Thứ bảy, 15/02/2025 14:14 (GMT+7)
Thứ sáu, 14/02/2025 06:08 (GMT+7)

Vì sao nên chọn điện hạt nhân cỡ nhỏ?

Theo dõi KTMT trên

Việc phát triển điện hạt nhân cỡ nhỏ (SMR) đang trở thành một lựa chọn chiến lược của nhiều quốc gia trên thế giới, vì SMR giải quyết được các vấn đề nhà máy điện hạt nhân quy mô lớn đang gặp phải.

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt mức tối thiểu 8% vào năm 2025 và phấn đấu tăng trưởng hai con số vào những năm tiếp theo. Để đạt được mục tiêu này, quy mô công suất nguồn điện của Việt Nam đến năm 2030 phải phát triển gấp 2,5-3 lần hiện tại, tiến tới quy mô gấp 5-7 lần vào năm 2050. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải phát triển các nguồn năng lượng mới với chi phí rẻ, ổn định, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trong dài hạn, đáp ứng lộ trình thực hiện Netzero 2050 đã cam kết.

Hiện nay, ngoài các nguồn điện như: Nhiệt điện than, thủy điện, năng lượng tái tạo, điện khí và các nguồn khác, Việt Nam đang định hướng phát triển điện hạt nhân. Vừa qua, Thủ tướng đã Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 (đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam) và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 (đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải).

Ngoài 2 dự án kể trên, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Việt Nam sẽ phát triển điện hạt nhân quy mô nhỏ trên phạm vi cả nước.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, SMR có kích thước chỉ bằng 1/10 lò phản ứng tiêu chuẩn, nên dễ xây dựng và suất đầu tư phù hợp. Trong khi chi phí xây dựng một nhà máy điện hạt nhân tiêu chuẩn cần khoảng 6-9 tỷ USD, thời gian trên dưới 5 năm, thậm chí có dự án hơn 10 năm thì các nhà máy sử dụng công nghệ SMR chỉ tốn 2,1-3,6 tỷ USD với thời gian xây dựng 2-3 năm.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công Thương nguồn điện hạt nhân (kể cả điện hạt nhân quy mô nhỏ SMR) đều phải đặt ở những vị trí có tiềm năng do đặc biệt liên quan đến vấn đề an toàn, địa chất khu vực và vấn đề chôn cất chất thải hạt nhân.

Vì sao nên chọn điện hạt nhân cỡ nhỏ? - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Tại dự thảo điều chỉnh Quy hoạch điện VIII Bộ Công Thương cũng nhận định, lựa chọn địa điểm là một bước quan trọng để đưa SMR vào hệ thống năng lượng khu vực. Quá trình này sẽ có tác động đáng kể đến chi phí xây dựng, sức khỏe môi trường, an toàn và các khía cạnh khác trong suốt thời gian hoạt động của nó.

Ngoài ra, hiện nay có rất nhiều thiết kế SMR đang được phát triển ở nhiều giai đoạn khác nhau trên khắp thế giới. Hiện nay, Việt Nam chưa có quy định pháp quy về yêu cầu địa điểm đối với lò SMR. Trong trường hợp không có quy định hướng dẫn cụ thể về lựa chọn địa điểm đối với SMR, việc thực hiện phải tuân thủ theo quy định yêu cầu địa điểm nhà máy điện hạt nhân quy mô lớn hiện hành.

Báo cáo Kinh nghiệm quốc tế và phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam của Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) chỉ rõ, phát triển SMR với đặc thù quy mô nhỏ hơn các nhà máy điện hạt nhân truyền thống lớn đã được nhiều quốc gia quan tâm.

Bởi, các lò SMR có nhiều ưu điểm như: giảm thời gian lắp đặt và tiết kiệm chi phí; tính năng an toàn và an ninh nâng cao do phần lớn được thiết kế theo triết lý an toàn thụ động, giảm thiểu tối đa rò rỉ phóng xạ trong hầu hết tình huống; tính linh hoạt của việc lắp đặt và địa điểm.

Đáng chú ý, nhờ quy mô phân tán nên giảm được nhu cầu đầu tư tăng cường lưới truyền tải so với điện hạt nhân quy mô lớn; hỗ trợ vận hành linh hoạt hệ thống điện có tỷ trọng thâm nhập năng lượng tái tạo cao; điện hạt nhân SMR dạng nổi có thể bổ sung nhanh công suất thiếu hụt cho các trung tâm phụ tải.

SMR nổi cũng là một hướng phát triển nhờ tính di động của nhà máy, cho phép nó có thể được di chuyển từ nơi này tới nơi khác nếu cần thiết. Từ khía cạnh này, các tổ máy điện hạt nhân nổi thích hợp vận hành tại các khu vực ven biển, hoặc những nơi nằm xa hệ thống cấp điện trung tâm.

Chưa kể, các lò SMR còn có tiềm năng thay thế các nhà máy điện than đóng cửa, Viện Năng lượng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, lò SMR sẽ gặp thách thức trong việc thương mại hóa, mặc dù các dự án ban đầu có kết quả tốt nhưng để thương mại hóa thì chi phí đầu tư có thể tăng đáng kể do chưa có chuỗi cung ứng chế tạo chuyên dụng.

Hiện, có nhiều loại công nghệ với các mục đích sử dụng khác nhau được phát triển và vận hành, từ các lò phản ứng vi mô có công suất dưới 10MW đến các lò phản ứng lớn có công suất lên tới 300MW.

Song, theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), chỉ có 2 quốc gia vận hành SMR là Trung Quốc và Nga. Trong khi Nga đang triển khai lắp đặt với công suất 70MW, thì Trung Quốc gần đây đã bắt đầu vận hành thương mại tổ máy đầu tiên tại địa điểm Shidaowan với công suất 200MW.

Viện Năng lượng cũng lưu ý, mặc dù là lò SMR nhưng vẫn cần hài hòa giữa các cơ chế quy định mang tính quốc tế với tiêu chuẩn đánh giá, phê duyệt an toàn bởi các cơ quan pháp quy của từng quốc gia; đồng thời cần phải có sự chấp thuận của công chúng nên SMR cũng được coi như nhà máy điện hạt nhân công suất lớn.

Đến nay, chưa có một thiết kế nào được đầu tư sản xuất hàng loạt, hầu hết là phiên bản thử nghiệm ban đầu, chuỗi cung ứng chưa hình thành. Bên cạnh đó, phát triển nhiều lò SMR phân tán tiềm ẩn vấn đề trong việc chấp nhận của công chúng và gây ra chi phí lớn hơn cho đảm bảo an ninh so với tổ máy lớn.

H.A

Bạn đang đọc bài viết Vì sao nên chọn điện hạt nhân cỡ nhỏ?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Vingroup phát động chiến dịch Vì Thủ đô trong xanh
Tập đoàn Vingroup quyết định phát động chiến dịch “Vì Thủ đô trong xanh” nhằm kêu gọi cả cộng đồng cùng hành động để giành lại bầu trời xanh cho Thủ đô, đặc biệt là giảm thiểu phát thải trong lĩnh vực giao thông.

Tin mới

Những khúc "tráng ca" về doanh nhân
Phạm Hồng Điệp là người rất mê âm nhạc, dù không qua trường lớp, nhưng chính từ thực tế sáng tạo và tâm huyết của mình, anh đã có nhiều sáng tác về doanh nhân.