Việt Nam đứng thứ 5 trong Top các quốc gia dẫn đầu về tăng trưởng rừng kể từ năm 2001
Trong danh sách các quốc gia dẫn đầu về tăng trưởng rừng kể từ năm 2001, Việt Nam đứng thứ 5 chỉ sau Trung Quốc, Mỹ, Nga và Ấn Độ.
Ngày 12/4, ứng dụng Voronoi Visual Capitalist đã công bố Top 20 quốc gia đứng đầu về tăng trưởng rừng kể từ năm 2001.
Visual Capitalist nhận định, trồng rừng là một trong những công cuộc khó khăn vì tốn kém, khó lập kế hoạch và thậm chí còn rất khó để thực hiện khi liên tục gặp nhiều trở ngại như thời tiết, thiên tai, sâu bệnh.... Tuy nhiên, nhiều quốc gia trên thế giới đã ưu tiên trồng lại những khu rừng bị "biến mất" trên bản đồ, đặc biệt là trong hai thập kỷ qua khi biến đổi khí hậu ngày càng dị thường.
Voronoi Visual Capitalist đã đưa ra bảng xếp hạng danh sách các quốc gia có độ tăng trưởng rừng theo diện tích tính bằng kilômét vuông (km²) từ giai đoạn 2001 đến 2021. Dữ liệu được Voronoi lấy từ Ngân hàng Thế giới (WB). Lưu ý, danh sách các quốc gia được xếp hạng theo mức tăng trưởng rừng tính bằng km2 chứ không phải theo phần trăm thay đổi.
Trong danh sách Top 20 quốc gia dẫn đầu tăng trưởng rừng kể từ năm 2001, Trung Quốc đứng ở vị trí đầu bảng khi mở rộng được diện tích rừng thêm gần 425.000 km2 (gần bằng diện tích của Thụy Điển) trong giai đoạn 2001–2021. Con số này nhiều hơn cả 19 quốc gia tiếp theo cộng lại. Nói một cách tương đối, rừng của Trung Quốc đã tăng gần 1/4 trong hai thập kỷ.
Đứng ở vị trí thứ hai trong danh sách là Mỹ với hơn 57.000 km2. Xếp ở vị trí thứ ba là Nga với hơn 54.000 km2 và thứ tư là Ấn Độ với hơn 46.000 km2.
Xếp thứ 5 trong danh sách là Việt Nam với 27.745 km2. Theo Visual Capitalist, ở châu Á, diện tích rừng của Việt Nam trên tổng diện tích đất đã tăng gấp đôi kể từ năm 1990. Kể từ năm 2001, diện tích rừng của Việt Nam đã tăng gần 28.000 km2, tăng 23%.
Theo thống kê chính Lâm nghiệp Việt Nam cho thấy, năm 2021 có 14.7 triệu ha chiếm 42% độ che phủ, 2.2 triệu ha (15%) rừng đặc dụng, 4.6 triệu ha (32%) rừng phòng hộ, 7.8 triệu ha (53) rừng sản xuất. Trong đó, 60% do Nhà nước quản lý và 40% giao hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, 30.5 Tr. tCO2e –phát thải hàng năm, 2010-2020, 69.8 Tr.tCO2e – hấp thụ hằng năm, 2010-2020, 612 Tr. tấn C lưu giữ trong rừng (2020), 80% tại rừng tự nhiên, 5,800 doanh nghiệp chế biến gỗ, 515 doanh nghiệp FDI.
Tương tự, Uzbekistan đã mở rộng diện tích rừng thêm 24%, lên tới khoảng 7.000 km2.
Trong khi đó, Chile và Uruguay là hai quốc gia Nam Mỹ duy nhất đã cố gắng mở rộng độ che phủ rừng trong hai thập kỷ qua. Uruguay với mức đáng kinh ngạc là 46%. Ngược lại, phần còn lại của Nam Mỹ lại đang chứng kiến nạn phá rừng đáng kể.
Dù vậy, bất chấp những nỗ lực tái trồng rừng toàn cầu, thế giới vẫn mất gần một triệu km2 rừng kể từ năm 2001.
Hà My