Văn hóa dùng mạng xã hội: Thông minh và có kiểm soát
Trong kỷ nguyên số, chúng ta không thể phủ nhận vai trò, tác động của mạng xã hội (Facebook, Zalo, YouTube…). Đây là những kênh thông tin tham khảo hữu ích, song cũng là thách thức với người làm báo, nhất là những vấn đề “nóng” thu hút sự quan tâm dư luận
Cơ hội và thách thức
Có thể nói, trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, không chỉ những người làm báo mà gần như ai cũng có ít nhất một tài khoản trên các trang mạng xã hội (MXH). Song để nhận biết tính năng và “sức hút” của MXH thì không phải ai cũng nhận biết được, đặc biệt là tác động của nó với xã hội hiện đại.
Nhìn vào thực tế cho chúng ta thấy, MXH là một không gian ảo, song lại có tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý, đời sống xã hội. Mặc dù cũng truyền tải thông tin, nhưng lại không như các tờ báo, ở mạng xã hội mỗi người dân đều có thể đưa tin hàng ngày, hàng giờ thông qua việc cập nhật, chia sẻ trên tài khoản cá nhân của mình. Thông tin đó có thể đúng, có thể sai, hoặc mang tính chất quan điểm cá nhân của người đăng, chia sẻ.
Trước hết, cần phải khẳng định rằng, thông tin trên MXH không phải là báo chí, song không phải ai cũng nhận thức được rạch ròi để có sự chọn lọc thông tin đúng đắn. Ðây chính là lúc vai trò, trách nhiệm nghề nghiệp của người làm báo cần được thể hiện và phát huy.
MXH đang là kho cung cấp thông tin, đề tài khổng lồ. Qua đó, các nhà báo chuyên nghiệp lẫn không chuyên nghiệp khai thác những vấn đề dư luận xã hội đang quan tâm, sau khi thẩm định độ chính xác sẽ sử dụng cho những bài báo của mình phục vụ công chúng.
Hiện nay, rất nhiều nhà báo sở hữu tài khoản facebook có từ hàng ngàn đến hàng trăm ngàn người theo dõi. Ở một thống kê cho thấy, nước ta dân số trên 98 triệu người (trong đó, tỷ lệ sử dụng internet chiếm hơn 60%), Việt Nam là quốc gia đứng thứ 18 trên thế giới về số lượng người sử dụng Internet và là một trong 10 nước có lượng người dùng Facebook và YouTube cao nhất thế giới. Một thống kê đáng chú ý là thời gian sử dụng Internet trung bình của người Việt lên tới gần 7 tiếng/ngày.
Điều này chứng minh rằng, người dân Việt Nam đã dành lượng thời gian đáng kể cho các hoạt động trên không gian mạng để phục vụ các nhu cầu khác nhau. Do vậy, có thể khẳng định, tính quảng bá, lan tỏa của MXH là cơ hội cho báo chí.
Hơn ai hết, mỗi nhà báo, phóng viên khi tham gia MXH trước tiên cần hết sức tỉnh táo để phân biệt và kiểm chứng thông tin, từ đó có cách ứng xử thích hợp. Không chia sẻ, lan truyền thông tin sai sự thật, gây bức xúc dư luận; đồng thời cũng cần kịp thời cổ vũ, lan tỏa những thông tin chính xác, có lợi cho xã hội, cho địa phương, đất nước. Một nhà báo, phóng viên có đạo đức và trách nhiệm sẽ là người biết “chính thống hóa” những thông tin này.
Trong những năm gần đây, MXH đã thực sự trở thành một yếu tố rất quan trọng trong việc thu hút sự tương tác, số người sử dụng, cũng như trở thành một nguồn tin quan trọng cho báo chí. Nhiều nhà báo, phóng viên đã thể hiện sự chủ động trong việc sử dụng các trang mạng xã hội để phục vụ đắc lực cho công việc, làm tốt chức năng định hướng dư luận xã hội bằng những quan điểm đúng đắn, mang tính tích cực.
Tuy nhiên, cũng có một số nhà báo, phóng viên đưa ra quan điểm cá nhân tiêu cực, gây ảnh hưởng không tốt tới dư luận xã hội theo chiều hướng tiêu cực. Thống kê trong trong năm 2021, các cơ quan chức năng đã xử phạt 11 trường hợp vi phạm quy định thông tin điện tử, tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động báo chí đối với 1 cơ quan báo chí và thu hồi thẻ nhà báo của 3 trường hợp do có sai phạm nghiêm trọng.
Thay đổi quy trình làm báo truyền thống
Do “thế lực” của MXH, hiện nay, có rất nhiều ý kiến cho rằng, chỉ cần có một smartphone trên tay, bất kỳ cá nhân nào cũng là một nhà báo, bởi họ có thể phản ánh, tường thuật, bình luận sự kiện vừa mới xảy ra. Và như đã nói ở trên, đó là nguồn đề tài cho phóng viên, còn toà soạn có cơ hội nắm bắt dư luận. Như vậy, MXH góp phần làm cho nhà báo, tờ báo gần gũi hơn với độc giả. Đây là nét mới so với cách làm báo truyền thống.
Trước đây, tờ báo và nhà báo chủ động cung cấp thông tin cho bạn đọc, nhưng ít nắm được sự mong muốn được chia sẻ, được đối thoại của người đọc. Ngày nay, mọi người đều có thể tạo ra và lan truyền tin tức họ muốn được chia sẻ, được cùng nhiều người bàn thảo, thậm chí muốn tạo nên dư luận xã hội. Như vậy, việc cung cấp thông tin và cả bình luận về thông tin không còn là độc quyền của nhà báo.
Và như vậy nó đã tác động, làm cho nghề báo truyền thống phải thay đổi và thay đổi cả sự chờ đợi của bạn đọc với nhà báo. Sự phát triển ngày càng rộng rãi của MXH đã tạo điều kiện cũng như đòi hỏi sự thay đổi quy trình tác nghiệp truyền thống của nhà báo, giúp họ có được tin tức nhanh hơn, tiết kiệm được thời gian hơn.
Cùng với báo chí, MXH cũng là một nơi cung cấp thông tin cho bạn đọc, một cách nhanh chóng, độ phủ sóng rộng và rất dễ tiếp cận. Với một cú “click chuột” thông tin ngay lập tức có thể chia sẻ và tiếp cận tới hàng trăm, hàng nghìn người. Việc đưa tin và chia sẻ, tiếp cận đều dễ dàng hơn rất nhiều so với báo chí chính thống.
Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta rất khuyến khích người dân tham gia vào việc giải quyết những vấn đề của đất nước, nói lên tiếng nói của mình; đặc biệt là trong việc phòng chống tham nhũng, phát hiện những hành vi vi phạm trong cộng đồng, xã hội. Người dân thông qua MXH đã giúp cho báo chí tìm ra được những vấn đề, vụ việc, hiện tượng cần phản ánh, bởi các cơ quan chức năng không thể phủ sóng được tất cả các phương diện của đời sống xã hội.
Tuy nhiên, mặt trái của MXH đem đến không ít “phiền toái” cho báo chí cũng như chính người tiếp nhận thông tin. MXH làm cho không ít công chúng hiểu và định hướng thông tin một cách sai lệch khi tiếp cận các bài viết. Nguy hại hơn là khi bạn đọc cho rằng đó là báo chí đưa tin. Sự đánh đồng của độc giả MXH về báo chí là điều hết sức nguy hiểm. Khi MXH đưa thông tin sai và chưa được kiểm chứng thì một số bạn đọc lại đổ lỗi do báo chí. Có những bạn đọc không phân tách được khái niệm tin trên MXH và tin trên báo chí chính thống.
Với đánh giá là một kênh tiếp nhận và chia sẻ thông tin một cách hiệu quả trong thời đại công nghệ 4.0, MXH được dự báo sẽ tiếp tục bùng nổ không ngừng về mặt thông tin. Chính vì vậy để tránh những hệ lụy từ MXH xảy đến cho công chúng, chúng ta cần xây dựng thói quen hay văn hóa dùng tin một cách thông minh và có kiểm soát.
Cũng giống như rất nhiều quy định quy phạm pháp luật khác, vấn đề cốt lõi nằm ở chính bản thân mỗi người, ở đây là các nhà báo, phóng viên. Hơn bao giờ hết, bên cạnh việc không ngừng nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để bắt kịp xu thế, thì nhiệm vụ song hành đó là phải trau dồi đạo đức nghề nghiệp, ý thức nghiêm túc về trách nhiệm xã hội của bản thân. Ðể trở thành một nhà báo, phóng viên chân chính, thì trong giai đoạn hiện nay lại càng đòi hỏi ở mỗi người nhiều hơn, mà trước tiên bản thân mỗi người phải là những công dân gương mẫu, biết cách trân trọng chính ngòi bút và bạn đọc của mình.
Bùi Hằng