Thứ sáu, 22/11/2024 23:19 (GMT+7)
Thứ bảy, 28/10/2023 17:30 (GMT+7)

Vì sao tăng trưởng tín dụng quay đầu giảm trong tháng 10?

Theo dõi KTMT trên

Đại diện Ngân hàng Nhà nước nêu ba lý do khiến tăng trưởng tín dụng quay đầu giảm trong tháng 10 khi tính đến hết ngày 29/9 đạt 6,92% nhưng đến ngày 11/10 giảm còn 6,29% và đến ngày 24/10 đạt 6,81%.

Tại Hội nghị triển khai Công điện 990 chiều ngày 27/10, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ ra ba nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng quay đầu giảm trong tháng 10, tính đến hết ngày 29/9 đạt 6,92% nhưng đến ngày 11/10 lại giảm còn 6,29%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (11,12%) và định hướng điều hành cả năm 2023 (14 - 15%).

Vì sao tăng trưởng tín dụng quay đầu giảm trong tháng 10? - Ảnh 1
Tăng trưởng tín dụng quay đầu giảm trong tháng 10. Ảnh minh họa

Thứ nhất, trong bối cảnh khó khăn chung, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế, đầu tư, sản xuất kinh doanh giảm, dẫn tới cầu tín dụng giảm tương ứng.

Thứ hai, một số nhóm khách hàng có nhu cầu tín dụng nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn/hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý, nhất là việc tiếp cận tín dụng của nhóm SMEs còn hạn chế do quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính, quản trị điều hành hạn chế; thiếu phương án kinh doanh khả thi...

Thứ ba, sau thời gian dài nền kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng vay được các tổ chức tín dụng đánh giá cao hơn, khi khách hàng vay không chứng minh được hiệu quả hoạt động kinh doanh và khả năng trả nợ trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Thời gian tới, để triển khai và cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện ngày 21/10, NHNN cho biết sẽ tiếp tục tập trung quyết liệt triển khai một số giải pháp trọng tâm nhằm tăng cường hơn nữa khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân và doanh nghiệp nhằm góp phần hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế .

Cụ thể, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoán và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế. Đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thích ứng kịp thời với biến động của thị trường trong và ngoài nước. Điều tiết tiền tệ, thanh khoản thị trường hợp lý, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế.

NHNN cũng tiếp tục triển khai các nhiệm vụ của ngành Ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Thông tư 03 và Thông tư 06 để kịp thời ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn thị trường, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Về phía các tổ chức tín dụng, NHNN đã yêu cầu tập trung phân bổ nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế, đồng thời tiếp tục tăng cường kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Đồng thời, tiếp tục nỗ lực tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu, chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý; rà soát, rút gọn, đơn giản hóa quy trình, thủ tục,...

Phương Hà 

Bạn đang đọc bài viết Vì sao tăng trưởng tín dụng quay đầu giảm trong tháng 10?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới