Truyền thông về bảo vệ môi trường: Hãy đặt cái Tâm lên hàng đầu!
Thiên nhiên đang oằn mình gánh chịu những nỗi đau không thể cất lời do hoạt động khai thác, tận diệt tài nguyên khoáng sản, hành vi xâm lấn, xả thải gây ô nhiễm môi trường đến mức báo động…
Năm 2020, thế giới chứng kiến những thảm họa thiên tai bão lũ kinh hoàng, gây thiệt hại nghiêm trọng về vật chất, con người... 2020 cũng là năm đại dịch Covid-19 hoành hành ở hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn 65 triệu người nhiễm bệnh, cướp đi sinh mạng của hàng triệu người dân…
Những nỗi đau của nhiều gia đình phải chịu cảnh ly tán, mất mát sau đại dịch, thiên tai sẽ không điều gì có thể bù đắp được. Chỉ cầu mong những phép mầu có thể xoa dịu muôn vàn nỗi bi thương ấy, đem lại sự bình yên cho thế giới, cảm hóa những con người, hành vi tội lỗi, đã và đang hủy hoại, tận diệt môi trường sống, thiên nhiên tươi đẹp.
Có lẽ, nếu truyền thông không vào cuộc quyết liệt, lên tiếng phản ánh những thực trạng nhức nhối ấy, quan trọng hơn là thiếu đi cái Tâm, không dám đấu tranh với sai phạm thì môi trường sẽ còn bị tàn phá nặng nề hơn nữa.
Nhân dịp kỉ niệm 20 năm thành lập và Đại hội lần thứ V (nhiệm kỳ 2020 - 2025) của TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Nhà báo Phan Chí Hiếu, Phó Chủ tịch TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Phó Tổng biên tập Thường trực Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có chia sẻ về công tác tuyên truyền, truyền thông thúc đẩy những hành động thiết thực để chung tay bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh, bền vững.
Thưa ông, thế giới ngày càng quan tâm tới vấn đề bảo vệ môi trường. Thậm chí các quốc gia đều xây dựng kế hoạch hành động để ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, cháy rừng, thiên tai… sau những thảm họa đau thương, mất mát rất lớn. Vậy vai trò và sứ mệnh của truyền thông hiện đại trong giai đoạn, bối cảnh lịch sử mới sẽ thay đổi như thế nào?
- Những năm qua, vấn nạn ô nhiễm môi trường, khí thải độc hại vượt ngưỡng báo động, khai thác đến mức cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên ngày càng trở nên nhức nhối. Cùng với những tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai khắc nghiệt đã hiện hữu trong đời sống con người, để lại những hậu quả lâu dài, đã và đang đặt ra nhiều thách thức, nguy cơ mới cho nhân loại.
Tôi cho rằng, hơn lúc nào hết, nhiệm vụ bảo vệ môi trường và phát triển bền vững phải được đặt lên hàng đầu, trở thành nhiệm vụ trọng tâm khi tiến hành bổ sung, sửa đổi các chính sách pháp luật, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục nâng cao nhận thức, khuyến khích sự thay đổi bằng hành động cụ thể, hướng đến các giải pháp tổng thể, trong đó ưu tiên cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn chặt với bảo vệ môi trường.
Trong bối cảnh đó, truyền thông đại chúng của nhiều quốc gia trên thế giới không ngừng lên tiếng, truyền tải những thông tin cảnh báo mạnh mẽ về môi trường từ các tổ chức bảo vệ môi trường, các tổ chức hoạt động xã hội, nhằm kêu gọi ý thức trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ thiên nhiên, cùng chung tay bảo vệ môi trường sống của chúng ta.
Tại Việt Nam, công tác tuyên truyền, truyền thông về bảo vệ môi trường dù đã được chú trọng hơn trong vài năm gần đây, các Đài truyền hình trung ương, địa phương, các cơ quan báo chí đã dành thời lượng nhất định, tăng tần suất phát sóng, số trang in, bài viết nhiều hơn để phản ánh về vấn đề môi trường, phát triển kinh tế xanh, bền vững. Dù vậy, có thể thấy phần lớn các ấn phẩm báo chí, chủ yếu là tạp chí chuyên về lĩnh vực này đang phát hành trong diện hẹp, tiếp cận đối tượng độc giả hạn chế, chưa phản ánh sâu sát về những vấn đề “nóng” của lĩnh vực môi trường.
Không chỉ tăng thời lượng, tần suất đăng tải, mà chúng ta cần chú trọng về nội dung tuyên truyền, cách thức truyền tải thông tin làm sao để tác động thay đổi nhận thức, hành vi tích cực, từ đó tạo được hiệu ứng mạnh lan tỏa, tác động tới những nhà làm chính sách, cơ quan chức năng, đặc biệt là những chủ thể gây ảnh hưởng xâm hại tới môi trường.
TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam không chỉ chú trọng về các hoạt động nghiên cứu khoa học mà nhiều năm qua Hội cũng đẩy mạnh truyền thông về lĩnh vực môi trường, hoạt động ý nghĩa kết nối các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng… Điều này đã đem lại hiệu quả, tác động như thế nào tới cộng đồng xã hội?
- Trong 20 năm qua, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam luôn đi đầu trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, định hướng khai thác, chế biến, sử dụng tài nguyên thiên nhiên hiệu quả, ứng dụng công nghệ khoa học vào sản xuất kinh doanh… nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Với mục tiêu lan tỏa thông điệp “Vì một thế giới xanh” bằng hành động thiết thực, cụ thể, Tạp chí Kinh tế Môi trường - với vai trò và sứ mệnh là cơ quan ngôn luận của TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, sau 15 năm hình thành và phát triển, đã và đang trở thành tờ tạp chí uy tín hàng đầu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh, bền vững.
Với ấn phẩm tạp chí In và điện tử (www.kinhtemoitruong.vn) và trang tin www.kinhtexanh.vn là những kênh tuyên truyền, phản ánh thông tin kịp thời về các hoạt động, chủ trương, định hướng của TW Hội; Tuyên truyền các chính sách pháp luật về môi trường, giới thiệu các mô hình, giải pháp và có ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn, các sáng kiến, sáng tạo của thế giới và trong nước... đã nhận được quan tâm, ủng hộ, đón đọc hàng ngày. Nhiều vấn đề “nóng” ở lĩnh vực môi trường, những phản ánh góp ý chính sách pháp luật được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Môi trường, đã được cơ quan quản lý lắng nghe, tiếp nhận và phản hồi kịp thời, trình kiến nghị lên cấp có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, Tạp chí luôn luôn đồng hành sát cánh cùng phản ánh những nguyện vọng, kiến nghị của các hội viên, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, các tổ chức, doanh nghiệp… thông qua các hoạt động trao đổi, nghiên cứu dự án, hội thảo, các hoạt động cộng đồng, trồng cây xanh. Nhờ đó, tạo ra sự đoàn kết – gắn kết chặt chẽ, hỗ trợ, đồng hành của các Hội viên, đơn vị tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý xây dựng chính sách pháp luật… cùng có chung tâm huyết, trách nhiệm với công cuộc gìn giữ, bảo vệ môi trường sống của chúng ta.
Tôi muốn nhấn mạnh, nếu mỗi người chỉ cần góp sức gieo trồng 1 mầm cây thì chúng ta sẽ tạo nên một khu rừng lớn, là “lá phổi xanh” để bảo vệ Trái đất này. Nếu mỗi người chỉ cần bớt sử dụng một chai nhựa thì chúng ta sẽ cứu cả đại dương và muôn loài. Bởi khi chúng ta cùng thay đổi, cùng hành động vì những mục tiêu tốt đẹp và truyền thông sẽ góp phần lan tỏa những thông điệp ý nghĩa ấy thì tôi tin rằng, môi trường sẽ được thay đổi theo hướng tích cực hơn.
Ông có thể cho biết cụ thể hơn những định hướng đẩy mạnh truyền thông về vấn đề môi trường, phát triển kinh tế xanh của TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam trong giai đoạn 2020-2025?
- Từ đầu năm 2019 đến nay, thực hiện chủ trương, định hướng hoạt động của TW Hội, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có những bước đổi mới ấn tượng cả về giao diện, hình thức đẹp hơn, hiện đại hơn, nội dung phong phú, đăng tải nhiều bài viết phân tích chất lượng, bài nghiên cứu khoa học được đầu tư kĩ lưỡng, cách thể hiện sáng tạo, hấp dẫn…. Tạp chí vẫn luôn bám sát tôn chỉ mục đích hoạt động, thực hiện đúng vai trò, chức năng của mình, bên cạnh đó không ngừng mở rộng các hoạt động, sự kiện (tọa đàm, hội thảo, giải thưởng…) để có thể đẩy mạnh hơn quảng bá thương hiệu, tăng sự kết nối gắn kết với các tổ chức, doanh nghiệp, Hội viên, chủ động tạo nguồn thu…
Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối của kế hoạch 5 năm 2015 - 2020, chuẩn bị, tạo đà cho kế hoạch 5 năm 2020 - 2025, Chiến lược 10 năm 2020 - 2030; Năm có nhiều sự kiện chính trị trọng đại của đất nước; Tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Vì vậy, công tác tuyên truyền, báo chí, truyền thông về môi trường cần được đẩy mạnh hơn nữa. Theo đó, các nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai trong giai đoạn 5 năm tới như sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền về các văn bản quy phạm pháp luật về môi trường như: Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường; Nghị định số 96/2019/NĐ-CP ngày 19/12/2019 của Chính phủ về Khung giá đất; Nghị định số 67/2019/NĐ-CP ngày 31/7/2019 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030…
Không chỉ là những bài viết thông tin văn bản pháp luật, mà cần tập trung tuyên truyền, phản ánh về việc thực thi quy định pháp luật, thu nhận những ý kiến phản hồi vướng mắc để kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách cho phù hợp với thực tiễn.
Đơn cử như góp ý cho Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; Kế hoạch tổng thể, Kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030; Chiến lược bảo vệ môi trường giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040; Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050; Các cơ chế, chính sách, nhiệm vụ liên quan khác.
Thứ hai, thông tin có chiều sâu, định hướng hành động tích cực và gắn chặt với mọi hoạt động kinh tế- xã hội.
Nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về môi trường, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ hơn, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã và đang thay đổi cách thức truyền tải thông tin mới mẻ, trực diện, hiệu quả hơn thông qua các hoạt động như tổ chức các hội thảo khoa học, tọa đàm, chuyên đề về các vấn đề môi trường nóng hổi, bức thiết, tạo diễn đàn thu hút sự quan tâm, góp ý, kiến nghị… Bản thân các Hội viên, đối tác cũng cần thực hiện những cam kết mạnh mẽ về ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường bằng hành động cụ thể, đánh giá hiệu quả thực tiễn.
Thứ ba, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam và các đơn vị thành viên sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chủ động cung cấp thông tin, phối hợp tổ chức các sự kiện, tọa đàm, hội thảo, tổ chức các giải thưởng, cuộc thi tuyên truyền chủ đề trọng tâm về tài nguyên và môi trường… và được truyền thông rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng một cách kịp thời, hiệu quả.
Có thể thấy, với những định hướng, phương hướng hoạt động rõ ràng, nhất quán, sự chỉ đạo sát sao và thường xuyên của TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, trong giai đoạn tới 2020-2025, công tác tuyên truyền, truyền thông về môi trường, phát triển kinh tế xanh, bền vững sẽ được triển khai quyết liệt, từ đó khẳng định uy tín, vị thế của TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam trong các vấn đề môi trường nổi bật nhất.
Cùng với đó, trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu, đặt ra nhiều thách thức khó khăn cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng cũng chính là cơ hội để chúng ta cùng nhìn lại, lựa chọn hướng đi vào chiều sâu cho các hoạt động của TW Hội và Tạp chí Kinh tế Môi trường trên cơ sở nền tảng vững chắc đã bồi đắp, dựng xây trong hành trình 20 năm qua.
Những nhiệm vụ và mục tiêu đặt ra cũng sẽ có không ít khó khăn, thách thức cũng như rào cản do các vấn đề về môi trường được xem là “nhạy cảm”, thưa ông?
- Phải thừa nhận, các vấn đề về bảo vệ môi trường hiện nay là mối quan tâm hàng đầu của mọi quốc gia, mọi nền kinh tế. Bởi phát triển kinh tế - xã hội đều phải gắn chặt với bảo vệ môi trường, xu hướng tất yếu phải là phát triển kinh tế xanh, bền vừng. Nếu nói là “nhạy cảm” thì cũng đúng, bởi sự tác động của môi trường là trực tiếp, trên phạm vi rộng, hệ quả để lại lâu dài, nên các nhà làm chính sách luôn thận trọng, cân nhắc kĩ lưỡng trước khi sửa đổi, ban hành chính sách về môi trường.
Tuy nhiên, nhiệm vụ của truyền thông hiện đại là cần phải đi trước phản ánh thực tiễn, nêu lên những khó khăn, thách thức ấy, thậm chí cả những đề tài “nhạy cảm” ở lĩnh vực môi trường, hãy đặt cái Tâm mình lên hàng đầu để lắng nghe, phản ánh sự thật, truyền tải thông tin một cách khách quan, kịp thời, kết nối và tác động thay đổi nhận thức, hành vi… thì như vậy, truyền thông đã làm tốt vai trò, sứ mệnh của mình rồi.
Trân trọng cảm ơn ông!
Minh Anh (Thực hiện)