Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn
Việt Nam đang được đánh giá là một điạ chỉ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, là địa điểm đến của làn sóng dịch chuyển đầu tư. Việt Nam đứng thứ 5 trong số 35 quốc gia châu Á về độ mở của nền kinh tế.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho hay, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh toàn cầu có nhiều thách thức, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm và sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của ngành sản xuất, chế biến, chế tạo và dịch vụ, du lịch trong nước phục hồi và phát triển.
Có thể nói, nhờ có sự phục hồi mạnh mẽ, ADB đã duy trì dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức 6,5% trong năm nay giống như mức dự báo đã đưa ra vào tháng 4. Đồng thời, ADB nhận định kinh tế Việt Nam sẽ đạt được mức tăng trưởng cao hơn vào năm sau.
Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam ông Andrew Jeffries nhận định, kinh tế Việt Nam đã phục hồi nhanh hơn dự kiến trong nửa đầu năm 2022 và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang tồn tại nhiều thách thức. Kinh tế trong nước phục hồi ổn định là nhờ các chỉ số cân đối kinh tế mạnh mẽ và sự phục hồi của ngành sản xuất chế biến chế tạo và dịch vụ.
Với môi trường kinh tế vĩ mô lành mạnh và bền vững, Việt Nam vẫn được coi là điểm đến đầu tư hấp dẫn, đây cũng là nhân tố giúp cho Việt Nam phục hồi và tiếp tục giữ vững mức tăng trưởng kinh tế cao.
Lạm phát được kiểm soát giúp phục hồi sản xuất
Từ đầu năm đến nay, nhiều đối tác kinh tế lớn của Việt Nam đã phải đối mặt với áp lực tăng chỉ số giá tiêu dùng. Lạm phát của khu vực đồng Euro đến tháng 7 lập kỷ lục tăng 8,9%. Thái Lan tăng 7,61% và Hàn Quốc tăng 6,3%...
Việt Nam cũng đã phải chịu sức ép rất lớn do là nền kinh tế có độ mở lớn. Chính phủ đánh giá nhờ có nghệ thuật điều hành, nhãn quan chính trị, hiểu biết tâm lý xã hội và bình tĩnh trước các ý kiến khác nhau nên lạm phát đã được kiểm soát tốt, tạo nền tảng cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất và dồn sức tăng trưởng trong giai đoạn nước rút cuối năm.
Giá nguyên, nhiên vật liệu và hàng hóa thiết yếu liên tục thay đổi, biến động khó lường chỉ trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, những giải pháp quyết liệt và kịp thời đã giúp bình ổn giá xăng dầu, lương thực, thực phẩm - những nhóm mặt hàng đóng góp tới 80-90% vào chỉ số CPI ở Việt Nam.
Trong bối cảnh áp lực lạm phát trên toàn thế giới tăng, đồng USD liên tục tăng giá, đã khiến không ít doanh nghiệp lo lắng. Nhưng việc tỷ giá được kiểm soát ổn định trong thời gian qua đã giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn này.
Đồng thời, giá điện, nước sinh hoạt, học phí... cũng đã được tính toán thay đổi lộ trình điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh khó khăn hiện nay đã giúp giảm áp lực chi phí cho người dân cũng như các doanh nghiệp.
Giám đốc Trung tâm Trọng tài thương mại ông Vũ Tiến Lộc cho hay: "Giảm giãn hoãn lộ trình tăng giá của một số hàng hóa và dịch vụ cơ bản do nhà nước quản lý đã đóng góp tích cực vào kiềm chế mặt bằng giá chung và tổng thể chúng ta có thể có nói rằng Việt Nam đã ứng phó thành công với các cú sốc về giá".
Áp lực lạm phát và khó khăn được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng ở nhiều đối tác kinh tế lớn của Việt Nam trong thời gian tới nên đòi hỏi việc kiểm soát lạm phát ở Việt Nam cần tính tới độ trễ để thực hiện các chính sách cho hiệu quả hơn.
Ông Francois Painchaud, Trưởng Đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam cho biết: "Chúng tôi đánh giá cao sự phục hồi ấn tượng của Việt Nam thời kỳ hậu Covid-19. Sức bật này có được là nhờ sự điều hành linh hoạt, ứng phó trong đại dịch, tăng tốc trong chiến dịch phòng chống Covid-19, cũng như chuẩn bị kỹ lưỡng các chương trình hỗ trợ nền kinh tế cho giai đoạn phục hồi sau đó. Việt Nam là quốc gia duy nhất tại châu Á và ASEAN mà chúng tôi nâng dự báo tăng trưởng".
Huyền Diệu