Ùn tắc tại cửa khẩu: Điểm yếu là không theo tín hiệu, nhu cầu của thị trường
Chiều ngày 26/12, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến với các Bộ, ngành, địa phương về tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các tỉnh biên giới phía Bắc.
Theo thông tin, nguyên nhân chủ quan của tình trạng ùn ứ, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, điểm yếu cố hữu của sản xuất và xuất khẩu nông sản của ta là không theo tín hiệu, nhu cầu thị trường, chưa chú trọng thị trường trong nước với 100 triệu dân.
Bộ Công Thương đã báo cáo cho thấy, đến ngày 25/12/2021, Quảng Ninh còn 1.555 xe, Lạng Sơn 4.204 xe bị ùn tắc tại cửa khẩu, gây thiệt hại đáng kể cho doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt chủ yếu là là mặt hàng nông sản, trong đó có tới 80% là các sản phẩm dễ hư hỏng.
Sản xuất và xuất khẩu nông sản không theo tín hiệu thị trường
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết về nguyên nhân khách quan của tình trạng ùn ứ: “Thủ tục giao nhận thực hiện chặt chẽ hơn, lái xe Việt Nam không được vào nội địa Trung Quốc. Quy trình kiểm dịch cũng phức tạp hơn”.
Về nguyên nhân chủ quan, theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, đây là những điểm yếu cố hữu của sản xuất và xuất khẩu nông sản của ta trong thời gian qua. Đó là sản xuất nông nghiệp không theo tín hiệu, nhu cầu thị trường, xuất khẩu chủ yếu theo hình thức trao đổi cư dân (tiểu ngạch), không xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.
Mặt khác, các Bộ, địa phương biên giới liên tục có các khuyến cáo về tình hình ùn tắc tại các khu vực cửa khẩu nhưng các thương nhân vẫn tiếp tục đưa hàng lên cửa khẩu dẫn đến tình trạng ùn tắc ngày càng nghiêm trọng hơn.
Cùng với đó, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, các doanh nghiệp chưa chú trọng thị trường trong nước với 100 triệu dân. Mặc dù biết được tình trạng hàng hóa ùn ứ, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đưa hàng hóa lên biên giới.
Bộ đã chỉ đạo các cơ quan trực thuộc tăng cường năng lực tiêu thụ ở thị trường nội địa qua các kênh truyền thông như chợ, siêu thị và bằng cả thương mại điện tử.
Thực tế hiện nay, trong 1 ngày chỉ thông quan được 88 xe hàng hóa qua cả 2 cửa khẩu Hữu Nghị và Chi Ma, trong khi cửa khẩu Tân Thanh thì chưa mở trở lại. Trung bình 1 giờ chỉ thông quan được khoảng 8 xe. Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cho biết, 1 tháng nay áp lực rất lớn về bố trí chỗ đỗ phương tiện, ăn ở, sinh hoạt cho hàng vạn người.
Hình thành các “vùng xanh”, “luồng xanh” an toàn dịch bệnh tại khu vực biên giới
Đồng thời, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các Bộ: Ngoại giao, Công Thương, các cơ quan và địa phương biên giới làm việc, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các Bộ, ngành, địa phương của Trung Quốc để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thông quan hàng hóa của cả hai nước đang ùn tắc tại cửa khẩu, trong đó ưu tiên cho các hàng nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước và các xe hàng, container hiện đang ùn ứ.
Phó Thủ tướng đề nghị: “Ví dụ, cũng cửa khẩu đó trong một ngày thông quan 8 tiếng thì bây giờ có thể thông quan 12 tiếng được không?".
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng giao Chủ tịch UBND các địa phương có hàng hóa ùn tắc tại cửa khẩu thông báo rộng rãi cho các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân biết về tình hình thông quan, xác định rõ số lượng phương tiện có thể được vận tải hàng hóa lên cửa khẩu mỗi ngày và kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm không ùn tắc tại cửa khẩu.
Phó Thủ tướng nêu rõ, phấn đấu để giải phóng sớm nhất lượng xe ùn ứ ở các cửa khẩu thuộc tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn: “Trong thời gian này, các đồng chí được quyền thông báo gửi các địa phương, doanh nghiệp không đưa hàng hóa đến”.
Về lâu dài, Bộ Y tế, Hải quan, UBND các tỉnh, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để bàn bạc, hình thành các “vùng xanh”, “luồng xanh” an toàn dịch bệnh tại khu vực biên giới.
Bộ Y tế nghiên cứu ban hành các tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình để hình thành vùng xanh, luồng xanh, góp phần đẩy nhanh tốc độ lưu thông hàng hóa qua cửa khẩu một cách an toàn.
Các địa phương tổ chức các hội nghị với các doanh nghiệp để thông tin kịp thời cho doanh nghiệp, người dân biết để chủ động trong sản xuất, kinh doanh, như tổ chức tiêu thụ hàng hóa tại chỗ, có phương thức bảo quản, đóng gói tại chỗ cho tốt...
Đáng chú ý, các địa phương cần hướng dẫn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất theo hướng hàng hóa, gắn với thị trường, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn, quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa đưa đi xuất khẩu.
Bùi Hằng (T/h)