Việt Nam cần 150 tỉ USD đầu tư các dự án phát điện trong thập kỷ tới
Các cấp quản lý cần thực thi đẩy nhanh lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh, cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng tiêu thụ, minh bạch giá mua bán điện.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển Đặng Huy Đông, năng lượng là một kết cấu hạ tầng không thể thiếu để đảm bảo duy trì tăng trưởng của nền kinh tế. Dự kiến trong 10 năm tới, Việt Nam sẽ cần thu hút 150 tỉ USD để đầu tư các dự án phát điện và bằng một nửa GDP hiện nay của đất nước. Song, với quy mô thị trường 5 năm tới, dòng vốn nội sinh của nền kinh tế không thể đáp ứng yêu cầu cho phát triển ngành điện lực.
Các dự án nguồn điện độc lập gia tăng
Xác định mục tiêu và tầm nhìn, nhiệm vụ và giải pháp có tầm chiến lược đối với phát triển năng lượng quốc gia trong thời gian tới, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết đã xác định quan điểm: Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng; Thực hiện xã hội hoá tối đa trong đầu tư và khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, dịch vụ ngành năng lượng, bao gồm cả hệ thống truyền tải điện quốc gia trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Theo đó, Nghị quyết cũng đề ra nhiệm vụ nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế tài tài chính và huy động vốn đặc biệt cho đầu tư phát triển ngành điện.
Số liệu từ Ban Kinh tế Trung ương cho thấy tính đến tháng 8/2020, các dự án nguồn điện độc lập (IPP) đã được đầu tư và vận hành có công suất khoảng 16.400 MW (chiếm 28,3% công suất đặt của toàn hệ thống) và có xu hướng tăng lên.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đưa ra dự báo nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện khoảng 133,3 tỉ USD trong giai đoạn 2021-2030, trong đó cơ cấu giữa nguồn điện và lưới điện là 72/28. Riêng trong giai đoạn 2031-2045, nhu cầu vốn lên tới 184,1 tỉ USD và cơ cấu tương ứng là 74/26. Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư của Nhà nước vào các dự án điện ngày càng khó khăn, việc thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân có vai trò và ý nghĩa quan trọng.
Khó huy động vốn
Tuy nhiên, TS Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá việc thu hút đầu tư tư nhân vào ngành điện nói chung và vào các dự án điện độc lập (IPP) hiện nay gặp nhiều trở ngại, vướng mắc.
Cụ thể, nguồn vốn huy động từ chủ sở hữu sẽ rất khó khăn do thị trường vốn chưa phát triển, khó đáp ứng các yêu cầu phát hành ra công chúng. Bên cạnh đó, nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng trong nước không đủ điều kiện đáp ứng do các dự án năng lượng đòi hỏi nguồn vốn lớn song theo Luật các tổ chức tín dụng, tổng mức dư nợ cấp tín dụng của một khách hàng không vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại.
Thêm vào đó, tổng mức dư nợ của một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của ngân hàng thương mại. Trên thực tế, các ngân hàng cũng gặp khó khăn khi phải cân đối nguồn cho vay do nguồn huy động ngắn hạn chiếm tỉ trọng lớn trong khi cho vay các dự án năng lượng là dài hạn.
“Hơn nữa, lãi suất vay vốn các ngân hàng trong nước để thực hiện các dự án IPP là cao và chưa có các chính sách khuyến khích và hỗ trợ của Nhà nước đối với các dự án năng lượng tái tạo, dẫn đến giá điện bán cao khiến các dự án khó thu xếp vốn trong bối cảnh hiện nay”, ông Hiển cho hay.
Trong khi đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành điện cũng còn một số vướng mắc trong lĩnh vực quản lý ngoại hối như vấn đề chuyển đổi ngoại tệ, chuyển tiền thực hiện hoạt động chuẩn bị đầu tư; chuyển vốn, lợi nhuận và nguồn thu hợp pháp ra nước ngoài; chuyển nhượng vốn đầu tư, chuyển nhượng dự án đầu tư, rủi ro tỉ giá…
Cộng thêm, bối cảnh ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn, nguồn vốn vay nước ngoài (ODA) với những điều kiện vay thuận lợi ngày càng hạn hẹp, cùng với đó là một số hạn chế về cơ chế, chính sách liên quan đến huy động vốn và phát hành chứng khoán trong nước đối với các dự án năng lượng. Vì vậy, việc tìm kiếm vàtiếp cận các nguồn vốn từ những định chế tài chính, tín dụng quốc tế để đầu tư vào các dự án nguồn phát điện, nhất là các dự án nguồn phát điện độc lập là yêu cầu hết sức cần thiết.
“Tuy vậy, để huy động được nguồn vốn quốc tế cho các dự án điện độc lập, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ các yêu cầu và luật quốc tế. Hơn thế, dòng vốn quốc tế cho dù rất lớn những sẽ chỉ dịch chuyển về các quốc gia đáp ứng 3 tiêu chí: Có quy mô thị trường đủ lớn, khả năng sinh lời ở mức hấp dẫn và rủi ro thấp”, ông Hiển nói.
Vai trò của xếp hạng tín nhiệm quốc gia
Theo các chuyên gia kinh tế, với tổng mức đầu tư gần 13-15 tỉ USD/năm, quy mô thị trường Việt Nam là đủ sức hấp dẫn. Song, để tăng khả năng sinh lời và giảm rủi ro nhằm thu hút được dòng vốn quốc tế, trên bình diện quốc gia-Việt Nam cần coi trọng vai trò của xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Thông qua đó, Chính phủ và các định chế tài chính, doanh nghiệp trong nước thuận lợi hơn khi huy động vốn vay hoặc phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế cũng như có thể giảm được chi phí huy động vốn.
“Giống như các hàng hóa khác, dòng vốn quốc tế có tính cạnh tranh rất cao theo đúng quy luật cung cầu và được vận hành theo những chuẩn mực nhất định, rất chặt chẽ đòi hỏi mọi người tham gia thị trường phải tuân thủ, không có ngoại lệ. Đặc biệt vốn cũng như các hàng hóa khác, được giao dịch theo các mức giá khác nhau. Giá của vốn chủ yếu được xác định bởi mức độ rủi ro của khoản đầu tư, rủi ro cao, chi phí cao và kỳ vọng lợi nhuận cao, và ngược lại”, ông Đông chia sẻ.
Để giải quyết vấn đề trên, ông Đông cho rằng yêu cầu cần thiết hiện nay là sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các cơ quan quản lý Nhà nước trong điều hành vĩ mô, nhất là về chính sách tài chính - tiền tệ và đầu tư, tiếp tục cải thiện tính công khai, minh bạch, phục vụ cho công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng của Việt Nam cần tăng cường cung cấp thông tin và phối hợp thực hiện công tác đánh giá xếp hạng tín nhiệm quốc gia.
Một trong những nhiệm vụ rất quan trọng được các chuyên gia đề cập là việc phát triển thị trường vốn hiện nay còn phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng từ hệ thống ngân hàng thương mại.
Những nghiên cứu thực tế cũng cho thấy mối quan hệ cùng chiều giữa tăng trưởng kinh tế và thị trường vốn. Một thị trường vốn phát triển sẽ giúp cho nền kinh tế hiệu quả và năng suất cao hơn, thúc đẩy đầu tư dài hạn và sáng tạo, ổn định tài chính hơn. Từ đó, thu hút vốn quốc tế cho các lĩnh vực nói chung, trong đó lĩnh vực năng lượng sẽ thuận lợi hơn.
Theo ông Hiển, nhiệm vụ quan trọng khác đó là việc thực thi để tuân thủ luật lệ quốc tế, do đó khung khổ pháp lý cần phải chuẩn hóa, minh bạch theo thông lệ quốc tế về hợp đồng mua bán điện (PPA) vì đây là yếu tố quan trọng nhất quyết định chi phí vốn; trong đó cần lưu ý có cơ chế chia sẻ, phân bổ rủi ro hợp lý, tránh chỉ đẩy rủi ro cho các nhà đầu tư.
“Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), hơn 70% trong số 2.000 tỉ USD cần thiết mỗi năm trong đầu tư cung cấp năng lượng hoặc đến từ các tổ chức do nhà nước chỉ đạo hoặc nhận được đảm bảo toàn bộ hoặc một phần doanh thu. Đối với đầu tư phát triển nguồn điện thì đảm bảo doanh thu thường được đưa ra trong Hợp đồng mua bán điện, đây là yếu tố quan trọng về tài chính dự án đối với các dự án điện độc lập (IPP)”, ông Hiển dẫn chứng.
Vấn đề về cơ chế về giá điện, theo các chuyên gia cần đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư, từ đó bảo đảm khả năng sinh lời cần thiết để thu hút các dòng vốn quốc tế.
Trên cơ sở đó, ông Hiển đề xuất các cấp quản lý cần thực thi sớm yêu cầu đẩy nhanh lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh, cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng tiêu thụ, cơ chế đấu thầu, đấu giá cung cấp năng lượng phù hợp, đặc biệt trong các dự án đầu tư năng lượng tái tạo, năng lượng mới cũng như sự minh bạch giá mua bán điện đã nêu tại Nghị quyết 55.
Hạnh Nguyễn