Thứ bảy, 27/04/2024 06:22 (GMT+7)
Thứ sáu, 16/07/2021 10:11 (GMT+7)

TTCP 'điểm mặt' hàng loạt dự án vi phạm sử dụng đất tại Thái Nguyên

Theo dõi KTMT trên

Ngày 15/7, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng và khai thác tài nguyên khoáng sản của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 1/1/2010 – 31/12/2018.

15 dự án bị "điểm mặt"

Cụ thể, dự án Xây dựng KCN Điềm Thụy - Khu A (180 ha), việc UBND tỉnh Thái Nguyên có chủ trương cho phép Ban Quản lý các KCN (QLCKCN) Thái Nguyên thu tiền thuê đất do nhà đầu tư thứ cấp ứng trước không đưa vào ngân sách Nhà nước mà trực tiếp sử dụng thực hiện đầu tư xây dựng là không đúng quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 5 và Điều 7 Luật Ngân sách năm 2002. Tổng diện tích đất KCN tăng thêm là 11,1 ha nhưng UBND tỉnh Thái Nguyên không xin ý kiến các Bộ, ngành có liên quan. Diện tích đất mở rộng ranh giới KCN về phía Tây khoảng 2,5 ha đã được xây dựng hạ tầng, nhà xưởng và cho Nhà đầu tư thứ cấp thuế khi chưa được giao đất, cho thuê đất là vi phạm. Trách nhiệm thuộc UBND tỉnh Thái Nguyên, Sở TN&MT, Giám đốc Ban QLCKCN Thái Nguyên và các đơn vị có liên quan.

Tại dự án đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Điềm Thụy - Khu B, theo kết luận của TTCP, việc phê duyệt giá đất thổ chưa có cơ sở hạ tầng để cho thuê làm giảm tổng giá trị phát triển khu đất.

Tổng giá trị tiền thuê đất do tính thiếu hơn 4,6 tỉ đồng. Trách nhiệm thuộc về Sở Tài chính tỉnh là cơ quan chủ trì xác định, trình Hội đồng thẩm định giá đất của tỉnh, UBND tỉnh quyết định phê duyệt.

TTCP 'điểm mặt' hàng loạt dự án vi phạm sử dụng đất tại Thái Nguyên - Ảnh 1
Dự án khu dân cư kiểu mẫu Túc Duyên, TP.Thái Nguyên. (Ảnh: Người Đưa tin)

Dự án Khu dân cư sinh thái kiểu mẫu, phường Túc Duyên, TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Đầu tư Thái Nguyên làm chủ đầu tư dự án nhằm mục đích kinh doanh bất động sản nhưng lại không đăng ký ngành, nghề kinh doanh bất động sản. Hơn nữa, dự án này được giao đất để thực hiện dự án xây dựng khu dân cư nhưng không qua đấu thầu.

UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Khu dân cư sinh thái kiểu mẫu, phường Túc Duyên, TP.Thái Nguyên nhưng thực chất là giao đất có thu tiền cho chủ đầu tư thực hiện dự án Khu dân cư để kinh doanh là chưa đảm bảo về trình tự, thủ tục về giao đất.

Diện tích đất giao thừa so với đất thực hiện dự án là 7.431 m2 nhưng chủ đầu tư và Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên chưa xác định được vị trí, mục đích sử dụng đất của diện tích đất này.

Quá trình giải trình đối với Dự thảo Kết luận thanh tra, UBND tỉnh Thái Nguyên thu hồi 7.430 m2 đất của công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Đầu tư Thái Nguyên giao UBND phường Túc Duyên quản lý theo quy hoạch.

UBND TP.Thái Nguyên ban hành các Quyết định về ghi thu vào ngân sách Nhà nước tiền sử dụng đất, ghi chi kinh phí xây dựng… là không đúng Luật ngân sách Nhà nước. Việc đối trừ tiền xây dựng hạ tầng 59 triệu đồng và tiền lãi vay hơn 3 triệu đồng vào tiền sử dụng đất là không có cơ sở.

“Trách nhiệm đối với sai phạm nêu trên thuộc UBND tỉnh Thái Nguyên, các Sở TN&MT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, cục thuế, UBND TP.Thái Nguyên”, kết luận nêu rõ.

TTCP 'điểm mặt' hàng loạt dự án vi phạm sử dụng đất tại Thái Nguyên - Ảnh 2
Dự án Khu đô thị Kosy Sông Công, TP.Sông Công. (Ảnh: Người Đưa tin)

Tại dự án Khu đô thị Kosy Sông Công, TP.Sông Công, việc giao đất thực hiện dự án xây dựng khu dân cư nhưng không qua đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án. Dự án có tổng mức đầu tư gần 482 tỉ đồng, nguồn vốn do chủ đầu tư ứng trước để xây dựng hạ tầng kỹ thuật được trừ vào tiền sử dụng đất nhưng thực chất là giao đất để thực hiện dự án kinh doanh.

Tiếp đến là dự án khu nhà ở kết hợp thương mại, dịch vụ phường Quang Trung, TP.Thái Nguyên là đất thương mại dịch vụ là không phù hợp với điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 TP.Thái Nguyên. Dự án chưa được Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là chưa đúng. Việc UBND tỉnh Thái Nguyên không thực hiện bán đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản trên đất khu vực bến xe khách Thái Nguyên (cũ) là chưa đúng khoản 1, Điều 7, Quyết định 09 của Thủ tướng Chính phủ.

Việc UBND tỉnh đối trừ gần 6 tỉ đồng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng vào số 37 tỉ đồng tiền sử dụng đất là không có căn cứ pháp luật, phải được thu hồi vào ngân sách Nhà nước.

Đáng chú ý, quá trình giải trình đối với dự thảo Kết luận thanh tra, cục Thuế Thái Nguyên đã có văn bản truy thu số tiền sử dụng đất nói trên vào ngân sách Nhà nước, khắc phục hậu quả, xử lý sai phạm đã được phát hiện qua thanh tra và Chi cục thuế TP.Thái Nguyên có thông báo xác nhận số tiền thuế của người nộp thuế là tập đoàn Vingroup - Công ty Cổ phần đã nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách Nhà nước ngày 23/09/2020 với số tiền là gần 6 tỉ đồng.

“Trách nhiệm của các vi phạm trên thuộc UBND tỉnh Thái Nguyên, Sở TN&MT, sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, UBND TP.Thái Nguyên, Công ty Cổ phần tư vấn và thẩm định giá doanh nghiệp – Chi nhánh thẩm định giá và đấu giá Việt Bắc”, kết luận nêu.

Ngoài ra, TTCP cũng nêu 1 số điểm sai phạm chưa được thực hiện đúng như không thực hiện đúng quy hoạch đã được phê duyệt, không đấu thầu dự án,… tại các dự án xây dựng như Dự án Xây dựng hạ tầng KCN Sông Công II; Dự án cụm công nghiệp An Khánh 1, huyện Đại Từ; Dự án Xây dựng và Kinh doanh CSHT cụm công nghiệp số 3 Cảng Đa Phúc, huyện Phổ Yên; Dự án Xây dựng Khu đô thị Hồ điều hòa Xương Rồng; Dự án khu dân cư số 5, phường Túc Duyên, TP.Thái Nguyên; Dự án Khu dân cư tổ 4 tại phường Phan Đình Phùng; Dự án Khu dân cư Havico phường Đồng Quang; Dự án khu liên hợp chế biến Quaczit và Dự án tổ hợp trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng cây công nghiệp, lâm nghiệp huyện Phú Thái.

Cần siết chặt quản lý trật tự xây dựng

Vấn đề quản lý quy hoạch, xử lý những sai phạm trong lĩnh vực xây dựng là một trong những vấn đề nóng được nêu ra tại nhiều kỳ họp Quốc hội (QH), được dư luận xã hội quan tâm trong nhiều năm qua. Theo các cơ quan chức năng, vi phạm trong lĩnh vực xây dựng không chỉ xảy ra trên địa bàn các tỉnh, thành phố lớn mà diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương khác trong cả nước. Các hình thức vi phạm chủ yếu là phá vỡ quy hoạch đô thị, vi phạm quy định về mật độ xây dựng, chiều cao công trình, xây nhà siêu mỏng, siêu méo, gây mất mỹ quan đô thị… Vi phạm trong lĩnh vực xây dựng đang tồn tại công khai, gây nhức nhối trong dư luận, đòi hỏi các cấp chính quyền cần khẩn trương nhìn nhận thực trạng, trách nhiệm, từ đó có giải pháp khắc phục, xử lý kịp thời. Tại nghị trường QH, có đại biểu nêu rõ: Ðiều đáng lo hiện nay là tại nhiều địa phương, có những vi phạm chưa được xử lý dứt điểm thì công trình vi phạm mới đã xuất hiện. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà việc xử lý còn hạn chế.

Việc xử phạt, quy trách nhiệm của cơ quan chức năng cũng như chủ đầu tư chưa được quan tâm, có nơi có dấu hiệu buông lỏng, thờ ơ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến yếu kém trong quản lý trật tự xây dựng và những nguyên nhân đó đã tồn tại nhiều năm nay. Ðáng chú ý trong đó là: Mô hình tổ chức bộ máy thanh tra xây dựng đô thị tại các địa phương còn có điểm bất cập, nhất là tại các thành phố lớn, cho nên thiếu sự gắn kết giữa các cấp chính quyền cơ sở và lực lượng thanh tra xây dựng trong việc phát hiện, xử lý vi phạm. Một số cấp chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức và chỉ đạo thường xuyên đối với công tác quản lý nhà nước về xây dựng và thanh tra, kiểm tra trật tự xây dựng; vi phạm xây dựng chưa được xử lý kịp thời, triệt để. Việc áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình còn khó khăn liên quan đến lực lượng, phương án phá dỡ, chi phí… Còn xảy ra hiện tượng lách luật trong xử lý vi phạm, lợi ích nhóm, thiếu nghiêm minh, nghiêm túc trong quá trình thanh tra, kiểm tra.

Thực tế cho thấy tại nhiều địa phương, công tác quy hoạch chưa được thực hiện có bài bản, khoa học, chưa phù hợp thực tế phát triển đô thị. Nhiều doanh nghiệp, nhà thầu chạy theo lợi nhuận cho nên sẵn sàng vi phạm, nhất là tại những dự án xây dựng chung cư, nhà cao tầng. Lực lượng chức năng về lĩnh vực này ở nhiều nơi chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ, trách nhiệm của mình.

Một số địa phương lý giải cho những hạn chế, bất cập trong xử lý dứt điểm các sai phạm về trật tự xây dựng, đó là: Các quy định pháp luật liên quan chưa hoàn thiện; chưa có chế tài phù hợp hoặc chế tài còn nhiều kẽ hở bị lợi dụng; hồ sơ, nguồn gốc đất phức tạp dẫn đến vướng mắc trong quá trình xử lý... khiến kết quả xử lý vi phạm xây dựng chưa đạt kết quả như mong muốn.

Ðể khắc phục tình trạng vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1398 ngày 16/10/2019 ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 83 ngày 14/6/2019 của QH về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ bảy (khóa XIV) đối với lĩnh vực xây dựng. Trong đó quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, gồm các giải pháp cụ thể sau: Tăng cường quản lý, kiểm soát các hoạt động xây dựng và ngăn chặn, phòng ngừa các vi phạm trong xây dựng; tăng cường kiểm soát, quản lý và ngăn chặn kịp thời, hiệu quả đối với các vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng; công tác thanh tra, kiểm tra; hoàn thiện mô hình thanh tra xây dựng.

Để thực hiện tốt những giải pháp nêu trên, các cơ quan chức năng cần triển khai đồng bộ nhiều công việc cụ thể. Trong đó, chú trọng bổ sung quy định xử phạt, đồng thời đề cao trách nhiệm của cơ quan, đơn vị quản lý trong công tác xây dựng cũng như đội ngũ chuyên môn làm công tác xây dựng. Xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu, đội quản lý trật tự xây dựng nếu quá trình xây dựng không bảo đảm khách quan, không theo quy hoạch, xây dựng sai phép, xây dựng trên đất nông nghiệp… Cần rà soát lại các quy định liên quan lĩnh vực xây dựng để tạo sự đồng bộ, thống nhất, không xung đột nhau để có thể áp dụng thuận lợi trong thực tế. Cần kiên quyết hơn trong việc xử phạt, xử lý các sai phạm theo hướng tăng tính răn đe, không hợp thức hóa các hành vi xây dựng sai phép, không thể xử phạt rồi tiếp tục cho phép tồn tại. Xử lý nghiêm minh sai phạm là yếu tố hàng đầu để người dân, dư luận xã hội tin tưởng công tác quản lý của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.

Cần tiếp tục rà soát, xây dựng những quy trình, quy định, thủ tục, trình tự xử lý vi phạm trật tự xây dựng để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, loại trừ các kẽ hở, bất cập để nâng cao tính răn đe đối với cả đối tượng vi phạm và cán bộ thực thi pháp luật trong lĩnh vực này.

Hà Lan (T/h)

Bạn đang đọc bài viết TTCP 'điểm mặt' hàng loạt dự án vi phạm sử dụng đất tại Thái Nguyên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giá nhà tăng liên tiếp 19 quý, mua nhà rẻ chỉ có trên tivi
Thời gian qua, thị trường bất động sản đang bị đẩy giá lên cao ở hầu hết các phần khúc. Nếu tình trạng này vẫn diễn ra thì nhu cầu mua nhà ở thực của người dân sẽ không được đáp ứng mà chỉ là cơ hội cho hiện tượng đầu cơ.

Tin mới