Vì sao Hà Nội khó triển khai dịch vụ công cộng "xanh"?
Trong khi một số địa phương đã vận hành dịch vụ xe đạp công cộng thông minh, thân thiện với môi trường thì Hà Nội vẫn loay hoay với việc thí điểm mô hình giao thông "xanh" này.
Đã có 3 địa phương vận hành dịch vụ xe đạp "xanh"
Mới đây (12/5), TP. Hải Dương đã khai trương dịch vụ xe đạp công cộng TNGo tại quảng trường Thống Nhất. Như vậy, đây là địa phương thứ 3 trong cả nước triển khai dịch vụ xe đạp công cộng, sau TP. HCM và TP. Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).
Được biết, dự án xe đạp công cộng TNGo là dịch vụ xe đạp công cộng cho thuê, dùng chung xe đạp. Đây là dự án do Công ty Cổ phần Dịch vụ vận tải số Trí Nam là đơn vị triển khai.
Với dịch vụ xe đạp công cộng, người tham gia giao thông có thể lấy xe ở trạm bất kỳ để di chuyển và gửi trả xe ở trạm khác. Khác với dịch vụ cho thuê xe đạp thông thường, dịch vụ này được quản lý bằng công nghệ, sử dụng nguồn năng lượng sạch từ pin mặt trời để hoạt động. Đây là dịch vụ để hỗ trợ, kết nối các phương thức giao thông công cộng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phục vụ phát triển du lịch của thành phố. Đồng thời góp phần hình thành văn hóa giao thông thân thiện, không khói, gắn công nghệ với tiện ích đô thị.
Vận hành dự án này tại TP. Hải Dương, chủ đầu từ đã lắp đặt 6 điểm trạm với 120 xe đạp ở Nhà Thi đấu thể dục thể thao tỉnh, công viên Bạch Đằng, điểm giao đường Thanh Niên và đường Tôn Đức Thắng và các quảng trường 30/10, Thống Nhất.
Thời gian đầu, giá vé dịch vụ là 5.000 đồng/xe/30 phút và 50.000 đồng/xe/ngày. Sau thời gian hoạt động từ 3-6 tháng, đơn vị sẽ đánh giá hiệu quả hoạt động và điều chỉnh giá vé phù hợp với thực tế. Trong quý II năm 2022, công ty dự kiến đầu tư 400 xe bố trí ở 20 điểm cạnh các trạm xe buýt, khu cơ quan nhà nước, điểm du lịch... Đến năm 2024, doanh nghiệp sẽ đầu tư thêm 500 xe và triển khai mở rộng trên toàn địa bàn Thành phố với 40-50 điểm.
Trước đó, ngày 29/4/2022, tại TP. Vũng Tàu, Công ty Cổ phần Dịch vụ vận tải Trí Nam cũng đã triển khai dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng tại 12 vị trí với 100 xe. Trong vòng 1 tháng (từ 29/4 - 29/5/2022), khách hàng đăng ký sử dụng được miễn phí 1 giờ dịch vụ này. Sau đó, dịch vụ sẽ thu phí với giá 5.000 đồng/30 phút, 10.000 đồng/60 phút.
Theo ông Đỗ Bá Quân, Chủ tịch Công ty Cổ phần Dịch vụ vận tải số Trí Nam, sau 1 tháng thử nghiệm, công ty dự kiến mở rộng lên thành 45 trạm, phát triển hơn 500 xe đạp để phục vụ nhu cầu của người dân và du khách.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dịch vụ vận tải số Trí Nam Đỗ Bá Dân thông tin thêm, mô hình xe đạp công cộng cũng đã được thí điểm tại TP. HCM từ tháng 12/2021. Sau 3 tháng vận hành, đã có gần 110.000 người tham gia sử dụng, phản hồi từ người dân khá tốt.
Hà Nội loay hoay thí điểm dịch vụ công cộng "xanh"
Nhiều chuyên gia cho rằng, xe đạp công cộng có lợi thế rất lớn. Đây là phương tiện gần gũi với mọi gia đình, hầu như người trưởng thành đều sử dụng được. Ưu điểm nữa, xe đạp có thể thuê, không cần lo lắng về nơi gửi, sửa chữa, bảo dưỡng… phù hợp với những quãng đường ngắn một vài cây số sẽ là lựa chọn hàng đầu của dân công sở, học sinh, sinh viên, khách du lịch.
Đặc biệt là với Thủ đô Hà Nội, nơi "đất chật người đông", lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng gia tăng khiến tình trạng tắc đường thường xuyên diễn ra thì mô hình xe đạp công cộng là dịch vụ khá phù hợp. Không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà dịch vụ này còn giải quyết nhiều vấn đề khác, đặc biệt là khi tuyến metro Cát Linh - Hà Đông đã đi vào vận hành.
Nhưng nhiều người lại đang nghi ngại về tính hiệu quả của dịch vụ xe đạp công cộng nếu được triển khai tại Hà Nội. Bởi thực tế, thời gian qua, Hà Nội đã thí điểm nhiều dịch vụ công cộng "xanh", bảo vệ môi trường, nhưng hầu hết đang đứng trước nguy cơ bị "khai tử"
Điển hình nhất là việc thí điểm 6 xe đạp thể dục kết hợp hệ thống lọc nước được lắp đặt tại hồ Hoàng Cầu vào cuối năm 2017. Mục tiêu chính của dự án này là nhằm tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng, chung tay giải quyết vấn đề ô nhiễm nước hồ tại Hà Nội.
Với xe đạp lọc nước, người dân vừa có thể đạp xe tập thể dục vừa góp phần làm sạch nguồn nước. Lợi ích là vậy, nhưng nay những chiếc xe đạp này đã không được triển khai thêm nữa và đã được thu hồi.
Một dự án khác là việc thí điểm, lắp đặt thùng rác công nghệ ở một số tuyến phố trên địa bàn Thủ đô. Thùng rác được lắp tấm pin năng lượng mặt trời ở mái che, buổi tối có thể sử dụng nguồn điện đó để thắp sáng. TNhưng sau thời gian triển khai, đơn vị tài trợ cũng đang tạm dừng lại do nhiều thùng rác không phát huy tác dụng.
Nguyên nhân nhiều thiết bị, công nghệ được lắp đặt tại thùng rác, bị hư hỏng, bắt nguồn từ người bỏ rác chưa thực hiện tốt các khuyến cáo của nhà sản xuất. Liên quan đến sức khỏe và môi trường, TP. Hà Nội cũng đã cho đơn vị tài trợ lắp đặt cây nước uống có vòi tại một số vườn hoa của 4 “quận lõi”. Nhưng chỉ được thời gian ngắn, có cây nước đã không còn phát huy tác dụng như mục đích ban đầu do mất trộm thiết bị, mất vệ sinh…
Triển khai dịch vụ xe đạp công cộng tại Hà Nội - Tại sao khó?
Theo tìm hiểu của PV, trong tháng 3 vừa qua, từ đề xuất của Công ty Cổ phần Dịch vụ vận tải số Trí Nam, UBND TP. Hà Nội đã giao Sở Giao thông Vận tải xây dựng dự án triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị để thực hiện tại 5 quận trung tâm. Theo đó, xe đạp công cộng được sử dụng phục vụ người dân tại 5 quận trung tâm bao gồm: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Đống Đa, Thanh Xuân và các điểm cạnh lối lên, xuống của tuyến tàu điện đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, trụ sở liên cơ quan.
Thời gian dự kiến thực hiện năm 2022 đến 2023. Dự án sẽ triển khai theo 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ đầu tư 1.000 xe đạp, trong đó có 500 xe đạp truyền thống và 500 xe đạp điện. Số xe này sẽ được bố trí từ 70 đến 80 vị trí.
Giai đoạn 2, dự kiến từ năm 2023 đến 2024, mở rộng vùng phục vụ ra các quận trung tâm và vùng lân cận trung tâm. Quy mô đầu tư khoảng 3.000 xe đạp, bố trí tại 350 địa điểm.
Theo tính toán, tổng chi phí của dự án là khoảng 26 tỷ đồng, nhà đầu tư tự bỏ vốn và khai thác. Dự án dự kiến thực hiện thí điểm trong vòng 18 tháng, mức phí được đưa ra để người dân có thể sử dụng xe đạp điện là khoảng 20.000 đồng/giờ hoặc 200.000 đồng/ngày. Để hỗ trợ dự án, nhà đầu tư đề xuất UBND thành phố hỗ trợ một số địa điểm đặt trạm sạc tại các địa điểm đặt xe phục vụ người dân.
Theo ngành chức năng của TP. Hà Nội, việc triển khai bổ sung loại hình xe đạp/xe đạp điện đô thị ít ảnh hưởng đến lưu lượng giao thông trên đường giao thông công cộng. Khi phát huy hiệu quả kết nối sẽ là cơ sở để người dân chuyển đổi từ phương thức cá nhân sang loại hình vận tải hành khách công cộng, góp phần cải thiện môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, người Hà Thành vốn trọng hình thức. Với những chiếc xe đạp nhỏ và có phần chưa bắt mắt có hẫp dẫn được người Thủ đô trong thời gian tới đây. Trong khi những người hay đi lại, phần lớn là giới trẻ, họ thường sử dụng xe máy đắt tiền, phân khối lớn để làm tăng vẻ sành điệu cho mình.
Cũng phải nói đến vấn đề thời tiết của Hà Nội, 4 mùa rõ rệt, trong những ngày nồm ẩm sau Tết, những chiếc xe đạp điện bị phơi ngoài trời nhiều ngày sẽ hoạt động như thế nào, còn đảm bảo mỹ quan. Và những ngày thời tiết “xấu trời” như vậy thì phương tiện xe đạp công cộng có là lựa chọn khi di chuyển?
Ý thức tham gia giao thông cũng cần được đề cập, khi nhiều người điều kiển phương tiện chưa tuân thủ các quy định, phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều. Do vậy, khi xe đạp công cộng được đưa vào hoạt động, có làm cho bức tranh của giao thông của Hà Nội rối ren khi người điều khiển xe đạp vẫn giữ thói quen cũ. Hơn nữa, giao thông của Hà Nội vốn phức tạp thì những người đi xe đạp có thấy an toàn khi lưu thông trên đường, giữa dòng phương tiện hối hả nhưng chưa thật sự đề cao văn hóa giao thông?
Khánh Thư