Việt Nam chung tay cùng các nước ASEAN bảo vệ rừng ngập mặn
Rừng ngập mặn được xem là “người bảo vệ hành tinh” chống lại hậu quả thảm khốc của biến đổi khí hậu. Thế nhưng trước nhu cầu khai thác kinh tế đã khiến diện tích rừng ngập mặn suy giảm nghiêm trọng.
Khu vực ASEAN là nơi có rừng ngập mặn lớn nhất, chiếm 1/3 (khoảng 51.050 km2) tổng diện tích rừng ngập mặn trên thế giới, riêng Indonesia chiếm hơn 20% tổng diện tích rừng ngập mặn trên thế giới. Những loài quan trọng có thể tìm thấy ở đồng bằng Ayeyarwady ở Myanmar, sông Mekong ở Việt Nam và bờ biển đồng bằng rộng lớn dọc theo miền nam Papua ở Indonesia.
Rừng ngập mặn trong khu vực cũng có 51 loài cây ngập mặn, chiếm 71% tổng số loài cây ngập mặn trên toàn thế giới và như vậy, khu vực này trở thành trung tâm toàn cầu về sự đa dạng của rừng ngập mặn.
Bên cạnh đó, rừng ngập mặn còn được xem là “người bảo vệ hành tinh” chống lại hậu quả thảm khốc của biến đổi khí hậu. Rừng ngập mặn có thể lưu trũ lượng Carbon gấp 10 lần so với hệ sinh thái trên cạn. Cùng với đó, hệ thống rễ chuyên dụng đã biến chúng thành vùng đệm tự nhiên ở các khu vực ven biển. Rừng ngập mặn cũng giảm thiểu tác động của sóng và gió mạnh, giúp giảm sói mòn và nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến các cộng đồng ven biển.
Thế nhưng trước nhu cầu kinh tế đã khiến ngày càng nhiều diện tích rừng ngập mặn biến mất nhường chỗ cho đô thị hóa và các khu nuôi trồng thủy sản, gánh nặng đối với các nhà quản lý đất ven bờ cũng gia tăng do phải cân nhắc không chỉ giá trị của các dịch vụ sinh thái mà rừng ngập mặn cung cấp mà còn phải tính tới giá trị tiềm năng của chúng trong tương lai.
Một nghiên cứu ở Thái Lan cho thấy rằng ngăn chặn phá rừng rõ ràng hiệu quả hơn về mặt chi phí so với tái tạo rừng. Bởi lẽ, chi phí bảo vệ rừng ngập mặn trong thập kỷ trước chỉ ở mức 189 USD/ha, trong khi chi phí tái tạo rừng lên đến 946 USD/ha.
Để ngăn chặn tình trạng suy thoái và mất rừng ngập mặn, chính sách khung, các quy định pháp luật và khung quản lý hợp nhất vùng ven biển cần phải bao quát được tất cả các ngành, các lĩnh vực và lôi kéo tất cả các bên liên quan.
Ở Campuchia, rừng ngập mặn ở đây suy giảm phần lớn do khai thác gỗ. Tuy nhiên trong những năm qua, các quan chức Chính phủ, tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng đã tích cực làm việc cùng nhau để trồng lại rừng ngập mặn, đặc biệt là ở tỉnh Kampot.
“Với sự thúc đẩy hành động của Chính phủ, giờ đây người dân hiểu rằng rừng ngập mặn rất quan trọng đối với con cháu và sinh kế của họ. Người dân có thể kiếm thu nhập bằng cách bắt tôm, cua, cá... và có thể kiếm ít nhất 7USD – 10USD/ngày”, nhà sinh vật học Leng Phalla nhấn mạnh.
Nhận thức rõ vai trò đặc biệt của rừng ngập mặn, từ năm 1989 Việt Nam đã chính thức tham gia Công ước RAMSAR. Việt Nam trở thành quốc gia thứ 50 trên thế giới và đầu tiên của khu vực ASEAN tham gia công ước này.
Sau khi trở thành thành viên của Công ước RAMSAR, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm thực hiện các nghĩa vụ mà Công ước quy định, trong đó phải kể đến Nghị định số 109/2003/NĐ-CP ngày 23/9/2003 của Chính phủ về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước. Có thể nói, đây là văn bản pháp lý đầu tiên quy định trực tiếp về quản lý đất ngập nước để thực thi Công ước RAMSAR. Nghị định đã đi vào cuộc sống 15 năm sau khi ban hành, các điều của Nghị định đã được cụ thể hóa thành các chiến lược, chính sách và kế hoạch hành động của ngành tài nguyên và môi trường và các Bộ, ngành và địa phương liên quan trên phạm vi cả nước.
Đến nay, Việt Nam có 4 Luật đề cập đến việc quản lý đất ngập nước, như: Luật Thủy sản (năm 2003, năm 2017); Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (năm 2004), nay là Luật Lâm nghiệp (năm 2017), Luật Bảo vệ môi trường (năm 2005, năm 2014), Luật Đa dạng sinh học (năm 2008) và nhiều văn bản hướng dẫn các Luật trên. Luật Đa dạng sinh học năm 2008 là văn bản luật đầu tiên quy định trực tiếp đến vùng đất ngập nước và các hoạt động kiểm kê, xác lập chế độ phát triển bền vững các vùng đất ngập nước tự nhiên ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, hệ thống phân loại đất ngập nước đã được ban hành với 26 kiểu đất ngập nước thuộc ba nhóm đất ngập nước biển và ven biển, đất ngập nước nội địa và đất ngập nước nhân tạo, phục vụ cho việc kiểm kê và quản lý hiệu quả các vùng đất ngập nước trên toàn quốc.
Nhằm nội luật hóa các quy định của Công ước RAMSAR, nội dung Nghị quyết các kỳ họp COP và đáp ứng với yêu cầu về quản lý đất ngập nước của Việt Nam trước các áp lực phát triển và xu thế biến đổi khí hậu toàn cầu, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2019/NĐ-CP về bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước thay thế Nghị định số 109/2003/NĐ-CP. Nghị định mới này đã góp phần kiện toàn hành lang pháp lý về quản lý đất ngập nước ở Việt Nam, đồng thời triển khai nhiều hoạt động và biện pháp nhằm tăng cường hiệu quả thực thi Công ước này ở Việt Nam.
Nằm rải rác ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, rừng ngập mặn có chức năng bảo vệ đường bờ biển và cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái, trong đó có dịch vụ cung cấp gỗ và thủy sản, đảm bảo đời sống cho các cộng đồng vùng ven biển. Hơn thế, các khu rừng này còn có khả năng cô lập tới 25,5 triệu tấn các-bon/năm, đồng thời đóng góp hơn 10% carbon hữu cơ quan trọng cho đại dương.
Theo đó, mục tiêu giảm 7% lượng CO2 để duy trì nồng độ khí quyển dưới 450 ppm có thể được thực hiện đơn giản bằng cách bảo vệ và tái tạo rừng ngập mặn, các đầm lầy muối và các rặng cỏ biển. Mặc dù tầm quan trọng của rừng ngập mặn là không thể phủ nhận, song phải sau trận sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004, nhận thức cũng như các nỗ lực bảo tồn và phục hồi rừng ngập mặn mới được chú ý, đặc biệt là ở Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia, Myanmar, Seychelles, Sri Lanka, Pakistan, Thái Lan và Việt Nam.
Gần đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường các nước Guatemala, Honduras và Nicaragua đang hợp tác với Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP) quản lý bền vững rừng ngập mặn, gia tăng nhận thức về vai trò quan trọng của chúng tại những vùng bị đe dọa bởi nước biển dâng…
Hà Lan