Thứ năm, 02/05/2024 13:53 (GMT+7)
Thứ bảy, 31/08/2019 15:36 (GMT+7)

Từ 1/9: Quán karaoke không được hoạt động quá 12 giờ đêm, nhân viên phải đeo biển tên

Theo dõi KTMT trên

Quán karaoke không được hoạt động quá 12 giờ đêm, nhân viên quán karaoke phải đeo biển tên, cho thuê xe công bị phạt tiền, đăng kí doanh nghiệp qua mạng được miễn phí, điều kiện chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 9.

Quán karaoke không được hoạt động quá 12 giờ đêm, nhân viên phải đeo biển tên

Theo Nghị định 54/2019/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường có hiệu lực từ ngày 1/9/2019, doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh karaoke chỉ được hoạt động đến 0 giờ, vũ trường được hoạt động đến 2 giờ sáng. Cả hai dịch vụ này đều không được mở cửa trước 8 giờ sáng. Các cơ sở này không được đặt chốt cửa bên trong phòng hoặc thiết bị báo động (trừ thiết bị báo cháy nổ).

Từ 1/9: Quán karaoke không được hoạt động quá 12 giờ đêm, nhân viên phải đeo biển tên - Ảnh 1
Quán karaoke không được hoạt động sau 12h đêm. Ảnh minh họa.

Về diện tích sử dụng, đối với phòng hát tại cơ sở kinh doanh karaoke phải đạt từ 20m2 trở lên, còn phòng vũ trường phải rộng ít nhất 80m2, cả hai đều chưa bao gồm công trình phụ. Riêng vũ trường phải cách xa trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, lịch sử trên 200m.

Cũng theo quy định tại nghị định này, vũ trường không được phục vụ người dưới 18 tuổi. Các nhân viên phục vụ tại quán hát, chủ cơ sở phải cung cấp trang phục, biển tên cho họ.

Như vậy, so với hiện hành thì quy định mới đã bỏ luôn trường hợp cho phép phòng karaoke trong các cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng từ 4 sao trở lên hoặc hạng cao cấp được hoạt động sau 12h đêm nhưng không quá 2h sáng.

Xây dựng chuồng trại chăn nuôi trái phép bị phạt đến 10 triệu đồng

Ngày 9/9/2019, Nghị định 65/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 104/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; bảo vệ công trình thủy lợi có hiệu lực.

Nghị định này quy định một số mức phạt với người vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi như sau:

- Làm lều, quán, tường; xây dựng công trình tạm trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi: Phạt 100.000 - 300.000 đồng;

- Xây dựng lò gạch, lò vôi, chuồng trại để chăn nuôi gia súc, gia cầm trái phép: Phạt 5 - 10 triệu đồng (trước đây chỉ phạt 3 - 5 triệu đồng);

- Xây nhà ở, công trình phụ, cầu… và các công trình kiên cố khác trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự: Phạt 30 - 50 triệu đồng.

Tự ý cho thuê xe ô tô công bị phạt đến 20 triệu đồng

Theo Nghị định 63/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có hiệu lự từ ngày 01/9/2019 nêu rõ, trường hợp cho thuê trụ sở làm việc, ô tô công khi không có quyết định phê duyệt sẽ bị xử phạt từ 15 - 20 triệu đồng.

Từ 1/9: Quán karaoke không được hoạt động quá 12 giờ đêm, nhân viên phải đeo biển tên - Ảnh 2
Tự ý cho thuê xe ô tô công, phạt đến 20 triệu đồng. Ảnh minh họa.

Trường hợp tự ý bán thanh lý xe ô tô khi dự án kết thúc, chưa có quyết định phê duyệt cũng bị phạt tới 20 triệu đồng.

Với hành vi sử dụng điện, xăng, dầu, điện thoại, văn phòng phẩm, tổ chức hội nghị... bằng kinh phí Nhà nước vượt tiêu chuẩn, định mức sẽ bị phạt tiền từ 01 - 02 triệu đồng.

Điều kiện chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm

Nghị định 62/2019/NĐ-CP sửa Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý và sử dụng đất trồng lúa quy định điều kiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, như sau:

- Không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại; không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa…

- Phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng của cấp xã;

- Trường hợp trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, cho phép sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng cho nuôi trồng thủy sản; độ sâu của mặt bằng hạ thấp không quá 120 cm…

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/9/2019.

Bổ sung 16 loài động vật vào Danh mục quý hiếm được ưu tiên bảo vệ

Trong số 16 loài động vật được bổ sung vào Danh mục này có: Rùa đầu to, thằn lằn cá sấu, tắc kè đuôi vàng, trĩ sao, cầy giống đốm lớn, cầy vằn bắc, cầy gấm… Riêng trâu rừng đã không còn nằm trong Danh mục này.

3 loài thực vật được bổ sung vào Danh mục gồm: Hoàng liên gai lá mốc, hoàng liên gai lá nhỏ, hoàng liên gai lá dài.

Đây là nội dung của Nghị định 64/2019/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 5/9/2019.

Đăng ký doanh nghiệp qua mạng được miễn lệ phí

Đây là nội dung tại Thông tư 47/2019/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành.

Theo đó, trường hợp thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử được miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp.

Với những trường hợp khác, lệ phí như sau:

- Lệ phí đăng ký doanh nghiệp là 50.000 đồng/lần.

- Lệ phí cung cấp thông tin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh 20.000 đồng/bản…

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20/9/2019.

Lương giáo viên giáo dục nghề nghiệp cao nhất 11,92 triệu

Đây là điểm nổi bật nêu tại Thông tư 12 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hướng dẫn chuyển xếp lương viên chức ngành giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, sẽ căn cứ vào vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ, năng lực và chuyên môn nghiệp vụ đang đảm nhận để bổ nhiệm và xếp lương cho đối tượng viên chức giáo dục nghề nghiệp.

Một số mức lương cụ thể của đối tượng này được quy định cụ thể.Giảng viên giáo dục nghề nghiệp cao cấp có mức lương cao nhất là 11,92 triệu đồng/tháng; Giảng viên giáo dục nghề nghiệp chính có mức lương cao nhất là 10,10 triệu đồng/tháng; Giảng viên giáo dục nghề nghiệp lý thuyết có mức lương cao nhất là 7,42 triệu đồng/tháng…

Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 26/9/2019.

Mức trợ cấp cao nhất cho quân nhân xuất ngũ là hơn 2,2 triệu đồng/tháng

Từ ngày 8/9/2019, Thông tư 106/2019/TT-BQP bắt đầu có hiệu lực nhằm hướng dẫn điều chỉnh trợ cấp hàng tháng với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.

Cùng với việc tăng lương cơ sở, việc điều chỉnh tăng mức trợ cấp hàng tháng thêm 7,19% so với mức tháng 6 năm 2019, được tính theo công thức sau:

Mức trợ cấp hàng tháng được hưởng (từ 1/7/2019) = Mức trợ cấp hàng tháng được hưởng tại thời điểm tháng 6/2019 X 1,0719.

Trên cơ sở đó, mức trợ cấp hàng tháng cho quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc từ ngày 1/7/2019 như sau:

Từ đủ 15 năm đến dưới 16 năm: 1,891 triệu đồng/tháng;

Từ đủ 16 năm đến dưới 17 năm: 1,977 triệu đồng/tháng;

Từ đủ 17 năm đến dưới 18 năm: 2,064 triệu đồng/tháng;

Từ đủ 18 năm đến dưới 19 năm: 2,150 triệu đồng/tháng;

Từ đủ 19 năm đến dưới 20 năm: 2,235 triệu đồng/tháng.

Xuân Đoàn (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Từ 1/9: Quán karaoke không được hoạt động quá 12 giờ đêm, nhân viên phải đeo biển tên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ngày 2/5: QUỐC HỘI HỌP BẤT THƯỜNG XEM XÉT CÔNG TÁC NHÂN SỰ
Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV để xem xét nội dung về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền. Kỳ họp sẽ diễn ra trong buổi chiều 2/5/2024 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Ngày vui thống nhất non sông
Chỉ có thống nhất Việt Nam mới có thể giàu mạnh, chỉ có thống nhất nhân dân mới có cuộc sống Độc lập - Tự do - Hạnh phúc!

Tin mới