Về quê ăn Tết: Các địa phương có quá khắt khe?
Chỉ còn khoảng 2 tuần nữa, kỳ nghỉ lễ lớn nhất trong năm của người Việt Nam - Tết Nguyên đán chính thức bắt đầu. Nhiều người lao động sau một thời gian dài xa quê vẫn băn khoăn không biết nên hay không đặt vé tàu xe, chuẩn bị trở về nhà đón Tết.
Ngày 17/1, UBND tỉnh Yên Bái ban hành quy định mới về việc điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đối với người về từ nơi khác.
Địa phương này quy định người về từ vùng đỏ và cam đã tiêm đủ liều vaccine thì phải cách ly tại nhà 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR 3 lần và tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo. Người chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine phải cách ly tại nhà 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR 4 lần và tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.
Nếu về Yên Bái từ vùng vàng, người dân cách ly tại nhà 7 ngày và tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo. Còn người về từ vùng xanh, Yên Bái yêu cầu tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày.
Với các quy định trên, Yên Bái đang là tỉnh có chính sách khắt khe nhất ở miền Bắc đối với người về quê.
Cùng lúc, sau phản ánh của báo chí và sự lên tiếng của chuyên gia, người dân suốt một tuần qua, nhiều địa phương vẫn giữ quy định cách ly với người về quê ăn Tết mà chưa có sự điều chỉnh. Một số địa phương ban hành thêm quy định mới.
Hưng Yên yêu cầu người từ nơi khác về quê phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ. Đồng thời, không phân biệt là về từ vùng nào, người dân đã tiêm đủ 2 mũi phải tự cách ly tại nhà 7 ngày, nếu chưa tiêm đủ thì cách ly 14 ngày.
Quyết định được đưa ra khi liên tục trong 2 tuần qua, địa phương có số ca mắc trung bình trên 300 ca/ngày. Dù vậy, chính sách này của Hưng Yên có thể ảnh hưởng tới số lượng lớn người dân địa phương đang làm việc ở Hà Nội, Bắc Ninh và nhiều nơi khác, có mong muốn về quê.
Cùng quy định trên, Phú Thọ yêu cầu người từ nơi có cấp độ dịch 1 và 2 (vùng xanh, vàng) tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong 7 ngày. Người về từ vùng đỏ và cam được yêu cầu có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ và cách ly tại nhà 7-14 ngày, tùy theo trường hợp tiêm đủ hoặc chưa tiêm đủ 2 liều vaccine.
Trong khi đó, một số địa phương như Hải Phòng, Hải Dương, Tuyên Quang yêu cầu cách ly tại nhà với người về từ vùng cam và đỏ. Riêng Lào Cai, Hà Nam, Nam Định chỉ cách ly với người về từ vùng đỏ.
Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Ninh Bình vẫn nới rộng quy định với người dân khi chỉ yêu cầu có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong 72 giờ, không cần cách ly kể cả với người về từ vùng có nguy cơ dịch ở cấp độ 3 và 4.
Dù vậy, 3 địa phương trên khuyến khích người dân hạn chế tụ tập đông người để ăn uống, hội họp, mừng thọ, mừng xuân ở cả trước, trong và sau Tết Nguyên đán nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm.
Trái ngược với những khắt khe của các tỉnh miền Bắc, các địa phương miền Nam có phần thoải mái hơn khi người dân về quê ăn Tết.
Lãnh đạo Bình Phước cho hay dịp Tết Nguyên đán sắp tới, người dân trong tỉnh vẫn về quê ăn Tết bình thường, không có rào cản gì, chỉ cần thực hiện tốt quy định 5K và khai báo với y tế với địa phương.
Tương tự như các tỉnh nêu trên, phó Chủ tịch UBND Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu cho biết, người dân về quê trong dịp Tết Nguyên Đán không cần phải khai báo y tế nhưng phải chấp hành tốt các biện pháp 5K, hạn chế tối đa tập trung đông người.
"Địa phương đang phòng chống dịch theo cấp độ 2. Mỗi tuần địa phương đánh giá cấp độ 1 lần và sẽ điều chỉnh theo cấp độ", ông Đoàn Tấn Bửu nói.
TP. Đà Nẵng, Lâm Đồng và các tỉnh Sóc Trăng, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau... cũng đã nới lỏng rất "rộng rãi", người dân về quê ăn Tết dù ở vùng nào thì chỉ cần khai báo y tế và áp dụng các biện pháp như quy định chung của Bộ Y tế.
'Quá khắt khe' có thực sự cần thiết?
Đối với vấn đề nhiều địa phương đưa ra những quy định khắt khe đối với người dân về quê ăn Tết, cũng như đưa ra thư ngỏ "không về nếu không cần thiết", PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) có ý kiến cho rằng, các địa phương đã "quá căng thẳng".
Ông Nga cho rằng, việc này rõ ràng không đúng với tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 128 của Chính phủ.
"Nếu vẫn ngăn sông cấm chợ, vẫn không cho về quê thì tiêm vắc xin làm gì nữa, cứ theo chính sách zero COVID-19 thôi", ông Nga đặt vấn đề.
Đồng quan điểm với PGS.TS Nguyễn Huy Nga, PGS.TS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho rằng việc nhiều địa phương đang "dựng" những hàng rào vô hình gây khó cho người dân về quê ăn Tết bằng nhưng quy định cách ly, theo dõi nghiêm ngặt là điều không nên.
"Vì thế, các tỉnh cần thực hiện nghiêm quy định này, tránh mỗi nơi làm một kiểu gây ảnh hưởng tới làm kinh tế cũng như an sinh xã hội. Việc địa phương vận động hay ra quy định "làm khó" người dân về quê dịp Tết sẽ tạo ra một số tiền lệ không hay và gây dư luận không tốt", PGS Phu nhấn mạnh trong quá trình trao đổi với báo Dân Việt.
Đồng thời, PGS cũng đưa ra khuyến cáo với người dân để đảm bảo an toàn trong thời gian về quê đón Tết: "Người dân khi về quê ăn Tết phải tuyệt đối tuân thủ nghiêm 5K mọi chỗ, mọi nơi, hạn chế tiếp xúc với đám đông, giảm đi lại không cần thiết, không tổ chức các hoạt động đông người không cần thiết, không tổ chức ăn uống linh đình, hạn chế thăm nom, tụ tập…"
Nguyễn Linh (T/h)