Thứ sáu, 29/03/2024 15:18 (GMT+7)
Chủ nhật, 16/01/2022 14:03 (GMT+7)

Từ 20/1, nhà máy điện rác lớn thứ 2 thế giới chính thức đốt rác phát điện

Theo dõi KTMT trên

Sau khi hoàn thiện, tổng công suất tiếp nhận, xử lý rác thải của Nhà máy Điện rác Sóc Sơn là 5.000 tấn/ngày. Dự án được kỳ vọng giảm ô nhiễm, giảm ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu vực.

UBND thành phố Hà Nội vừa có Quyết định số 163/QĐ-UBND chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Nhà máy Điện rác Sóc Sơn tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn).

Theo quyết định này, từ ngày 20/1, lò đốt rác số 3 Nhà máy Điện rác Sóc Sơn sẽ chính thức vận hành, với công suất 800 tấn rác/ngày, công suất phát điện 15 MW. Sau khi hoàn thiện cả 3 giai đoạn, tổng công suất tiếp nhận, xử lý rác thải của Nhà máy Điện rác Sóc Sơn là 5.000 tấn/ngày.

Tiến độ dự án sẽ được chia thành ba giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1, ngày 20/1 vận hành lò đốt số 3 với công suất 800 tấn/ngày; rác tiếp nhận vào nhà máy 1.000 tấn/ngày. Tổ máy số 2 phát điện công suất 15 MW.

Từ 20/1, nhà máy điện rác lớn thứ 2 thế giới chính thức đốt rác phát điện - Ảnh 1
Từ ngày 20/1, Nhà máy Điện rác Sóc Sơn chính thức đốt rác phát điện. (Ảnh: Báo Dân trí)

Giai đoạn 2, ngày 20/2, lò đốt số 2, số 4 sẽ chính thức đốt rác với công suất 800 tấn/lò/ngày; khối lượng rác tiếp nhận vào nhà máy là 3.000 tấn/ngày. Tổ máy số 1 phát điện. Công suất phát của cả 2 tổ máy (1 và 2) là 45 MW.

Giai đoạn 3, ngày 25.3, lò đốt số 1, số 5 sẽ chính thức đốt rác với công suất 800 tấn/lò/ngày; khối lượng rác tiếp nhận vào nhà máy là 5.000 tấn/ngày. Tổ máy số 3 phát điện. Tổng công suất phát điện của 3 tổ máy (1, 2, 3) là 75 MW.

Theo báo cáo của chủ đầu tư Nhà máy Điện rác Sóc Sơn - Công ty Cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội, dự án Nhà máy Điện rác Sóc Sơn đã được Cục Giám định xây dựng (Bộ Xây dựng) kiểm tra, nghiệm thu lần 2 vào tháng 4/2021. Chủ đầu tư đã báo cáo Cục Giám định xây dựng về việc nhà máy sẽ vận hành ba giai đoạn và xin phép chia dự án theo giai đoạn để tiến hành kiểm tra, nghiệm thu. Công tác kiểm tra, nghiệm thu dự án lần thứ ba dự kiến vào ngày 17/1/2022. Chủ đầu tư đã hoàn thành việc lập đề án xả thải và đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép xả thải theo quy định.

Đối với nghiệm thu, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, ngày 8-10-2021, đơn vị đã nhận được Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại. Công ty cũng đã hoàn thành việc lập đề án xả thải và đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép xả thải theo quy định.

Ngày 29/12/2021, công ty cũng đã nộp lại hồ sơ kế hoạch vận hành thử nghiệm các hạng mục môi trường (giai đoạn 1) theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.

Đối với nghiệm thu các hạng mục về điện, chủ đầu tư đã hoàn thiện hồ sơ xin nghiệm thu điểm đấu nối, trạm biến áp gửi Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Bắc và Công ty Truyền tải điện 1.

Nhà máy Điện rác Sóc Sơn có công suất xử lý 4.000 tấn rác thải/ngày - đêm. Cho đến thời điểm này, nhà máy đã bị chậm tiến độ hơn 2 năm so với kế hoạch ban đầu. Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, theo các lần điều chỉnh chủ trương đầu tư, tiến độ hoàn thành dự án thay đổi từ thời điểm tháng 9/2019 đến tháng 10/2021 (25 tháng) và đang tiếp tục trượt tiến độ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đồng tình với nhận định Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ tài nguyên - môi trường Việt Nam cho rằng, đã đến lúc cần phải thay đổi tư duy trong xử lý rác thải. Phải biến rác thải thành tiền, rác phải dùng được, bán được, rác không còn là rác thải bỏ đi.

Đốt rác phát điện theo đánh giá của các chuyên gia đang là công nghệ tối ưu trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay. Công nghệ này được sử dụng rộng rãi tại nhiều nước phát triển như khối các nước châu Âu, Nhật Bản... Việc xử lý rác thải bằng phương pháp đốt kết hợp với thu hồi năng lượng (gọi là điện rác) đạt hiệu quả cao trên thế giới nhưng lại rất thấp ở Việt Nam.

Theo Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, sẽ nâng tỉ lệ xử lý chất thải cho mục đích năng lượng từ mức không đáng kể hiện nay lên 30% vào năm 2030, khoảng 70% vào năm 2030 và hầu hết được tận dụng cho mục đích năng lượng vào năm 2050.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Từ 20/1, nhà máy điện rác lớn thứ 2 thế giới chính thức đốt rác phát điện. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Còn ai dám... ‘úp mặt’ vào sông quê!
Xin mượn lời bài hát “khúc hát sông quê” của nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo để mở đầu cho bài viết này: “Con cá dưới sông, cây trồng trên bãi… Bầy trẻ thơ tắm mát phía thượng nguồn, một dòng xanh trong chảy mãi tới vô cùng”…

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.