Đồng Nai: Gần 1.000 tỷ đồng phát triển du lịch sinh thái rừng
Theo Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, phấn đấu đến năm 2030 khách du lịch đạt 120 nghìn lượt khách/năm đến. Qua đó giải quyết việc làm cho gần 1.600 lao động.
Mục tiêu của Đề án là khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, di tích lịch sử tại Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai trên cơ sở bảo tồn, phát triển bền vững và huy động mọi nguồn lực trong xã hội để bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và phát triển du lịch.
Phấn đấu đến năm 2025, lượng khách du lịch đến Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai đạt 50.000 lượt/năm, trong đó khách có lưu trú đạt trên 6.400 lượt và khách tham quan đạt 43.600 lượt khách; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 15 tỷ đồng. Đến năm 2030 đạt 120.000 lượt khách/năm, trong đó có khách tham quan đạt 116.000 lượt khách; doanh thu đạt gần 60 tỷ đồng. Đến năm 2050, lượng khách.
Đến năm 2030, có 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, nhà hàng, vui chơi giải trí tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai có hệ thống thu gom và xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn chất lượng môi trường.
Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Khu Bảo tồn thiên nhiên-văn hóa Đồng Nai được thực hiện trên tổng diện tích trên 100 nghìn ha, gồm diện tích có rừng và chưa có rừng; các hệ sinh thái rừng và nguồn tài nguyên đa dạng sinh học phong phú.
Quy hoạch 51 điểm phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và dịch vụ theo tuyến, theo chủ đề và quy hoạch 37 tuyến du lịch khám phá rừng, các tuyến du lịch kết nối. Nguồn vốn thực hiện Đề án dự kiến đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách (chiếm 2%) và kêu gọi đầu tư (98%).
Các sản phẩm du lịch tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai gồm: Du lịch sinh thái gắn liền với Tài nguyên rừng; Du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái hồ; Du lịch văn hóa gắn liền với Di tích Di tích lịch sử cách mạng và văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số; du lịch thể thao và khám phá; du lịch vui chơi, giải trí tổng hợp; du lịch sinh thái kết hợp hội nghị, hội thảo, sự kiện; du lịch cộng đồng; du lịch chuyên đề khoa học, nghiên cứu, thực tập, giáo dục môi trường; dịch vụ nhà hàng ăn uống, ẩm thực, mua sắm và các dịch vụ khác phục vụ du hàng.
Đối với vấn đề môi trường, tuyên truyền, giáo dục, tập huấn để nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư, khách du lịch và các đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ trên địa bàn.Thực hiện theo quy định về báo cáo đánh giá tác động môi trường, có kế hoạch bảo vệ môi trường đối với hoạt động du lịch.
Thường xuyên kiểm tra, đánh giá ảnh hưởng của hoạt động du lịch đối với môi trường để có giải pháp kịp thời khắc phục sự cố, tình trạng xuống cấp về tài nguyên thiên nhiên và môi trường du lịch. Tăng cường biện pháp quản lý trong xây dựng, phát triển và kinh doanh du lịch, chú trọng xử lý nước thải, chất thải ở các tuyến, điểm du lịch; khuyến khích các chủ đầu tư áp dụng các công nghệ thân thiện môi trường. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường.
Chia sẻ với báo chí, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai Nguyễn Hoàng Hảo cho biết, Đề án là căn cứ quan trọng để thực hiện kêu gọi các nhà đầu tư đến phát triển du lịch sinh thái rừng. Lâu nay mặc dù có tiềm năng nhưng chưa có Đề án cụ thể nên các doanh nghiệp đến Khu Bảo tồn thiên nhiên-văn hóa Đồng Nai tìm hiểu đầu tư thường một đi không trở lại.
Theo thống kê, cả nước có 167 khu rừng đặc rụng, trong đó có 56 khu bảo tồn thiên nhiên, 34 vườn quốc gia, 14 khu bảo tồn loài/sinh cảnh, 54 khu bảo vệ cảnh quan và các khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học thuộc 9 đơn vị khoa học. Sự đa dạng và phong phú về tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học gắn liền với văn hóa tâm linh cho thấy hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển du lịch sinh thái.
Nhật Hạ