Ứng dụng công nghệ trong cảnh báo ngập lụt tại 8 quận nội thành Hà Nội
Dự án được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cơ quan dự báo KTTV Quốc gia một công cụ giám sát, cảnh báo, dự báo có độ tin cậy, hiệu quả, phục vụ công tác dự báo ngập úng đô thị Hà Nội nhanh chóng, kịp thời.
Mới đây, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia (Tổng cục KTTV - Bộ TN&MT) và Công ty HydroScan (Vương Quốc Bỉ) đã ký kết thỏa thuận hợp tác Dự án “Chuyển giao công nghệ FLOOD4CAST® ứng dụng cảnh báo ngập lụt cho khu vực nội thành Hà Nội”. Dự án này do Công ty HydroScan (Bỉ) là đơn vị được Chính phủ Bỉ giao nhiệm vụ thực hiện. Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia thuộc Tổng cục KTTV, Bộ TN&MT là đơn vị tiếp nhận và sử dụng sản phẩm của dự án.
Theo đó, dự án được triển khai với mục tiêu cảnh báo sớm ngập lụt do mưa lớn cho khu vực nội thành TP.Hà Nội, giảm thiểu tác động của ngập lụt đô thị do ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, quá trình đô thị hóa nhanh. Đặc biệt, nâng cao năng lực dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại để cảnh báo sớm, cảnh báo thời gian thực các thiên tai do mưa lũ gây ra.
Khu vực đề xuất thực hiện dự án gồm 12 quận của thành phố có tổng diện tích 306,64 km2, trong đó tập trung tại 8 quận nội thành gồm Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai với diện tích khoảng 120 km2, tổng dân số gần 2 triệu người. Bởi hiện nay, hệ thống tiêu thoát nước tại các khu vực này đã xây dựng từ lâu, tuy đã được cải tạo nhưng thực trạng ngập lụt khi xuất hiện mưa lớn vẫn xảy ra thường xuyên và nặng nề nhất.
Phát biểu tại Lễ ký kết, Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái nhấn mạnh, đây là sự kiện mở ra sự hợp tác quan trọng giữa Việt Nam và Vương quốc Bỉ trong lĩnh vực khí tượng thủy văn. Là một đơn vị được Chính phủ, Bộ TN&MT giao nhiệm vụ quan trọng trong việc quản lý, phát triển và cảnh báo thiên tai trong lĩnh vực khí tượng thủy văn ở Việt Nam, Tổng cục KTTV luôn cố gắng phát huy các mối quan hệ hợp tác quốc tế thông qua các hoạt động song phương và đa phương hướng tới mục tiêu chung giảm nhẹ rủi ro thiên tai, đảm bảo tính mạng và tài sản của nhân dân, củng cố an ninh quốc phòng, phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước.
Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu. Do tốc độ đô thị hóa nhanh và sự xuất hiện của mưa lớn với cường độ cao, ngập lụt đô thị sẽ thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại lớn cho cơ sở hạ tầng, cộng đồng và môi trường. Đây cũng là khó khăn không nhỏ trong công tác dự báo, cảnh báo của ngành KTTV hiện nay.
Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, ngập lụt đô thị là loại hình thiên tai xuất hiện ngày càng phổ biến ở các đô thị Việt Nam. Tốc độ đô thị hóa nhanh cùng với cường độ mưa lớn xảy ra đã gây ra ngập lụt đô thị thường xuyên hơn, gây thiệt hại lớn hơn cho cơ sở hạ tầng, cộng đồng và môi trường.
Hà Nội nằm ở trung tâm của Đồng bằng sông Hồng, là nơi thường xuyên hứng chịu nhiều đợt ngập lụt gây thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng. Ngập lụt khi mưa lớn đã xuất hiện ở Hà Nội từ nhiều năm nay với tần suất và cường độ ngày càng nhiều, tình trạng ngập lụt khi có mưa ngày càng trầm trọng hơn. Do đó, thiết lập một hệ thống cảnh báo và giám sát tình hình ngập lụt hiệu quả cho TP.Hà Nội mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm cảnh báo sớm, giảm thiểu thiệt hại do mưa, ngập lụt gây ra.
Ông Patrick Swartenbroekx, đơn vị chủ trì thực hiện dự án cho biết: “Flood4CastÒ được phát triển bởi công ty HydroScan, là một phần mềm hỗ trợ dự báo, cảnh báo chủ động quản lý lũ lụt trong môi trường đô thị. Các thuật toán thông minh của Flood4CastÒ được sử dụng cảnh báo rủi ro ngập lụt dựa trên lượng mưa theo thời gian thực và bản đồ lũ lụt hiện có. Công nghệ vận hành theo thời gian thực chuyển lượng mưa cực đoan thành các mức báo động, liên kết tình hình ngập lụt thực tế nhất với mức báo động đưa ra. Lượng mưa cũng được dự báo trước trong 3 giờ tới”.
Vì vậy, dự án được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cơ quan dự báo KTTV Quốc gia một công cụ giám sát, cảnh báo, dự báo có độ tin cậy, hiệu quả, phục vụ công tác dự báo ngập úng đô thị Hà Nội nhanh chóng, kịp thời. Khi dự án được thực hiện sẽ góp phần nâng cao năng lực đối phó với những rủi ro liên quan đến thiên tai do thời tiết cũng như khí hậu, nâng cao năng lực quản lý nước thông minh. Đặc biệt trong giai đoạn nước ta đang đẩy mạnh hiện đại hóa công tác khí tượng thủy văn nhằm cung cấp thông tin, cảnh báo sớm cho cộng đồng vì lợi ích chung của xã hội.
Cải thiện cảnh báo khí hậu sẽ có thể cứu sống hàng nghìn người
Theo ước tính của Liên Hợp Quốc có khoảng 23.000 người được cứu sống mỗi năm nếu công tác dự báo thời tiết, hệ thống cảnh báo sớm và thông tin về khí hậu được cải thiện.
Việc đầu tư vào các hệ thống cảnh báo sớm và dự báo thời tiết chính xác có thể tránh được những thiệt hại và cải thiện hiệu quả kinh tế ở những lĩnh vực dễ bị tổn thương do thời tiết, đồng thời cũng có thể giúp tăng cường khả năng ứng phó dài hạn với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, việc đầu tư vào các chương trình cảnh báo sớm có thể mang lại lợi ích tiềm năng lên tới ít nhất 162 tỉ USD mỗi năm, gấp 10 lần chi phí đầu tư.
Theo Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas, trong bối cảnh thế giới khó có thể đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính để ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của tình trạng biến đổi khí hậu và hạn chế sự tăng nhiệt độ của Trái Đất ở mức 1,5 độ C theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, những hệ thống cảnh báo sớm về thời tiết và khí hậu dựa trên cơ sở khoa học là nền tảng cho các biện pháp thích ứng hiệu quả.
Lan Anh (T/h)