xuất, phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh trong nước, với giá thành rẻ hơn”, ông Nguyễn Ngô Quang nhấn mạnh.
Hai vaccine Covid-19 còn lại cũng đang được các nhà khoa học trong nước đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu là Covivax của Viện Vaccine và Sinh Phẩm Y Tế (IVAC); và vaccine của Công ty TNHH Một thành viên Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH). Cụ thể, vaccine Covivax đã tiêm thử nghiệm mũi đầu tiên của giai đoạn 1 vào ngày 15/3/2021.
Còn VABIOTECH đang đánh giá tiền lâm sàng vaccine và sẽ triển khai thử nghiệm giai đoạn 1 vào tháng 4/2021. Đặc biệt, vaccine của VABIOTECH có thể điều chỉnh để ngăn ngừa các biến thể của virus nếu thành công.
Trong nỗ lực phát triển “vaccine Covid-19 made in Vietnam”, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y, Bộ Quốc phòng cho biết, lực lượng quân y đã phối hợp với NANOGEN nghiên cứu thử nghiệm các giai đoạn, hướng tới sản xuất vaccine ngừa Covid-19 trong nước. Bên cạnh đó, Học viện Quân y đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, sản xuất kit thử để chẩn đoán mầm bệnh.
“Chúng tôi mong muốn và tin tưởng, Việt Nam sớm có vaccine để lực lượng quân đội - lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch nói riêng, người dân nói được sử dụng chính “vũ khí” chúng ta sản xuất để cùng toàn dân phòng, chống dịch bệnh chủ động, hiệu quả”, Cục trưởng Cục Quân y nói.
Đánh giá về tiến trình phát triển và thử nghiệm vaccine Covid-19, Bộ Y tế cho biết, các kết quả đầu tiên trong quá trình nghiên cứu 3 loại vaccine của Việt Nam, từ ngay trong phòng thí nghiệm, từ trước khi thử nghiệm lâm sàng đều rất tốt và khả quan.
Các chuyên gia và các thành viên Ban Chỉ đạo nhận định, Việt Nam bước vào giai đoạn 3 thử nghiệm vaccine trong bối cảnh thay đổi so với những đánh giá hồi cuối năm 2020, khi nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu tiêm vaccine ngừa Covid-19. Trong đó, có những vaccine được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép và vaccine do từng nước tự cấp phép.
Các chuyên gia cho biết, trong những tuần tới đây WHO sẽ có hướng dẫn chính thức về việc thử nghiệm vaccine trên nguyên tắc so sánh với các vaccine đã được cấp phép. Việc này sẽ tạo thuận lợi hơn cho quá trình thử nghiệm vaccine giai đoạn 3 tại Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo nhắc lại yêu cầu cấp thiết phải có vaccine Covd-19, khi Việt Nam là quốc gia có 100 triệu dân và virus SARS-CoV-2 còn có những biến thể, còn tồn tại nhiều năm tới, do vậy, nhiều khả năng người dân phải tiêm vaccine nhắc lại hằng năm. Ngoài góc độ an toàn chống dịch Covid-19, Việt Nam đặt mục tiêu có vaccine của mình không chỉ cho đợt chống dịch này mà còn đối phó với dịch bệnh mới sau này.
“Tôi hoan nghênh và ghi nhận nỗ lực của các lực lượng phòng chống dịch, các đơn vị nghiên cứu, sản xuất vaccine, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ… đã rút ngắn thời gian thử nghiệm vaccine giai đoạn 2 từ 6 tháng xuống còn 3 tháng. Đặc biệt, hoan nghênh phương án dự kiến là tiếp tục rút thời gian thử nghiệm vaccine giai đoạn 3, để cuối Quý III đầu Quý IV Việt Nam sẽ có vaccine ngừa Covid-19. Đây là bản lĩnh và niềm tự hào của giới y học và khoa học của Việt Nam”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Thiên Bình