Trung Nam Group bị dừng thủ tục hải quan do nợ thuế
Trung Nam Group bị cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan do nợ thuế quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định. Số tiền bị cưỡng chế là 27,5 tỷ đồng.
Cục Hải quan TP.HCM vừa ban hành quyết định về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp dừng thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group).
Trung Nam Group bị cưỡng chế do nợ thuế quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định. Số tiền bị cưỡng chế là 27,5 tỷ đồng.
Quyết định này có hiệu lực trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày 31/1/2024 đến ngày 30/1/2025, quyết định sẽ được chấm dứt hiệu lực kể từ khi tiền thuế nợ được nộp đủ vào ngân sách Nhà nước.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra hàng loạt sai phạm của các công ty thành viên Trung Nam Group trong việc đầu tư các dự án điện.
Theo đó, Dự án thủy điện Đồng Nai 2 tại xã Tân Thượng, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng do Công ty cổ phần Thủy điện Trung Nam (Trung Nam Power - Thành viên trực thuộc Trung Nam Group) làm chủ đầu tư với công suất lắp máy là 75 MW, vốn đầu tư là 2.500 tỷ đồng. Nhà máy thủy điện Đồng Nai 2 được xây dựng trên sông Đa Dâng, một nhánh của sông Đồng Nai.
Kết luận Thanh tra Chính phủ cho thấy: Ngày 9/5/2014, Công ty mua bán điện và Trung Nam Power đã ký kết hợp đồng mua bán điện với giá tạm tính 1.740 đồng/kWh, cao hơn 757 đồng/kWh so với mức giá trần khung giá phát điện năm 2013 áp dụng đối với các nhà máy thuỷ điện (983 đồng/kWh) được quy định tại Quyết định số 8440/QĐ-BCT ngày 15/1/2013 của Bộ Công Thương.
Kết luận Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra một số những sai phạm liên quan đến các dự án của Trung Nam Group như việc phê duyệt chủ trương đầu tư, thẩm định năng lực tài chính…
Cụ thể, tại phụ lục số 07 đi kèm thông báo kết luận, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm liên quan đến một số dự án điện mặt trời, điện gió dù chủ đầu tư không đáp ứng điều kiện về tài chính nhưng vẫn được UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt chủ trương đầu tư. Trong đó có 2 dự án điện mặt trời của Trung Nam Group.
Cụ thể, tại thông báo kết luận thanh tra đã nêu rõ, UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc 204MW và Trung Nam Thuận Nam chưa thực hiện đúng việc thẩm định năng lực tài chính nhà đầu tư dự án chưa đúng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư 2014; Không đảm bảo năng lực tài chính theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 58 Luật Đất đai 2013, điểm c khoản 1 và điểm a, điểm b khoản 2 Điều 14 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014.
Đôi nét về Trung Nam Group
Trung Nam Group được thành lập năm 2004, xuất phát điểm là 1 đơn vị trong lĩnh vực xây dựng. Trải qua 20 năm phát triển, Trung Nam Group đã trở thành 1 doanh nghiệp đa ngành với hơn chục công ty thành viên hoạt động trong nhiều lĩnh vực như: Năng lượng, Hạ tầng - Xây dựng, Bất động sản, Công nghiệp thông tin điện tử.
Trung Nam Group được điều hành bởi Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Tâm Thịnh sinh năm 1973 và Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Tâm Tiến sinh năm 1967.
Thời gian qua, Trung Nam Group đã và đang đẩy mạnh hoạt động đầu tư vào các dự án điện mặt trời, thủ điện và điện gió.
Tính đến nay, Trung Nam Group có 14 nhà máy điện, tổng sản lượng điện đang phát lên lưới là 4,3 tỷ Kwh hàng năm. Trong đó, điện gió 700MW và 120MW là thủy điện, còn lại là điện mặt trời.
Hai dự án lớn nhất của tập đoàn là điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam sản lượng 1,2 tỷ kWh, tổng đầu tư 12.000 tỷ đồng và dự án điện gió Ea Nam, sản lượng 1,1 tỷ kWh có quy mô lớn nhất nước với tổng đầu tư 16.500 tỷ đồng.
Sau khi xác định đầu tư mạnh cho lĩnh vực năng lượng tái tạo, Trung Nam Group đã tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 20.940 tỷ đồng trong 5 năm. Quy mô tài sản cũng theo đó tăng vọt và đạt hơn 41.000 tỷ đồng vào cuối năm 2021. Vốn chủ sở hữu tại cùng thời điểm đạt khoảng 23.300 tỷ đồng tương ứng nợ phải trả ở mức 17.700 tỷ đồng.
Năm 2022, Lợi nhuận sau thuế của Trung Nam Group đạt 254 tỷ đồng, giảm 84% (tương ứng giảm 1.381 tỷ đồng) so với năm 2021. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/ vốn chủ sở hữu của công ty giảm từ 5,85% xuống 0,91%.
Thời gian gần đây, Trung Nam Group liên tiếp công bố chậm thanh toán lãi một số trái phiếu. Cụ thể, Trung Nam Group chậm thanh toán tiền lãi 106,9 tỷ đồng trái phiếu TNGCB2124001 và 4,7 tỷ tiền lãi trái phiếu TNGCH2224005.
Trái phiếu TNGCB2124001 có tổng giá trị phát hành 2.000 tỷ và trái phiếu TNGCH2224005 có tổng giá trị phát hành 100 tỷ. Hai lô trái phiếu này sẽ đáo hạn trong năm 2024.
H.A