Việt Nam chịu thiệt hại nặng nề vì thiếu nước
Ngoài những tác động từ thiên nhiên, quá trình phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng dân số quá nhanh, sự đầu tư ồ ạt các khu công nghiệp, khu đô thị, sân golf... đã gây ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước đến mức báo động.
Người dân đứng trên cánh đồng lúa nứt nẻ do hạn hán tại tỉnh Bến Tre. (Ảnh: Vietnamnet) |
Biến đổi khí hậu khiến nguồn nước dần suy thoái
Trái đất ấm lên với hiện tượng thời tiết cực đoan Elnino đã gây những tác động tiêu cực đến tài nguyên nước. Những năm gần đây, quy luật thời tiết đã có nhiều biến đổi khác thường, nắng nóng kéo dài và lượng mưa giảm mạnh dẫn tới tình trạng khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn nghiêm trọng.
Theo thống kê, số cơn bão trên biển Đông ảnh hưởng đến nước ta cũng ngày càng ít đi, ngược lại số cơn bão mạnh có chiều hướng tăng lên, mùa bão kết thúc muộn, quỹ đạo của bão trở nên dị thường. Bên cạnh đó, lượng mưa biến đổi không nhất quán giữa các vùng, hạn hán có xu hướng mở rộng làm gia tăng hiện tượng hoang mạc hóa.
Nước biển dâng do biến đổi khí hậu cũng là mối đe doạ lớn đối với tài nguyên nước của nhiều quốc gia, trong đó Việt Nam đang hứng chịu những hệ luỵ khó lường. Nước biển dâng dẫn đến sự xâm thực của nước mặn vào nội địa, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước ngầm, nước sinh hoạt cũng như nước và đất sản xuất nông-công nghiệp.
Theo tính toán, nếu nước biển dâng lên 1m sẽ làm mất đi 12,2% diện tích đất là nơi cư trú của khoảng 23% dân số (tương đương 17 triệu người) của nước ta.
Trong đó, khu vực ven biển miền Trung sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Riêng Đồng bằng sông Cửu Long, dự báo vào năm 2030, khoảng 45% diện tích của khu vực này sẽ bị nhiễm mặn, gây thiệt hại mùa màng nghiêm trọng do lũ lụt và ngập úng. Nếu không có kế hoạch ứng phó kịp thời, phần lớn diện tích của Đồng bằng sông Cửu Long sẽ chìm trong nước mặn, mất trắng mùa vụ với thiệt hại ước tính tới 17 tỉ USD.
Khan hiếm và ô nhiễm nguồn nước ngày càng trầm trọng
Việt Nam có hơn 2.360 con sông, thế nhưng sông ngòi - những mạch sống của các hệ sinh thái đang bị đầu độc bởi hoạt động của con người. Những con sông đã không còn phù sa màu mỡ như xưa, mà thay vào đó là nguồn thải từ các nhà máy, khu dân cư, đô thị… trở thành mối đe doạ lớn nhất cho sức khoẻ của con người, suy giảm hiệu quả phát triển kinh tế. Dự báo đến năm 2035, ô nhiễm nước không chỉ đe doạ sức khỏe con người mà còn làm suy giảm tới 3,5% GDP hàng năm.
Vấn đề nan giải nhất trong quá trình phát triển đô thị tại Việt Nam chính là xử lý nước thải gây ô nhiễm nước trong sinh hoạt, sản xuất. Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, đến tháng 10/2019, cả nước có 43 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung đi vào vận hành với tổng công suất thiết kế trên 926.000 m3/ngày đêm. Nhưng việc đấu nối, thu gom và xử lý nước thải còn gặp nhiều khó khăn nên tỉ lệ nước thải được thu gom và xử lý đạt mức thấp, khoảng 13%.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) đánh giá, mặc dù 60% hộ gia đình Việt Nam đấu nối xả nước thải vào hệ thống thoát nước công cộng nhưng hầu hết nước thải được xả thẳng ra hệ thống tiêu thoát nước bề mặt và chỉ có 10% lượng nước thải được xử lý. Khả năng thu hồi chi phí đầu tư xây dựng, chi phí vận hành và bảo dưỡng hệ thống xử lý nước thải nói chung còn thấp. Do đó, trong những năm tới, Việt Nam có nhu cầu vốn đầu tư rất cao, dự kiến cần tới 8,3 tỉ USD để cung cấp dịch vụ thoát nước cho khoảng 36 triệu dân đô thị vào năm 2025.
Lo ngại nhất là việc thu gom, xử lý nước thải tại 326 khu công nghiệp của cả nước còn nhiều hạn chế, trong đó chỉ có 220 khu xây dựng hệ thống nước thải tập trung, xử lý được khoảng 71% lượng nước thải phát sinh. Tại 587 cụm công nghiệp, mới chỉ có 9,4% có hệ thống xử lý nước thải. Phần lớn nước thải của các gia đình trong hơn 5.000 làng nghề chưa được xử lý, nước thải công nghiệp và sinh hoạt đều được xả thẳng vào hệ thống thoát nước mặt. Thực trạng ô nhiễm nguồn nước đã đến mức báo động từ lâu.
Sông Cái Lớn chảy qua địa bàn thị xã Long Mỹ, Hậu Giang bị ô nhiễm nghiêm trọng ảnh hưởng đến đời sống của người dân. |
Không chỉ ô nhiễm nước bẩn, Việt Nam còn đối mặt với sự suy thoái nguồn tài nguyên nước do biến đổi khí hậu, hoạt động chặn dòng làm thuỷ điện ở đầu nguồn các sông với mạng lưới thuỷ điện dày đặc.
Do hơn 60% tổng dòng chảy nước mặt trung bình hàng năm vào Việt Nam đến từ các quốc gia thượng nguồn, trong đó gần 95% lượng nước của sông Mê Kông bắt nguồn từ ngoài biên giới, đến Việt Nam thông qua Campuchia và 40% của sông Hồng có nguồn gốc ở Trung Quốc, khiến cho nền kinh tế phụ thuộc lớn vào nguồn nước xuyên biên giới từ các nước láng giềng.
Việt Nam nằm ở thượng nguồn sông Sê San và Srê pốk, chảy vào Campuchia nhưng biến đổi dòng chảy đã dẫn tới tình trạng thiếu nước cho nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và sinh hoạt của người dân.
Tác động đáng sợ nhất đến từ quá trình trình đầu tư ồ ạt thuỷ điện, khi trong vòng 20 năm qua, Việt Nam có gần 1.000 công trình thủy điện lớn nhỏ được xây dựng trên sác sông lớn nhỏ, làm thay đổi cơ bản hệ sinh thái, dòng chảy... Đằng sau những lợi ích lớn do thuỷ điện mang lại, những tác động tiêu cực đến con người, môi trường, hệ sinh sinh thái cũng vô cùng lớn, không dễ khắc phục.
Các chuyên gia cảnh báo những hệ luỵ xấu của quy hoạch phát triển thuỷ điện quá “nóng”, quá trình đầu tư xây dựng huỷ hoại môi trường, cũng như việc xây đập chặn bất chấp quy luật của tự nhiên, các hệ sinh thái, thậm chí cả quy luật kinh tế... đã và đang phải trả giá đắt. Các quốc gia hạ nguồn, các vùng trũng thiếu nước giờ đây phải chịu hậu quả thiếu nước, khô hạn, xâm nhập mặn khốc liệt nhất trong lịch sử.
Do đó, các quốc gia ven sông cần có sự phối hợp và giải pháp cho vấ n nạn quốc gia về bảo vệ nguồn tài nguyên nước, trong đó có việc phát triển thuỷ điện, giảm thiểu thiệt hại của biến đổi khí hậu, dòng chảy sông, xử lý ô nhiễm môi trường.
Hậu quả do biến đổi khí hậu đến nhiều quốc gia, đặc biệt là Việt Nam ngày càng rõ ràng và nguy hiểm, đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp hiệu quả để thích ứng linh hoạt, giảm thiểu thiệt hại tới kinh tế, đời sống người dân.
Nguyễn Luận