Tuyên Quang: Lý do nào khiến dự án Bệnh viện đa khoa Lâm Bình chậm tiến độ?
Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Lâm Bình đã có những thông tin chia sẻ về việc dự án BVĐK huyện Lâm bình chậm tiến độ.
Liên quan đến câu chuyện dự án bệnh viện đa khoa Lâm Bình chậm tiến độ, làm việc với Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường ngày 5/5/2023, ông Nguyễn Thành Trung - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Lâm Bình xác nhận có hiện trạng về một số tòa nhà xây xong nhưng chưa bàn giao đưa vào sử dụng tại dự án xây dựng BVĐK huyện Lâm Bình. Và việc chậm bàn giao đưa vào sử dụng là có nguyên nhân.
Trao đổi với PV, ông Trung cho biết: “BVĐK huyện Lâm Bình đã xây dựng gần xong, hoàn thiện đạt 95% công việc, tuy nhiên còn một số thiết bị chưa hoàn thiện như hệ thống phòng cháy, chữa cháy. Cho nên vẫn chưa bàn giao kịp với tiến độ đề ra”.
Cũng theo ông Trung: “Mới đây, UBND huyện Lâm Bình; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Lâm Bình cũng đã liên hệ lại với nhà thầu thi công dự án. Sáng ngày 5/5, Ban Quản lý dự án cũng liên hệ lại bên nhà thầu thi công, được biết chiều cùng ngày họ sẽ cho người lên rà soát công việc và tiếp tục thi công, sửa chữa hoàn thiện các hạng mục để có thể bàn giao dự án”.
Ngoài ra, ông Trung cho biết thêm về nguyên nhân dự án chậm tiến độ: “Những năm vừa qua do vướng phải dịch Covid-19, UBND huyện Lâm Bình làm khu cách ly tạm thời tại khu vực 3 tòa nhà chưa được bàn giao. Đây cũng là lý do chậm hoàn thiện các hạng mục xây dựng so với thời hạn tiến độ đã đề ra để có thể bàn giao cho phía bệnh viện”.
Thực tế, Việt Nam ta đã vững vàng vượt qua 2 năm (2020 - 2021), những đợt dịch tàn khốc bằng sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và sự đồng lòng của người dân, dịch Covid-19 đã không còn đáng ngại. Thế nhưng, tính đến thời điểm hiện tại (năm 2022 - 5/2023), người dân nơi đây tỏ vẻ khó hiểu khi dự án vẫn chỉ đưa 2 trong số 5 tòa nhà bệnh viện vào hoạt động, 3 tòa còn lại vẫn "dậm chân tại chỗ" khiến người dân bức xúc.
Liên quan đến vụ việc trên, trao đổi với Phóng viên, ngày 18/5, đại diện UBND huyện Lâm Bình cho biết: Sau khi có thông tin phản ánh, các sở, ban, ngành tỉnh Tuyên Quang đã lên làm việc, cũng như yêu cầu nhà thầu tiếp tục thi công và hoàn thiện trước ngày 30/6/2023.
Như đã thông tin về việc nhiều hạng mục công trình Bệnh viện đa khoa huyện Lâm Bình (BVĐK Lâm Bình) đã hoàn thiện nhiều năm nhưng chưa được đưa vào hoạt động, làm lãng phí, khiến hàng trăm tỷ đồng vốn đầu tư công không thể phát huy hiệu quả; nhiều cơ sở hạ tầng mới xây dựng có dấu hiệu xuống cấp, cũng như ảnh hưởng quyền lợi của người dân. Dư luận người dân không chỉ huyện Lâm Bình mà tỉnh Tuyên Quang đều tỏ ra bức xúc vì dự án chậm đưa vào sử dụng gây lãng phí, ảnh hưởng đến môi trường chung.
Qua tìm hiểu, dự án BVĐK huyện Lâm Bình được xây dựng tại xã Lăng Can, có quyết định phê duyệt chủ trương xây dựng đầu tư công trình từ năm 2013 với mục tiêu đầu tư xây dựng nhằm phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trong huyện và khu vực lân cần với quy mô đạt 100 giường bệnh nội trú.
Cụ thể, giai đoạn từ năm 2013 – 2015, xây dựng với quy mô 50 giường bệnh, ưu tiên xây dựng trước và đưa vào sử dụng các hạng mục công trình: Khoa khám bệnh, khoa gây mê phẫu thuật, hồi sức cấp cứu; nhà điều trị nội trú bệnh nhân các khoa (nội, ngoại, sản, nhi); khu xử lý nước thải y tế, chất thải rắn và các hạng mục phụ trợ.
Giai đoạn từ sau năm 2015 xây dựng tiếp 50 giường bệnh để thực hiện các kỹ thuật chuyên môn sâu, các chuyên khoa và hạng mục phụ trợ còn lại, mua sắm và lắp đặt hoàn chỉnh trang thiết bị y tế, thiết bị nội thất cho công trình theo quy chuẩn, tiêu chuẩn về y tế và xây dựng.
Ngoài ra, theo Quyết định số 594/QĐ-CT ngày 3/6/2013, về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình: Bệnh viện đa khoa huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. Dự án BVĐK Lâm Bình là loại công trình công cộng dự án nhóm B, được giao cho UBND huyện Lâm Bình làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư của dự án lên tới gần 165 tỷ đồng.
Trong đó, chi phí xây dựng, chi phí tư vấn đầu tư XD, chi phí đền bù – GPMB là: 115 tỷ VNĐ; Chi phí thiết bị, chi phí dự phòng, chi phí khác là: gần 50 tỷ VNĐ. Theo đó, nguồn vốn đầu tư là vốn hỗ trợ đầu tư y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện (Quyết định số 08/QĐ-UBND ngày 8/1/2013 của UBND tỉnh), với thời gian thực hiện đầu tư xây dựng từ năm 2013 đến năm 2019.
Quá thời gian nhưng dự án vẫn chưa hoàn thiện. Người dân huyện Lâm Bình cần một lời giải thích của các cơ quan quản lý nhà nước nơi đây.
Làm rõ trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra thất thoát, lãng phí
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.
Đoàn giám sát cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2022 và 9 tháng đầu năm 2023 làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu có liên quan và thực hiện các giải pháp khắc phục đối với 3.085 dự án sử dụng vốn nhà nước trong giai đoạn 2016-2021 có thất thoát, lãng phí; 74.378,7 ha đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật; 79.670 ha đất các công ty nông, lâm nghiệp đã có quyết định thu hồi nhưng chưa có phương án sử dụng; 305.043 ha đất các công ty nông, lâm nghiệp chưa có quyết định thu hồi.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về quy hoạch và Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030.
Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin!
Nhóm Phóng Viên