Vấn nạn giết mổ lậu Đồng Nai, đâu là cách giải quyết?
Đồng Nai hiện là một điểm nóng về giết mổ gia súc, gia cầm lậu, do đó các ngành chức năng tỉnh đã và đang tích cực dùng nhiều biện pháp ngăn chặn, dẹp bỏ, nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh thực phẩm công bằng, thị trường thực phẩm sạch cho người dân.
Cam go "dẹp nạn" giết mổ lậu
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai, toàn tỉnh hiện có 44 cơ sở giết mổ được cấp phép và đang hoạt động, trong đó có 40 cơ sở thuộc mạng lưới và 4 cơ sở tạm thời với công suất bình quân một ngày từ 40-50 con trâu, bò; 1,9-2,1 ngàn con heo; 36-38 ngàn con gà. Tuy nhiên, về số lượng, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng theo quy hoạch về mạng lưới cơ sở giết mổ của tỉnh.
Theo ghi nhận, các cơ sở giết mổ tập trung hiện mới chỉ hoạt động khoảng 40-50% công suất thiết kế và có 4 cơ sở đã tạm ngưng hoạt động do tình trạng giết mổ trái phép còn diễn biến phức tạp tại phần lớn các địa phương, dẫn đến các cơ sở giết mổ tập trung được đầu tư bài bản khó cạnh tranh và duy trì hoạt động.
Vừa qua trong đợt cao điểm trấn áp, dẹp bỏ các cơ sở sản xuất, vận chuyển, giết mổ lậu gia xúc, gia cầm trong phạm vi toàn tỉnh đặc biệt là ở TP. Biên Hoà, đoàn liên ngành gồm Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai; Phòng Cảnh sát Môi trường công an tỉnh; Cục Quản lý Thị trường, UBND các phường, xã,… đã tổng kiểm tra toàn bộ các cơ sở kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là các cơ sở có dấu hiệu mất vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ sở giết mổ lậu.
Kết quả của đợt ra quân trên, đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện, xử phạt hành chính 60 vụ vi phạm gồm: 56 vụ vi phạm kinh doanh, vận chuyển thịt và các sản phẩm phụ phẩm từ thịt gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh thú y.
Về kết quả kiểm tra hoạt động giết mổ trên địa bàn TP. Biên Hòa, lực lượng chức năng đã phát hiện 4 trường hợp giết mổ không phép gồm: 3 trường hợp giết mổ heo tại P. Long Bình và 1 trường hợp giết mổ bò tại P. Trảng Dài. Lực lượng chức năng đã thu giữ hơn 4,1 ngàn tấn thịt và phụ phẩm các loại; xử phạt hành chính hơn 131 triệu đồng.
Theo chân đoàn kiểm tra, phóng viên Tạp chí điện tử Kinh Tế Môi Trường ghi nhận được thực trạng mổ lậu vẫn còn nhiều nhưng không hề dễ dẹp bỏ, bởi vì các cơ sở lậu thường tìm đủ cách để né tránh, thậm chí manh động chống đối quyết liệt lại lực lượng kiểm tra,... Hơn nữa, các cơ sở giết mổ lậu luôn luôn có “vệ tinh” canh giữ nhiều lớp, khi thấy lực lượng chức năng lập tức báo động bằng nhiều cách, chốt kín cửa, tắt điện, tạm ngưng mọi hoạt động chờ đợi lực lượng chức năng rời đi rồi tiếp tục hành nghề.
Bên cạnh đó, các cơ sở giết mổ lậu đã tạo ra một “bức tường lửa” vô hình ngăn cản các lực lượng kiểm tra, khiến từng cán bộ trong lực lượng liên ngành bước vào một cuộc chiến thực sự trong quá trình công tác. Ngoài việc các cơ sở này né tránh bằng cách làm vào buổi đêm muộn, chống đối quyết liệt lực lượng kiểm tra, các cán bộ chức năng trong đoàn còn chịu áp lực rất lớn từ việc nhiều đối tượng manh động gọi điện, hăm doạ bản thân, người trong gia đình,...
Thực tế đã có rất nhiều những cán bộ trong đoàn kiểm tra bị đe doạ, kể cả các cán bộ trong lực lượng cảnh sát môi trường. Ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai cho biết, việc bị các đối tượng xấu hăm doạ là thường xuyên. Trường hợp như ông Lê Tấn Việt - Trạm trưởng Chăn nuôi và Thú y huyện Tân Phú đã nhiều lần bị các đối tượng xấu tấn công không phải là ngoại lệ. Kể cả việc cán bộ trinh sát Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đồng Nai cũng bị các đối tượng tắt điện, thả chó dữ, hăm doạ,…
Theo ông Nguyễn Trường Giang, trên lý thuyết thì việc dẹp bỏ cơ sở lậu không khó nhưng bước vào thực hiện gặp rất nhiều khó khăn. Giết mổ lậu ảnh hưởng rất lớn đến môi trường nước, không khí, tiếng ồn cho người dân xung quanh, nhưng người dân không dám tố giác vì ngại, vì sợ động đến “bát cơm” của các các chủ cơ sở lậu.
“Lực lượng chức năng còn mỏng, từng cán bộ đều có cuộc sống riêng, gia đình, con cái,…khi dấn thân thực hiện nhiệm vụ sẽ bị các đối tượng xấu thù ghét, thậm chí chờ đến lúc nghỉ hoặc chuyển công tác để trả thù,…”, ông Giang chia sẻ.
Đâu là cách giải quyết?
Về việc loại bỏ tình trạng giết mổ lậu để tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng, người dân được quyền sử dụng nguồn thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh. Theo ông Nguyễn Trường Giang, đây là vấn đề vĩ mô cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành như cơ quan Cảnh sát môi trường, cơ quan quản lý thị trường, UBND các cấp,… Song song với đó, cần có chế tài mạnh hơn để, đánh vào kinh tế sẽ giúp tình trạng thực phẩm lậu giảm đáng kể.
Đặc biệt, cần có biện pháp tuyên truyền phủ khắp đến mọi người dân về tác hại lâu dài của thực phẩm lậu, hoá chất độc hại, chất bảo quản, chất phụ gia, chưa kể thực phẩm ôi thối, bốc mùi được những kẻ bất chấp vì đồng tiền “phù phép” đưa vào các chợ tạm, chợ tự phát đưa đến cho người tiêu dùng.
“Bản thân người tiêu dùng cũng cần thận trọng, không nên thấy rẻ mà sử dụng vô tình làm hại đến gia đình mình và tiếp tay cho những cơ sở kinh doanh thực phẩm lậu. Nếu chúng ta làm cương quyết nói không với thực phẩm lậu thì những người làm lậu cũng dần phải thay đổi tư duy để theo kịp với xu hướng của xã hội phát triển, như thế tự khắc thị trường thực phẩm sẽ dần trong sạch.
Tình trạng thực phẩm lậu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã và đang trên đà thuyên giảm đáng kể, thời gian tới ngành Chăn nuôi và Thú y tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực để tạo ra một môi trường cạnh tranh thực phẩm công bằng, người dân được sử dụng thực phẩm an toàn, vệ sinh”, ông Giang nhấn mạnh.
Chí Công - Thanh Vũ