Vì sao chất lượng không khí ở Hà Nội liên tục xấu đi?
Theo số liệu quan trắc, trong sáng 20/11, tại nhiều khu vực trên địa bàn thành phố Hà Nội có chất lượng không khí ở mức kém. Đặc biệt, ở nội thành và các thị trấn dao động quanh mức 109-139, có nguy có ảnh hưởng sức khỏe người dân.
Cụ thể, 14/35 khu vực quan trắc chất lượng không khí của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội quản lý đều có chỉ số AQI ở ngưỡng kém. Trong đó, điểm đo tại thị trấn Sóc Sơn có chỉ số AQI cao nhất là 139; các khu vực khác lần lượt là: Hàng Đậu 118, Văn Quán 116, thị trấn Liên Quan (Thạch Thất) 116, Phạm Văn Đồng 114, thị trấn Chúc Sơn (Chương Mỹ) 110...
Từ nay đến cuối tuần thì mức độ ô nhiễm ở Thủ đô Hà Nội có thể sẽ gia tăng chỉ số chất lượng không khí ở mức xấu. Nguyên nhân là do tình trạng thời tiết Thủ đô Hà Nội từ nay cho tới cuối tuần sẽ hoàn toàn là không mưa, trời có nắng nhiều lại ít gió, thậm chí là đêm và sáng lại xuất hiện hiện tượng sương mù. Điều kiện thời tiết như vậy sẽ khiến cho khói bụi các chất ô nhiễm khó mà có thể phát tán lên cao được và sẽ được kìm giữ lại ở lớp không khí sát với mặt đất. Trong những ngày tới đây, thời tiết Hà Nội tiếp tục hanh khô, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn gây hiện tượng nghịch nhiệt, chất lượng không khí vì thế suy giảm.
Ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết, khi hiện tượng nghịch nhiệt xảy ra, lớp nghịch nhiệt sẽ ngăn bụi mịn phát tán lên cao, khiến không khí bị ô nhiễm từ 0h đến 9h sáng hằng ngày, đỉnh điểm vào lúc 6h-7h.
Vì vậy, người dân nên hạn chế đi tập thể dục, lao động ngoài trời buổi sáng sớm. Đặc biệt, người mắc bệnh về hô hấp, viêm phế quản mạn tính, người già, trẻ nhỏ, người mắc bệnh tim mạch cần thực hiện các biện pháp dự phòng nghiêm ngặt hơn.
Khi tham gia giao thông mọi người cần tuân thủ triệt để luật giao thông để hạn chế ùn tắc. Cơ quan chức năng cần tăng cường điều tiết giao thông tại một số khu vực có mật độ giao thông cao nhất như Minh Khai, Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu… Các khu vực ngoại thành, người dân cần hạn chế đốt rác và phụ phẩm nông nghiệp.
Đồng thời để có thể chủ động bảo vệ sức khỏe của mình, người dân nên thường xuyên theo dõi và cập nhật tình hình chất lượng không khí tại các trang công bố công khai của cơ quan Nhà nước, để biết được mức độ ảnh hưởng và có các biện pháp bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.
Từ tháng 11/2020 đến tháng 3-4/2021, sẽ có nhiều ngày không khí ô nhiễm nặng, tức là chỉ số chất lượng không khí AQI sẽ có màu đỏ, thậm chí là màu tím. Mùa hè sẽ đỡ hơn vì có nắng to và gió để không khí khuếch tán.
“Vài năm nay, cũng đã có một số giải pháp để giảm nguồn ô nhiễm như kiểm soát sản xuất, giao thông, xây dựng... Thế nhưng dù có chính sách nhưng thực tế chưa triển khai được nhiều. Nhất là ở những đô thị như Hà Nội các phương tiện ô tô, xe máy rất nhiều; trong khi đó xe máy chưa kiểm soát khí thải”- TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết.
Minh Phương