Việt Nam kêu gọi Mỹ đầu tư vào năng lượng, công nghiệp, hạ tầng
Bộ Công Thương khẳng định nhà đầu tư Mỹ luôn được chào đón, đặc biệt trong các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, giúp nâng vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngày 18/11, tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Mỹ năm 2020, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, diễn biến bất ổn của thương mại toàn cầu do Covid-19 thời gian qua đã thúc đẩy các công ty lớn, trong đó có nhiều tập đoàn Mỹ, quan tâm đến việc phát triển mô hình chuỗi cung ứng mới.
Theo đó, doanh nghiệp đầu tư các hệ thống cung ứng dự phòng đặt tại nhiều địa điểm khác nhau để đảm bảo sự bền vững và tính liên tục.
Trong bối cảnh này, nhiều nhà đầu tư Mỹ đánh giá Việt Nam là điểm đầu tư lý tưởng, quan trọng và an toàn của chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, ông nhận định, đây là thời điểm quan trọng để Việt Nam đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường đầu tư, quảng bá về cơ hội, tiềm năng để thu hút dòng vốn đầu tư từ Mỹ, từ đó tham gia vào chuỗi cung ứng ở trình độ cao hơn.
"Với thế mạnh về công nghệ, tài chính cũng như kinh nghiệm quản lý, các nhà đầu tư Mỹ luôn được chào đón tại Việt Nam, đặc biệt là hoạt động đầu tư tại các dự án cơ sở hạ tầng, năng lượng, công nghiệp chế tạo; các lĩnh vực liên quan đến sản xuất phục vụ xuất khẩu, logistics...", ông khẳng định.
Bà Marie Damour, Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM cũng nhấn mạnh, với tốc độ phát triển vượt bậc những năm qua của Việt Nam, cơ hội đầu tư của nhà đầu tư Mỹ cũng trải rộng ở tất cả ngành nghề, từ chăm sóc sức khỏe, hàng không, đến nông nghiệp, giáo dục. Trong đó, bà khẳng định 4 lĩnh vực có tiềm năng lớn nhất là năng lượng, cơ sở hạ tầng, kinh tế số và sản xuất công nghệ cao.
Riêng với TP.HCM, Phó chủ tịch UBND Lê Thanh Liêm cho biết đang chú trọng đẩy mạnh hợp tác với Mỹ trong việc triển khai 3 đề án lớn, gồm đô thị thông minh, khu đô thị sáng tạo và tương tác cao phía Đông và trung tâm tài chính quốc tế. Bên cạnh đó, lãnh đạo TP cũng đang mời gọi doanh nghiệp Mỹ tham gia hiện thực hóa tầm nhìn, đưa TP.HCM trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực.
Ở góc độ vĩ mô, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng tính chất bổ trợ của hai nền kinh tế Việt Nam và Mỹ là yếu tố quan trọng để duy trì lợi ích quốc gia trong hợp tác song phương, từ đó đưa Mỹ trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.
Về phía Việt Nam, ông kêu gọi các doanh nghiệp chủ động nghiên cứu nhập khẩu từ Mỹ các hệ thống máy móc, thiết bị, công nghệ cao phục vụ sản xuất, xuất khẩu sang Mỹ. "Gắn với xây dựng chuỗi cung ứng khép kín sẽ là bước đi chắc chắn, nhanh và hiệu quả nhất cho doanh nghiệp", Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Lũy kế đến tháng 9 năm nay, Mỹ xếp thứ 11/138 quốc gia và vùng lãnh thổ về vốn FDI tại Việt Nam, với 1.063 dự án trong hơn 20 lĩnh vực, tổng vốn đăng ký là 9,4 tỉ USD. Hầu hết tập đoàn lớn nhất của Mỹ đều đã có mặt tại Việt Nam, như Exxon Mobil, Murphy Oil, Chevron, Boeing, Ford, Intel, Wal-Mart, Nike, Coca-Cola và P&G...
Đồng thời, trong 25 năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ tăng gấp 168 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 khi 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao, lên mức 1,5 tỉ USD năm 2001 khi hai nước ký hiệp định thương mại song phương và đến năm 2019 đạt gần 75,7 tỉ USD.
Hiện Mỹ nhập khẩu lượng lớn sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam như dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản, điện thoại, thiết bị điện tử. Trong khi đó, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu các loại máy móc, công nghệ nguồn, sản phẩm nông nghiệp, nguyên vật liệu... từ Mỹ để đáp ứng tốc độ tăng trưởng cao và sự mở rộng nhanh của nền kinh tế.
Lan Anh