Thứ bảy, 23/11/2024 10:03 (GMT+7)
Thứ năm, 28/03/2024 08:00 (GMT+7)

Vị thế Việt Nam nhìn từ “tài sản” tự nhiên

Theo dõi KTMT trên

Quả thực viết một bài báo ngắn về một đề tài lớn như vậy rất khó. Hơn nữa tôi chỉ là công dân bình thường làm gì có tầm nhìn đủ bao quát để tìm và chỉ ra những vị thế tài sản tự nhiên của Việt Nam.

Rất may, tôi có tuổi đời thuộc loại “xưa nay hiếm”, đã sống qua nhiều giai đoạn cùng những thăng trầm đất nước, được hấp thu nhiều ý kiến khác nhau về tài sản tự nhiên của Việt Nam.

Bối cảnh và vị thế

Đất nước hiện nay đã qua giai đoạn khó khăn nhất vì chiến tranh, vì cấm vận, vì trình độ dân trí thấp và đang có bước tiến, bước phát triển về tất cả các lĩnh vực: Chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng cao, an ninh quốc phòng vững mạnh, an ninh lương thực, an ninh năng lượng được đảm bảo và đặc biệt là cuộc sống của người dân đã và đang được cải thiện, nâng cao, ấm no, hạnh phúc hơn, trẻ nhỏ được đến trường…

Năm 2023 đánh dầu một thời kỳ mà vị thế của đất nước được nâng cao trên trường quốc tế, trở thành đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, trong thời gian mà hai nguyên thủ quốc gia số một số hai thế giới đến thăm và lãnh đạo Việt Nam cũng tới thăm, bàn hợp tác với nhiều nước khu vực và thế giới.

Chắc chắn, Việt Nam phải có được sức mạnh nội lực to lớn thì chúng ta mới có thể “vươn khơi” ra biển rộng, tự tin tham gia hợp tác quốc tế, tham gia toàn cầu hóa để phát triển nhanh hơn, toàn diện hơn.

Ngày nay sức mạnh kinh tế của một quốc gia được các nhà khoa học, các nhà quản lý đo bằng tổng mức giàu có (Total Wealth) với các loại vốn tài nguyên thiên nhiên, vốn sản xuất, vốn con người và tài sản nước ngoài ròng (Net foreign assets). Đơn vị tính tổng mức giàu có được Ngân hàng Thế giới (WB) tính bằng USD/người và xây dựng được phương pháp tính, tính được cho nhiều nước trong đó có Việt Nam. Chúng tôi đã có bài viết với tiêu đề “ Nhận dạng nguồn vốn tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam để định hướng phát triển kinh tế-xã hội trong tương lai qua các nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới” đăng trên Tạp chí Kinh tế Môi trường, chuyên đề khoa học số 2/202,tr. 18-22.Vì vậy dưới đây chỉ xin đánh giá mang tính chủ quan của cá nhân về vai trò vị thế của “tài sản” tự nhiên của Việt Nam.

1. Tài nguyên/tài sản tự nhiên của Việt Nam đa dạng nhưng trữ lượng và chất lượng hạn chế.

 Chúng ta thường nhắc câu: Việt Nam có “rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu”, được dùng trong giảng dạy ở cấp phổ thông và đã có người tìm được một bài phát biểu của Bác Hồ tại phiên họp Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng  Lao động Việt Nam khóa III, tháng 4 năm 1962 (từ Thơ Hồ Chí Minh, NXB Nghệ An, 2005) có đoạn: “Nước ta ở về xứ nóng, khí hậu tốt, rừng vàng biển bạc, đất phì nhiêu. Nhân dân dũng cảm và cần kiệm. Các nước anh em giúp đỡ nhiều”. Thật ra rừng vàng, biển bạc cũng có trong ca dao tục ngữ ca ngợi đất nước cũng như ý của Bác Hồ phải hiểu thêm là rừng là vàng, biển là bạc nếu ta biết khai thác, sử dụng đi đôi với bảo vệ hợp lý.

Trong các vốn tài nguyên thiên nhiên do WB đưa ra, Việt Nam đều có: tài nguyên trong lòng đất, đất trồng trọt, đất chăn nuôi, đất khu bảo tồn, tài nguyên lâm sản (gỗ, ngoài gỗ). Riêng tài nguyên biển chưa đưa vào vì biển khó xác định sử hữu. Hiện nay, tỷ lệ đóng góp vào GDP của tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam vẫn ở mức cao, đóng góp vào GDP đầu người trên 30% (trong khi ở các nước giàu, đã phát triển, tỷ lệ này chỉ khoảng vài%). Hiện tài nguyên thiên nhiên đang đóng góp phần quan trọng, mang tính quyết định đến an ninh lương thực (đủ cung cấp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu), an ninh năng lượng (cả nhiên liệu hóa thạch - dầu mỏ, than, khí đốt; năng lượng tái tạo - gió bức xạ mặt trời,…). Với mức độ tăng trưởng nhanh của các thành tựu khoa học và những dấu hiệu về mất an ninh năng lượng, an ninh lương thực toàn cầu thì vai trò của tài nguyên thiên nhiên khá dồi dào của Việt Nam sẽ xác lập vị thế càng ngày càng lớn trong tương lai.

Những hạn chế về chất lượng sẽ được khắc phục khi mà tài nguyên chất lượng cao khai thác hết và công nghệ khai thác ngày một hiện đai, có thể khai thác được cả loại tài nguyên chất lượng thấp hơn với chi phí hợp lý. Một số tài nguyên trong lòng đất của Việt Nam chưa hoặc còn khai thác hạn chế sẽ được khai thác nhiều hơn trong tương lai, đặc biệt là bauxite và đất hiếm.

2. Khả năng nâng cao giá trị vốn tài nguyên thiên nhiên

Theo cách tính toán của WB thì giá trị vốn tài nguyên thiên nhiên có thể nâng cao khi biết cách khai thác, sử dụng hiệu quả. Theo quan điểm kinh tế thì vốn tài nguyên là phần tài nguyên đã và đang được khai thác, cho giá trị kinh tế (tính được bằng tiền), không kể đến tài nguyên tiềm năng. Vậy nên, những chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi, sử dụng công nghệ cao trong gieo trồng, chăm bón, thu hoạch nên năng suất, sản lượng đều tăng và giá trị vốn tài nguyên tăng theo.

Theo tính toán của WB, trong khoảng thời gian từ 2005 đến 2014 Việt Nam đã khai thác tốt tài nguyên thiên nhiên của mình nên vốn tài nguyên thiên nhiên đã tăng lên với tốc độ rất cao, tăng đến 158,4% từ 3.630 USD/người lên 9.381 USD/người. Vì vậy, rất cần phân tích sâu hơn lý do tăng trưởng nhanh vốn tài nguyên thiên nhiên trong thời gian qua để có kế hoạch để tiếp tục duy trì tăng trong những năm sau này. Rất tiếc cách tiếp cận tính toán theo phương pháp của WB không được áp dụng nhiều ở Việt Nam vì vậy đâu đó vẫn đánh giá vốn tài nguyên thiên nhiên theo kiểu “rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu”.

Suy ngẫm thay kết luận

Xét về điều kiện thiên nhiên/tự nhiên, cái mà trời đất tạo ra, dành cho chúng ta thì Việt Nam khá dồi dào. Vấn đề là người Việt Nam làm gì đây để bảo tồn, nâng cao giá trị vốn tài nguyên này trong tương lai. Hy vọng con người Việt Nam đủ tài năng làm tốt việc này.

Hoàng Xuân Cơ - Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Vị thế Việt Nam nhìn từ “tài sản” tự nhiên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới