Thứ năm, 21/11/2024 19:27 (GMT+7)
Thứ tư, 10/07/2019 10:57 (GMT+7)

Ứng dụng bệnh án điện tử trong khám, chữa bệnh còn nhiều bất cập

Theo dõi KTMT trên

Theo Thông tư 46/2018/TT-BYT quy định về hồ sơ bệnh án điện tử, từ ngày 1/3/2019, các cơ sở y tế sẽ sử dụng bệnh án điện tử thay cho sổ khám bệnh như trước kia. Tuy nhiên, việc triển khai bệnh án điện tử trong thực tế vẫn còn nhiều khó khăn và lúng túng.

Triển khai bệnh án điện tử còn nhiều khó khăn

Thông tư 46/2018/TT-BYT quy định về hồ sơ bệnh án điện tử được Bộ Y tế xây dựng, nhằm phục vụ công việc chăm sóc sức khỏe cho người dân tốt hơn. Theo đó, từ ngày 1/3/2019, các cơ sở y tế sẽ sử dụng bệnh án điện tử thay cho sổ khám bệnh như trước kia và triển khai đến tất cả các cơ sở khám - chữa bệnh thuộc Bộ Y tế.

Ứng dụng bệnh án điện tử trong khám, chữa bệnh còn nhiều bất cập - Ảnh 1
PGS.TS. Trần Quý Tường - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin phát biểu tại Hội thảo về Giải pháp ứng dụng chữ ký số, chữ ký điện tử tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Mỗi người bệnh chỉ có một mã số quản lý, lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử tại một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Hồ sơ này phải ghi nhận toàn bộ nội dung thông tin như hồ sơ bệnh án giấy; phải có chữ ký số của người chịu trách nhiệm nội dung thông tin được nhập vào hồ sơ bệnh án điện tử.

Cũng theo Thông tư 46, hồ sơ bệnh án điện tử phải tuân thủ việc bảo vệ thông tin cá nhân theo quy định tại Mục 2, Chương II Luật An toàn thông tin mạng. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép sử dụng, lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử thay cho hồ sơ bệnh án giấy khi đáp ứng các quy định tại Thông tư này.

Việc đảm bảo bí mật thông tin của bệnh nhân khi thực hiện bệnh án điện tử là vô cùng quan trọng. Bởi hồ sơ bệnh án là 1 trong những tài liệu lưu trong Dữ liệu mật. Vì vậy, việc sử dụng, khai thác hồ sơ bệnh án điện tử phải được thực hiện theo quy định của Luật khám chữa bệnh.

Cần có quy định rõ là ai được mở và mở đến đâu, do đảm bảo bí mật cho người bệnh là một trong những lời thề của người thầy thuốc.

Đến thời điểm này, mới có 14 cơ sở y tế trên cả nước bắt đầu triển khai hồ sơ bệnh án điện tử theo Thông tư 46. Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai vẫn còn nhiều khó khăn, hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh vẫn còn lúng túng.

Hạn chế trong ứng dụng chữ ký số, chữ ký điện tử

Hiện nay, chi phí cho phần mềm quản lý bệnh viện, phần cứng cơ sở hạ tầng của công nghệ thông tin khá tốn kém. Đồng thời, với việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, việc đầu tư chữ ký số của người bệnh và bác sĩ thay cho chữ ký tươi trước đây không hề dễ dàng, bởi giá của một chữ ký điện tử khá đắt. Trong khi đó, Bộ Y tế vẫn chưa đưa giá công nghệ thông tin vào giá dịch vụ y tế hiện tại, gây khó khăn cho các cơ sở khám chữa bệnh.

Ông Nguyễn Quốc Hùng – Giám đốc Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh cho biết, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đã sử dụng bệnh án điện tử được 2 năm. Theo ông, nếu in bệnh án ra giấy thì sẽ tốn kém rất nhiều về vật chất, mực in làm ảnh hưởng đến môi trường và nhà kho để đựng bệnh án.

Theo PGS.TS Trần Quý Tường - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 46 quy định về hồ sơ bệnh án điện tử rất rõ. Do vậy, Cục Công nghệ thông tin rất muốn đẩy mạnh triển khai chữ ký số và mong rằng chữ ký số không phải là rào cản để triển khai bệnh án điện tử.

Về cơ sở pháp lý chữ ký số có quy định của luật pháp, không có vướng mắc, chữ ký số có giá trị như chữ ký tươi. Bảo đảm tính an toàn thông tin và tính chính xác tốt hơn chữ ký tươi. Về kỹ thuật các đơn vị cung cấp chữ ký số đều khẳng định không vướng mắc gì.

Trong thời gian triển khai chữ ký số có những khó khăn cũng như thuận lợi. Thuận lợi lớn nhất là các đơn vị cấp chữ ký số rất nhiệt tình. Khó khăn lớn là ở hiểu biết về chữ ký số của các cấp còn hạn chế. Sự đồng thuận chưa cao giữa các cơ quan.

Để giải quyết những khó khăn còn tồn tại Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin đề xuất: Bộ Y tế sẽ dự thảo công văn gửi cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế triển khai Thông tư 46, trong đó có nội dung chính là sử dụng bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy. Để triển khai, Cục sẽ có văn bản gửi cho các bệnh viện trực thuộc Bộ và 63 sở y tế giới thiệu về 12 doanh nghiệp cung cấp chữ ký số cho các bệnh viện biết.

Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt còn nhiều bất cập

PGS.TS. Trần Quý Tường khẳng định, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong thanh toán viện phí không dùng tiền mặt là rất cần thiết và có ý nghĩa, góp phần cung cấp các dịch vụ y tế có chất lượng đến gần người dân hơn.

Tuy nhiên, về phía bệnh viện khi sử dụng dịch vụ của các ngân hàng trong thanh toán đều cho rằng, khi triển khai thanh toán viện phí không tiền mặt cùng gặp phải vấn đề về phí ngân hàng quá cao, có ngân hàng thu phí lên tới 3%. Ngoài ra, mỗi phát sinh trong quá trình thanh toán qua thẻ như tạm ứng trước tiền viện phí; hoàn lại tiền thừa cho bệnh nhân … đều phải trả phí.

Đại diện Bệnh viện ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh khi đặt ra vấn đề, khi bệnh nhân đặt khám online nhưng không đến khám thì phải hoàn lại tiền khám cho người đăng ký, vậy phí chuyển khoản bên nào phải chịu.

Các ngân hàng cũng khẳng định việc thực hiện thanh toán viện phí không dùng tiền mặt cần phải có lộ trình do hiện tại các ngân hàng đều có quy trình thanh toán điện tử khác nhau. Trong khi đó, dữ liệu của mỗi cơ sở khám, chữa bệnh cũng không đồng nhất nên triển khai thanh toán tại mỗi đơn vị bắt buộc phải xây dựng lại cơ sở dữ liệu mới từ đầu.

Ngày 28/12/2018, Bộ Y tế ban hành Thông tư 46/2018/TT-BYT về việc quy định hồ sơ bệnh án điện tử.

Theo đó, cơ sở khám, chữa bệnh được phép sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử để lưu trữ thay cho hồ sơ giấy. Tuy nhiên, việc lưu trữ phải đáp ứng các yêu cầu sau: Phần mềm hồ sơ bệnh án điện tử đạt mức nâng cao theo quy định của pháp luật; Thiết bị lưu trữ có đủ dung lượng để lưu trữ hồ sơ; Hồ sơ được lưu trữ dự phòng tại 01 cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ lưu trữ dữ liệu đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông…

Mặt khác, hồ sơ bệnh án điện tử phải được cập nhật trong vòng 12 giờ kể từ khi có y lệnh khám bệnh, chữa bệnh. Trường hợp thời gian khám, chữa bệnh kéo dài quá 12 giờ hoặc có sự cố về công nghệ thông tin thì thời gian cập nhật hồ sơ bệnh án tối đa là 24 giờ. Ngoài ra, Thông tư còn quy định cụ thể về khai thác, sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử…

Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/03/2019.

Nguyễn Luận

Bạn đang đọc bài viết Ứng dụng bệnh án điện tử trong khám, chữa bệnh còn nhiều bất cập. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.