Thứ sáu, 19/04/2024 12:23 (GMT+7)
Thứ năm, 15/09/2022 06:50 (GMT+7)

Từ năm 2023, Thái Lan sẽ đánh thuế carbon hàng hóa

Theo dõi KTMT trên

Nhằm giúp Chính phủ hoàn thành mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050 và không phát thải ròng vào năm 2065, Thái Lan sẽ tiến hành việc thực thi thu thuế carbon bắt đầu vào năm 2023.

Cục Thuế Thái Lan đang nghiên cứu các biện pháp để đánh thuế carbon đối với hàng hóa và dịch vụ thải ra lượng lớn khí carbon trong bối cảnh một số quốc gia khác đã bắt đầu áp dụng việc thu thuế này.

Dự kiến, việc thực thi thu thuế carbon tại Thái Lan sẽ bắt đầu vào năm 2023, nhằm góp phần giúp Chính phủ Thái Lan hoàn thành mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050 và không phát thải ròng vào năm 2065.

Theo đó, việc nghiên cứu ban hành thuế carbon được tiến hành giữa bối cảnh xu đột Ukraine - Nga khiến giá năng lượng tăng, xu hướng kỹ thuật số, dân số già và biến đổi khí hậu. Cục Thuế Thái Lan đang tiến hành nghiên cứu các biện pháp thuế hỗ trợ sản xuất nhựa sinh học, nhiên liệu phản lực sinh học và pin thân thiện với môi trường. Cục Thuế Thái Lan cũng nghiên cứu mô hình ESG giúp phát triển kinh tế qua các biện pháp thuế hỗ trợ chương trình ESG.

Từ năm 2023, Thái Lan sẽ đánh thuế carbon hàng hóa - Ảnh 1
Việc thực thi thu thuế carbon tại Thái Lan sẽ bắt đầu vào năm 2023.

Được biết, quốc gia này đang nghiên cứu 2 phương pháp thu thuế là thu trên hàng hóa hoặc thu thuế quá trình sản xuất tại các nhà máy. Đối với lựa chọn đầu tiên, thuế sẽ thay đổi tùy theo lượng carbon thải ra trong quá trình sản xuất hàng hóa.

Đối với phương án thứ hai, Cục Thuế sẽ thu thuế carbon trong chu trình sản xuất từ giai đoạn bắt đầu cho đến khi kết thúc, nhưng sẽ phải tham khảo ý kiến của Tổ chức Quản lý khí thải gây hiệu ứng nhà kính Thái Lan về phương thức thu và mức thuế.

Động thái của Cục Thuế Thái Lan xuất phát từ việc các nước Liên minh châu Âu (EU) sẽ thu thuế carbon với một số mặt hàng mà quy trình sản xuất sản sinh ra lượng khí thải carbon cao, gồm: Xi măng, sắt và thép, nhôm, phân bón, điện.

Cơ quan thuế Thái Lan cho biết nếu không thu thuế carbon đối với những loại hàng hóa nêu trên, các doanh nghiệp Thái Lan sẽ phải nộp thuế tại các nước EU nếu xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này.

Còn nếu có phương án thu thuế carbon ở trong nước, Thái Lan sẽ đàm phán với EU để miễn thuế carbon cho các sản phẩm xuất khẩu nhằm giúp các doanh nghiệp của mình không bị đánh thuế 2 lần.

Liên quan tới vấn đề này, tại EU, ngày 14/7/2022, Ủy ban châu Âu đã trình đề xuất lập pháp về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) sau khi Nghị viện châu Âu bỏ phiếu thông qua cơ chế này vào tháng 3/2021.

Cơ chế nói trên của EU ban đầu sẽ áp dụng đối với nhập khẩu hàng hóa gồm: Xi măng, sắt và thép, nhôm, phân bón, điện. Đây là những ngành, lĩnh vực được cho là có lượng khí thải carbon cao, chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của EU.

Theo kế hoạch, từ năm 2026, EU sẽ áp thuế phát thải carbon với các mặt hàng nói trên. Công nghệ hiện nay đã cho phép xác định khá chính xác việc sản xuất một sản phẩm sẽ thải ra bao nhiêu lượng khí CO2.

Trước đó, EU – nền kinh tế đi đầu về các nỗ lực giảm phát thải, đã công bố một kế hoạch thuế quan carbon vào tháng 7/2021. Theo đó, các nhà sản xuất ngoại khối sẽ bị áp một mức phí tương tự các công ty nội khối, dựa trên hàm lượng carbon trong các sản phẩm được bán tại thị trường châu Âu. Các điều chỉnh ban đầu sẽ áp dụng cho bốn lĩnh vực gây ô nhiễm nặng là thép, nhôm, xi măng và phân bón.

Chính phủ Anh, Nhật Bản và Canada cũng đã bắt đầu nghiên cứu các kế hoạch tương tự. Tại Mỹ, hơn 10 dự luật đã được đề xuất trước Quốc hội kể từ năm 2015, bởi các nghị sĩ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Các dự luật này bao gồm việc áp các loại thuế quan carbon, chủ yếu nhằm vào các sản phẩm mà thị trường nội địa có sản xuất.

Bên cạnh đó, thuế quan carbon cũng có thể thu hút sự chú ý của các nhà lập pháp như một cách để giảm bớt các mối đe dọa kinh tế và an ninh từ Trung Quốc, quốc gia phát thải carbon lớn nhất thế giới. Thỏa thuận mới đạt được giữa Mỹ và EU là một phần của nỗ lực hạn chế tình trạng dư thừa thép và nhôm trên toàn cầu, mà các quan chức Mỹ cho rằng phần lớn bắt nguồn từ Trung Quốc. 

Ngày 11/3.2021, Nghị viện EU đã bỏ phiếu thông qua Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), theo đó sẽ đánh thuế đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia không có cơ chế định giá carbon.

Việt Nam dù không nằm trong danh sách top 5 quốc gia xuất khẩu nhiều nhất các mặt hàng trong một số lĩnh vực bị xem xét của EU, nhưng EU đang là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam.

Ngày 7/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/ND-CP về “Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone” nhằm giảm khoảng 564 triệu tấn CO2 vào năm 2030. Nghị định này đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu chuyển đổi công nghệ để giảm thải khí carbon trong quá trình sản xuất. Từ đó, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam vào EU sẽ chịu mức thuế biên giới carbon thấp hơn hoặc không bị áp dụng thuế biên giới carbon khi các tiêu chuẩn về xả thải carbon trong quá trình sản xuất tuân theo tiêu chuẩn của EU.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Từ năm 2023, Thái Lan sẽ đánh thuế carbon hàng hóa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Huy động thêm 400 người tham gia chữa cháy rừng tại Cà Mau
Tỉnh Cà Mau đã huy động thêm 400 người tham gia cháy rừng tại Nông trường 402, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Đến khoảng gần 3 giờ ngày 11/4, đám cháy cơ bản được khống chế, không để xảy ra cháy lan ra khu vực lân cận.

Tin mới

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .