Trong tháng 6-7/2022, mưa lớn vẫn tiếp diễn ở khu vực Bắc Bộ
Các chuyên gia nhận định, thời điểm này đang là thời kỳ bước vào mùa mưa ở các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ. Do vậy trong thời gian tháng 6 và tháng 7/2022, mưa lớn ở các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ vẫn tiếp diễn.
Trước tình hình mưa lũ bất thường xảy ra thời gian gần đây, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai tổ chức họp với các cơ quan chức năng để rà soát công tác chuẩn bị vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng năm 2022.
Nhận định về diễn biến thời tiết trong thời gian tới, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, trong năm 2022, do ảnh hưởng của La Nina nên nhiều nguy cơ thiên tai sẽ diễn ra phức tạp, khốc liệt và khó dự đoán hơn năm 2021, đặc biệt là mùa mưa bão sắp tới. Mưa lớn có thể tập trung nhiều ở những tháng cuối năm; nhiều cơn bão có khả năng có quỹ đạo và cường độ bất thường.
Ngoài ra, năm 2022 dự báo có khoảng 4-6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Lượng mưa trong năm có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, có khả năng cao xảy ra hiện tượng mưa cực đoan, đồng thời theo chu kỳ có thể diễn ra các đợt thiên tai lớn trong thời gian tới.
Nhận định về tình hình thời tiết trong những ngày tới, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, khu vực Bắc Bộ xuất hiện nắng nóng. Từ ngày 6-9/6, mưa dông diện rộng quay trở lại khu vực Bắc Bộ với lượng mưa khoảng 100-250 mm.
Thời điểm này đang là thời kỳ bước vào mùa mưa ở các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, do vậy trong thời gian tháng 6 và tháng 7/2022, mưa lớn ở các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ vẫn tiếp diễn. Chính quyền các cấp và người dân cần tiếp tục đề phòng nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét, cần phải có những biện pháp chủ động ứng phó.
Dự báo dài hạn, ở khu vực Bắc Bộ năm nay sẽ có khoảng 1-2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, đây là một trong những nguồn chính gây mưa ở khu vực này. Về dự báo mưa dài hạn, tháng 6 lượng mưa sẽ cao hơn khoảng 20%, tháng 7 là 30%, tháng 8 là 5-15%, tháng 9 cao hơn 10% so với trung bình nhiều năm. Tuy nhiên đến tháng 10, lượng mưa giảm 5-15%, tháng 11 lượng mưa giảm khoảng 25% so với trung bình nhiều năm.
Cũng theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, lượng mưa khu vực miền núi phía Bắc diễn biến phức tạp, lượng mưa từ tháng 7 đến tháng 9/2022, cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 15-30%, có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn các hồ thủy điện thuộc liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng. Tháng 10/2022, tổng lượng mưa tại khu vực Tây Bắc thấp hơn 5-15% so với trung bình nhiều năm. Tháng 11/2022, thấp hơn từ 10-25% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Để tiếp tục khắc phục và chủ động ứng phó với thiên tai trong thời gian tới, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 1/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trong đó tập trung vào việc thực hiện nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai, xác định công tác cứu hộ là “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình” và rà soát phương án phòng, chống lũ, giảm ngập lụt ở hạ du.
“Việc vận hành hoạt động hồ chứa, nhất là liên hồ chứa để cắt lũ và phát huy hiệu quả sử dụng nguồn nước trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình là rất quan trọng” - Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài nhận định.
Cùng với đó, việc vận hành liên hồ chứa cần bám vào thông tin dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia. Theo dự báo, từ nay đến tháng 9/2022, tình hình dòng chảy, lũ có thể tăng lên 30%, đúng thời điểm theo quy luật thường có lũ lớn trên sông Hồng và sông Thái Bình. Tuy nhiên, đến tháng 10/2022, lưu lượng dòng chảy lại giảm đi. Do vậy, chúng ta cần tính toán, sẵn sàng các phương án vận hành phù hợp, hiệu quả nhất.
Hiện hệ thống đê điều đã được Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện kiểm tra, rà soát ngay từ tháng 3 hằng năm để bảo đảm an toàn cho hệ thống đê, phòng, chống lũ. Ngoài việc bảo đảm an toàn hồ chứa được đặt lên hàng đầu thì cũng cần linh hoạt trong công tác chỉ đạo, điều hành để phát huy hiệu quả nước của các hồ chứa.
Trong thời gian tới, Tổng cục Phòng, chống thiên tai sẽ chia sẻ, cập nhật về dữ liệu về mặt cắt sông Hồng; Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cập nhật, cung cấp dự báo về thông tin về mưa, lượng mưa cho các đơn vị tư vấn tính toán, tham mưu cho công tác chỉ đạo, vận hành các hồ chứa, đặc biệt là các hồ thủy điện lớn bảo đảm an toàn tuyệt đối trong mùa mưa lũ.
Lan Anh