Thứ tư, 04/12/2024 15:28 (GMT+7)
Thứ ba, 27/07/2021 10:36 (GMT+7)

UNESCO công bố thêm bốn Di sản Thiên nhiên và ba Di sản Văn hóa mới

Theo dõi KTMT trên

Ủy ban Di sản Thế giới hôm 26/7 đã tiếp tục thêm bảy địa điểm vào danh sách Di sản Thế giới của UNESCO, với bốn di sản thiên nhiên và ba di sản văn hóa. Phiên họp lần thứ 44 của Ủy ban được tổ chức trực tuyến và chủ trì từ Phúc Châu (Trung Quốc).

Bốn Di sản Thiên nhiên mới bao gồm:

Nhật Bản: Đảo Amami-Oshima, Đảo Tokunoshima, phần phía bắc của đảo Okinawa, và đảo Iriomote

42.698 ha rừng mưa cận nhiệt đới trên bốn hòn đảo thuộc một chuỗi nằm ở phía Tây Nam của Nhật Bản, tạo thành một vòng cung trên ranh giới của Biển Hoa Đông và Biển Philippines. Điểm cao nhất là Núi Yuwandake trên Đảo Amami-Oshima, 694 m trên mực nước biển. Khu vực này hoàn toàn không có người sinh sống, có giá trị đa dạng sinh học cao với tỉ lệ các loài đặc hữu rất cao, nhiều loài trong số chúng bị đe dọa trên toàn cầu.

UNESCO công bố thêm bốn Di sản Thiên nhiên và ba Di sản Văn hóa mới - Ảnh 1
Các ngọn núi của Amami đóng vai trò là bối cảnh cho khu rừng ngập mặn rộng lớn của hòn đảo. (Ảnh: Nippon)

Đây là nơi sinh trưởng của các loài thực vật đặc hữu, động vật có vú, chim, bò sát, động vật lưỡng cư, cá nước nội địa và động vật giáp xác chân đầu. Năm loài động vật có vú, ba loài chim và ba loài lưỡng cư trong khu bảo tồn đã được xác định là các loài có nguy cơ tuyệt chủng và Nguy cấp Toàn cầu (EDGE).

UNESCO công bố thêm bốn Di sản Thiên nhiên và ba Di sản Văn hóa mới - Ảnh 2
Thường được gọi là hóa thạch sống, thỏ Amami là tàn tích sống của loài thỏ cổ đại từng sống trên lục địa châu Á. (Ảnh: alchetron)

Ngoài ra còn có một số loài đặc hữu khác nhau được giới hạn ở mỗi hòn đảo tương ứng mà không được tìm thấy ở những nơi khác, chẳng hạn như Thỏ Amami (Pentalagus furnessi) và Chuột khổng lồ đuôi dài Ryukyu (Diplothrix legata) không có họ hàng sống ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Hàn Quốc: Getbol - ​​Bãi bồi thủy triều của Hàn Quốc

Nằm ở phía Đông Hoàng Hải trên bờ biển phía Tây nam và phía Nam của Hàn Quốc, địa điểm này bao gồm 4 thành phần: Seocheon Getbol, ​​Gochang Getbol, ​​Shinan Getbol và Boseong-Suncheon Getbol. Nơi đây thể hiện sự kết hợp phức tạp của các điều kiện địa chất, hải văn và khí hậu, đã dẫn đến sự phát triển của các hệ thống trầm tích đa dạng ven biển. Mỗi thành phần đại diện cho một trong bốn kiểu phụ bãi triều (kiểu cửa sông, kiểu lộ thiên, kiểu quần đảo và kiểu nửa kín).

UNESCO công bố thêm bốn Di sản Thiên nhiên và ba Di sản Văn hóa mới - Ảnh 3
Hàng triệu loài thủy cầm sống phụ thuộc vào các bãi bồi thủy triều hay còn gọi là ‘getbol’ ở Hàn Quốc.

Khu vực này có mức độ đa dạng sinh học cao, với báo cáo về 2.150 loài động thực vật, bao gồm 22 loài bị đe dọa hoặc sắp bị đe dọa trên toàn cầu. Đây là nơi sinh sống của 47 loài động vật không xương sống biển đặc hữu và có nguy cơ tuyệt chủng bên cạnh tổng số 118 loài chim di cư mà khu vực này cung cấp các môi trường sống quan trọng.

Di sản Thế giới mới tại Hàn Quốc thể hiện mối liên hệ giữa đa dạng địa chất và đa dạng sinh học, đồng thời thể hiện sự phụ thuộc của đa dạng văn hóa và hoạt động của con người vào môi trường tự nhiên.

Thái Lan: Khu phức hợp rừng Kaeng Krachan (KKFC)

Nằm dọc theo dãy núi Tenasserim, một phần của sườn núi đá vôi và đá granit Bắc-Nam chạy dọc bán đảo Mã Lai, tọa lạc tại vị trí giao nhau giữa các thế giới động thực vật thuộc dãy Himalaya, Đông Dương và Sumatra, Kaeng Krachan là nơi có hệ sinh học đa dạng phong phú.

UNESCO công bố thêm bốn Di sản Thiên nhiên và ba Di sản Văn hóa mới - Ảnh 4
KKFC bao gồm một khu vực rộng lớn của các tỉnh Ratchaburi, Phetchaburi và Prachuap Kiri Khan của Thái Lan. (Ảnh: thaipbsworld)

Chủ yếu là rừng thường xanh mưa ẩm và nửa thường xanh khô/nửa rụng lá với một số kiểu rừng hỗn loài rụng lá, rừng trên núi và rừng khộp rụng lá.

UNESCO công bố thêm bốn Di sản Thiên nhiên và ba Di sản Văn hóa mới - Ảnh 5
Một số loài thực vật đặc hữu và có nguy cơ tuyệt chủng toàn cầu đã được báo cáo sinh trưởng trong khu bảo tồn, trong đó có tám loài chim nằm trong danh sách bị đe dọa toàn cầu. (Ảnh: thaipbsworld)

Kaeng Krachan cũng là nhà của Cá sấu Xiêm (Crocodylus siamensis) trong danh sách cực kỳ nguy cấp, Chó hoang châu Á (Cuon alpinus) đang bị đe dọa tuyệt chủng, bò Banteng (Bos javanicus), Voi châu Á (Elephants maximus), Rùa núi vàng (Indotestudo elongata) và loài có nguy cơ tuyệt chủng Rùa khổng lồ châu Á (Manouria emys), cũng như một số loài chim và động vật có vú dễ bị tổn thương khác. Đáng chú ý, đây cũng là nơi sinh sống của 8 loài họ mèo: hổ có nguy cơ tuyệt chủng Panthera tigris, Mèo cá (Prionailurus viverrinus), Báo hoa mai (Panthera pardus) sắp bị đe dọa, Beo vàng châu Á (Catopuma temminckii), Báo gấm/mây dễ bị tổn thương (Neofelis nebulosi), Mèo gấm/cẩm thạch (Pardofelis marmorata), Mèo rừng (Felis chaus) và Mèo báo (Prionailurus bengalensis).

Georgia: Rừng nhiệt đới và Đầm lầy Colchic

Dọc theo một hành lang dài 80 km bờ biển phía Đông, có khí hậu ôn đới ấm áp và cực kỳ ẩm ướt của Biển Đen, Rừng nhiệt đới và Đầm lầy Colchic cung cấp một loạt các hệ sinh thái điển hình nhất ở độ cao 2.500 m so với mực nước biển.

UNESCO công bố thêm bốn Di sản Thiên nhiên và ba Di sản Văn hóa mới - Ảnh 6
Lần đầu tiên trong lịch sử Georgia, một Khu bảo tồn của quốc gia này đã được xét là Di sản Thiên nhiên Thế giới của UNESCO. (Ảnh: Europarc)

Các hệ sinh thái chính là rừng mưa nhiệt đới rụng lá cổ đại và các vùng đất ngập nước, đầm lầy toan và các loại đầm lầy khác của khu vực đầm lầy Colchic. Các khu rừng nhiệt đới lá rộng cực kỳ ẩm ướt bao gồm một hệ động thực rất đa dạng, ghi nhận mật độ rất cao của các loài đặc hữu và sống phụ thuộc, với số lượng đáng kể các loài bị đe dọa toàn cầu và các loài sống sót qua các chu kỳ băng hà của kỷ Đệ Tam.

Khu vực này là nơi sinh sống của khoảng 1.100 loài thực vật có mạch và không có mạch, bao gồm 44 loài có mạch bị đe dọa, và gần 500 loài động vật có xương sống, cùng một số lượng lớn các loài động vật không xương sống. Nơi đây cũng là nhà của 19 loài động vật bị đe dọa. đặc biệt là loài Cá tầm Colchic cực kỳ nguy cấp. Đây là điểm dừng chân quan trọng của nhiều loài chim bị đe dọa trên toàn cầu di cư tới.

UNESCO công bố thêm bốn Di sản Thiên nhiên và ba Di sản Văn hóa mới - Ảnh 7
Đa dạng sinh học độc đáo, nhiều hệ sinh thái và cảnh quan với núi non hùng vĩ, đồi xanh và bãi đá, đó chính là Georgia - đất nước xinh đẹp đầy tương phản ở vùng Caucasus, nằm trên ngã tư chiến lược của châu Âu và châu Á. (Ảnh: Europarc)

Ba Di sản Văn hóa mới bao gồm:

Thổ Nhĩ Kỳ: Địa điểm Khảo cổ Arslantepe Mound

Arslantepe Mound là địa điểm khảo cổ học ở đồng bằng Malatya, 12 km về phía Tây Nam của sông Euphrates. Khu khảo cổ rộng 4 ha (40.000 m2) và cao 30 m cho thấy những thay đổi cơ bản trong quá trình hình thành nhà nước ở các xã hội Đông Anatolian và Lưỡng Hà.

UNESCO công bố thêm bốn Di sản Thiên nhiên và ba Di sản Văn hóa mới - Ảnh 8
Các hiện vật cho thấy Arslantepe từng là một trung tâm tôn giáo và văn hóa chính thức, nơi tầng lớp quý tộc sinh ra. (Ảnh: DailySabah)

Thời kỳ hưng thịnh và nổi bật nhất của khu vực là vào thời kỳ đồ đá cũ muộn, khu phức hợp cung điện được xây dựng trong giai đoạn này. Có nhiều bằng chứng đáng kể của thời kỳ Đồ đồng sớm, nổi bật nhất là quần thể Lăng mộ Hoàng gia. Địa tầng khảo cổ sau đó mở rộng đến thời kỳ Paleo-Assyrian và Hittite, bao gồm cả cấp độ Neo-Hittite.

UNESCO công bố thêm bốn Di sản Thiên nhiên và ba Di sản Văn hóa mới - Ảnh 9
Địa điểm khảo cổ Arslantepe ở tỉnh Malatya phía Đông Thổ Nhĩ Kỳ đã được ghi danh vào Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO, trở thành Di sản Thế giới thứ 19 của đất nước. (Ảnh: Dailysabah)

Các đồ vật và vũ khí kim loại đặc biệt đã được khai quật tại địa điểm khảo cổ, trong số đó có những thanh kiếm lâu đời nhất trên thế giới, cho thấy sự khởi đầu của các hình thức chiến đấu có tổ chức như đặc quyền của tầng lớp thượng lưu, những người đã trưng bày chúng như công cụ của quyền lực chính trị.

Hà Lan: phần mở rộng của Tuyến phòng thủ Amsterdam, được biết đến với tên Tuyến phòng thủ dưới nước của Hà Lan

Di sản Thế giới Tuyến phòng thủ Armterdam có phần mở rộng trải dài từ IJsselmeer (trước đây được gọi là Zuiderzee) tại Muiden đến cửa sông Biesbosch tại Werkendam, phần này được gọi là Tuyến phòng thủ dưới nước của Hà Lan.

UNESCO công bố thêm bốn Di sản Thiên nhiên và ba Di sản Văn hóa mới - Ảnh 10
Tuyến phòng thủ Armterdam được công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1996. (Ảnh: Numismag)

Năm nay, UNESCO đã bổ sung sự công nhận di sản dành cho Tuyến đường nước này. Phần mở rộng minh họa một hệ thống phòng thủ quân sự duy nhất, dựa trên các cánh đồng ngập nước, các công trình thủy lực, trên một loạt các công sự và đồn quân sự trải dài trên diện tích 85 km. Tuyến phòng thủ nước cũng bao gồm ba thành phần nhỏ hơn: Pháo đài Werk IV, Kênh ngập lụt Tiel và Pháo đài Pannerden gần biên giới Đức.

UNESCO công bố thêm bốn Di sản Thiên nhiên và ba Di sản Văn hóa mới - Ảnh 11
Tuyến phòng thủ lịch sử này được thiết kế để nhanh chóng làm tràn ngập những vùng đất rộng lớn nhằm ngăn chặn kẻ thù. (Ảnh: The heart of Holland)

Được xây dựng từ năm 1814 đến năm 1940, phần mở rộng này bổ sung cho Tuyến phòng thủ Armterdam, đây là ví dụ duy nhất về công sự dựa trên nguyên tắc kiểm soát vùng biển. Kể từ thế kỷ 16, người dân Hà Lan đã sử dụng kiến ​​thức chuyên môn của mình về kỹ thuật thủy lực cho mục đích quốc phòng. Trung tâm của đất nước được bảo vệ bởi một mạng lưới gồm 45 pháo đài có vũ trang và một hệ thống kênh rạch phức tạp.

Bỉ/Hà Lan: Thuộc địa của lòng nhân từ

Di sản xuyên quốc gia bao gồm bốn khu định cư và cảnh quan văn hóa, với một thuộc địa ở Bỉ và ba thuộc địa ở Hà Lan. Tất cả là thử nghiệm ở thế kỷ 19 trong cải cách xã hội, một nỗ lực nhằm xóa đói giảm nghèo ở thành thị bằng cách thiết lập các thuộc địa nông nghiệp ở những địa điểm xa xôi.

Được thành lập vào năm 1818, Frederiksoord (Hà Lan) là thuộc địa sớm nhất trong số những thuộc địa này và là nơi có trụ sở ban đầu của Hiệp hội Nhân từ, một hiệp hội nhằm xóa đói giảm nghèo ở cấp quốc gia.

UNESCO công bố thêm bốn Di sản Thiên nhiên và ba Di sản Văn hóa mới - Ảnh 12
Các thuộc địa được thành lập hoặc là 'tự do' - dành cho các gia đình nhận được tạo cơ hội điều hành các trang trại nhỏ, hoặc 'không tự do' - như trại dành cho những người lang thang và trẻ mồ côi. (Ảnh: Europa)

Tiếp sau đó, các thuộc địa Wilhelminaoord và Veenhuizen (Hà Lan) và Wortel (Bỉ) đã ra đời. Khi các trang trại nhỏ của các thuộc địa không mang lại đủ doanh thu, Hiệp hội Nhân từ đã tìm kiếm các nguồn thu khác, ký hợp đồng với Nhà nước để giải quyết vấn đề liên quan đến trẻ mồ côi, những người ăn xin và lang thang. Tuy nhiên, điều này dẫn đến việc tạo ra các thuộc địa “không tự do”, chẳng hạn như Veenhuizen, với các cấu trúc kiểu ký túc xá lớn và các trang trại tập trung lớn hơn, các lao động phải làm việc dưới sự giám sát của lính canh.

Các thuộc địa đều có khu dân cư, trang trại, nhà thờ và các cơ sở cộng đồng khác. Vào giữa thế kỷ 19, có đến hơn 11.000 người sống trong các thuộc địa như vậy ở Hà Lan. Ở Bỉ, con số của họ đạt đỉnh điểm là 6.000 người vào năm 1910.

Việc xem xét và công nhận các Di sản Thế giới mới của UNESCO dự kiến ​​sẽ tiếp tục đến hết ngày 28/7.

Quỳnh Hoa

Theo Tạp chí Ngày Nay

Bạn đang đọc bài viết UNESCO công bố thêm bốn Di sản Thiên nhiên và ba Di sản Văn hóa mới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới