Thứ ba, 16/04/2024 16:05 (GMT+7)
Chủ nhật, 25/07/2021 15:16 (GMT+7)

TP HCM: Tháo gỡ khó khăn thủ tục hành chính cho điện rác

Theo dõi KTMT trên

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình chỉ đạo các Sở, ngành rà soát tiến trình thực hiện các chỉ tiêu đốt rác phát điện mà thành phố đã đặt ra trước đó.

Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình yêu cầu Giám đốc Sở KH&ĐT giải quyết dứt điểm thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án của Công ty cổ phần Vietstar theo đúng quy định hiện hành và hoàn tất trước ngày 30/7/2021. Trường hợp chậm trễ, Giám đốc Sở KH&ĐT chịu trách nhiệm trước UBND TP.HCM.

UBND TP. HCM giao Sở TN&MT  khẩn trương tổ chức làm việc, trao đổi với các chủ đầu tư có nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt để thống nhất về phương thức mở rộng quy mô, công suất đốt rác phát điện và các công nghệ xử lý hiện đại khác của các nhà máy hiện hữu. Đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại TP.HCM được xử lý bằng công nghệ hiện đại.

Đồng thời, Sở TN&MT được giao chủ trì, phối hợp Sở KH&ĐT, Sở Tài chính, Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan khẩn trương đề xuất phương thức cung cấp dịch vụ sự nghiệp công đối với các nhà máy xử lý rác hiện hữu trên địa bàn thành phố khi mở rộng quy mô, công suất xử lý bằng công nghệ mới hiện đại theo đúng quy định hiện hành và phù hợp với điều kiện thực tế tại thành phố.

TP HCM: Tháo gỡ khó khăn thủ tục hành chính cho điện rác - Ảnh 1
Công nghệ xử lý rác hiện nay tại TP. HCM được cho là lạc hậu, và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường.

Ngoài ra, UBND TP.HCM còn giao Sở TN&MT  tổ chức làm việc với các nhà đầu tư quan tâm, có năng lực và kinh nghiệm phù hợp để chủ động tổ chức thực hiện công tác lập đề xuất kêu gọi đầu tư 2 dự án xử lý rác bằng công nghệ đốt rác phát điện và dự án cải tạo xử lý các bãi chôn lấp theo hình thức đối tác công tư PPP; Đề xuất UBND TP.HCM xem xét, quyết định trước 15/8/2021.

Trước đó, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã thực hiện loạt bài viết “Nan giải công nghệ điện rác ở TP.HCM” liên quan đến việc các dự án nhà máy đốt rác phát điện khởi công rồi “đắp chiếu” nằm chờ. Từ đó, gây ra nhiều hệ lụy tác động xấu tới môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân và kìm hãm sự phát triển kinh tế của thành phố.

Cụ thể, năm 2017, HĐND TP.HCM ban hành Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐND đặt chỉ tiêu đến năm 2020, tỉ lệ lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh tối đa là 50%, đến năm 2025 tối đa là 20%.

Tiếp đó Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI đã thông qua chỉ tiêu, đến năm 2025, tỉ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại (đốt phát điện) và tái chế đạt ít nhất 80% (hướng tới 2030: 100%).

Để đạt được những chỉ tiêu đã đề ra, UBND TP.HCM kêu gọi và yêu cầu các đơn vị xử lý rác hiện hữu trên địa bàn để thực hiện việc chuyển đổi trong công nghệ xử lý rác. Đồng thời, UBND TP.HCM đã giao nhiệm vụ cho 6 đơn vị, gồm: Sở KH&ĐT thẩm định hồ sơ xin chủ trương điều chỉnh đầu tư của các dự án chuyển đổi công nghệ. Sở Xây dựng, Sở QH&KT, Sở TN&MT, Sở KH&CN, Sở Công Thương có trách nhiệm hướng dẫn giải quyết các thủ tục hành chính cho các dự án chuyển đổi trên.

Tiếp đó, năm 2019, TP.HCM đã chấp thuận và đã khởi công 3 dự án: Nhà máy xử chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt rác phát điện 2.000 tấn/ngày của Công ty cổ phần Vietstar; Nhà máy Công nghệ đốt rác phát điện 2.000 tấn/ngày của Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa; Cụm nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt 500 tấn/ngày, chất thải công nghiệp 500 tấn/ngày, chất thải nguy hại 120 tấn/ngày của Công ty cổ phần Môi trường Tasco Củ Chi. Các nhà máy này đều dự kiến sẽ vận hành vào cuối năm 2020, hứa hẹn giải quyết đáng kể lượng rác phải chôn lấp.

Tuy nhiên, sau gần 2 năm khởi công, hầu hết những dự án nhà máy đốt rác phát điện này vẫn chưa thể hoàn thiện và đi vào hoạt động theo đúng kế hoạch. Bởi sau khi khởi công, những đơn vị này lại gặp nhiều vướng mắc trong việc hoàn tất các thủ tục pháp lý để có thể tiến hành xây dựng nhà máy. Đến nay, hầu hết những khó khăn chưa được gỡ bỏ và các dự án đầy kỳ vọng này vẫn chưa được tái khởi động, chỉ có thể “nằm đắp chiếu” để chờ đợi.

Một số chuyên gia ngành môi trường cho rằng, trước khi triển khai thực hiện các dự án cần phải có những nghiên cứu đánh giá cụ thể để làm rõ đặc điểm của rác, khối lượng rác… phải tính đủ, tính đúng và không phải chỗ đất trống nào cũng có thể làm dự án, cũng có thể làm bãi chôn lấp.

Trong vấn đề đánh giá tác động môi trường cần quan tâm, coi trọng hơn đến khâu tham vấn ý kiến cộng đồng và dành nguồn kinh phí nhất định cho việc nghiên cứu, đánh giá bước đầu về tính khả thi của dự án.

Đồng thời, để đạt được những mục tiêu đặt ra, TP.HCM cần phải, áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp quản lý, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, phải công khai, minh bạch và nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Quan trọng hơn hết là UBND TP.HCM, các sở ban ngành địa phương phải vào cuộc thực sự quyết liệt.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết TP HCM: Tháo gỡ khó khăn thủ tục hành chính cho điện rác. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Huy động thêm 400 người tham gia chữa cháy rừng tại Cà Mau
Tỉnh Cà Mau đã huy động thêm 400 người tham gia cháy rừng tại Nông trường 402, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Đến khoảng gần 3 giờ ngày 11/4, đám cháy cơ bản được khống chế, không để xảy ra cháy lan ra khu vực lân cận.

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023