Vì sao tăng trưởng tín dụng âm trong tháng đầu năm?
Tính đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, bước sang tháng 1/2024, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023.
Đây là thông tin được bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024.
Tại hội nghị nhiều lãnh đạo ngân hàng nêu ý kiến về tình trạng tín dụng tăng trưởng chậm.
Cụ thể, ông Trần Long, Phó Tổng giám đốc BIDV cho biết, tổng dư nợ của ngân hàng hết tháng 1 đạt 1,725 tỷ đồng, giảm 1,25% so với cuối năm 2023.
Theo lãnh đạo BIDV, ngân hàng vẫn cấp vốn tín dụng tập trung các lĩnh vực ưu tiên, cho vay nông thôn chiếm 23%, doanh nghiệp nhỏ 25%, ứng dụng cao tăng trưởng 8%... Với bất động sản, dư nợ chiếm 19%, tập trung với tín dụng tiêu dùng 77% còn với doanh nghiệp bất động sản chỉ chiếm 22% chủ yếu cho vay dự án phát triển khu công nghiệp, chế xuất, khu đô thị.
Ông Long cho hay, tiếp đà giảm lãi suất năm 2023, lãi suất cho vay hiện giảm 0,25% cuối năm 2023, lãi suất bình quân 7,3% toàn hệ thống, ngắn hạn 6,7%, giảm tương đối sâu so với đầu năm 2023 và giữa năm 2023.
"Tuy nhiên, sức hấp thụ vốn năm 2024 còn chậm và thách thức. Bởi lẽ, các động lực tăng trưởng kinh tế như xuất khẩu, tiêu dùng, sản xuất công nghiệp, đầu tư tư nhân còn chậm. Ngoài ra, hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn như vướng mắc về pháp lý, môi trường kinh doanh, chi phí logistics tăng lên do chiến tranh, trong khi thị trường đầu ra chưa được khơi thông", ông Long đánh giá.
Ngoài nguyên nhân khách quan, lãnh đạo BIDV cũng nói thêm về nguyên nhân chủ quan khiến tín dụng đi lùi là do nhiều doanh nghiệp có khả năng quản trị thấp, sức khỏe yếu, có sự đan xen các báo cáo tài chính giữa văn bản và thực tế không đồng nhất, dẫn tới nhiều khó khăn trong đánh giá và cấp tín dụng cho các doanh nghiệp này còn khó.
Hay như một tình trạng khác là doanh nghiệp đã vay của nhiều tổ chức tín dụng khác nhau, khi một doanh nghiệp đã được 4 ngân hàng có vốn Nhà nước cho vay thì các ngân hàng cổ phần nhỏ cũng cho vay mà không cần thế chấp hay có các biện pháp bảo đảm. Vì vậy, việc quản lý dòng tiền, hạn mức, quản lý khoản phải thu của các tổ chức tín dụng khó khăn.
Còn ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Agribank cho biết, với đặc thù dư nợ cá nhân là chính (chiếm 70%), thường cuối năm tín dụng tăng trưởng rất nhanh và đầu năm giảm.
"Từ đầu năm chúng tôi giảm hơn 1% nhưng bắt đầu từ ngày 15/1 tăng trưởng trở lại, đến nay đạt gần 1%. Doanh số cho vay tháng 1 đạt 276.000 tỉ đồng" - ông Vượng nêu.
Tổng giám đốc Agribank cũng cho rằng "cho vay không có vướng mắc gì về mặt chỉ tiêu, lãi suất, nguồn vốn… Vướng mắc là có khách hàng để cho vay hay không?".
Còn theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank, đến hết tháng 1/2024 tín dụng ngân hàng này đạt 1,24 triệu tỷ đồng, giảm 2,3% (tương ứng 30.000 tỷ) so với thời điểm cuối năm 2023.
Lãnh đạo Vietcombank cho biết, tín dụng giảm là do xu hướng giảm ngân tiêu dùng bất động sản giảm, kinh tế khó khăn, sản xuất cũng gặp khó, thị trường bất động sản trầm lắng, dự án cấp phép năm 2023 ít... Ngoài ra, tín dụng bán buôn chiếm 70% dự nợ tín dụng của Vietcombank cũng đang gặp khó bởi vấn đề pháp lý.
Lý giải giải về nguyên nhân tín dụng tăng trưởng âm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, là do cầu tín dụng trong nền kinh tế còn thấp. Bên cạnh đó, với rủi ro nợ xấu tăng cao, cộng với việc Thông tư 02 sắp hết hiệu lực khiến các tổ chức tín dụng thận trọng hơn khi cho vay.
Cùng quan điểm, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng cho rằng, tín dụng giảm do khó khăn của nền kinh tế, nhất là cho vay tiêu dùng; cầu đầu tư, sản xuất, kinh doanh giảm. Một số nhóm khách hàng (nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa) có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý; quy luật mùa vụ…
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng nhận định, tăng trưởng tín dụng giảm trong bối cảnh giảm chung của nền kinh tế, không phải giảm do cơ chế, chính sách hay hoạt động cho vay của các ngân hàng.
H.A