Thứ bảy, 20/04/2024 11:55 (GMT+7)
Thứ ba, 12/01/2021 06:15 (GMT+7)

Trồng sâm Ngọc Linh để mất rừng: Khó kiểm soát

Theo dõi KTMT trên

Chuyên gia bày tỏ lo ngại khi một số doanh nghiệp được giao rừng, cho thuê rừng với diện tích lớn để trồng sâm Ngọc Linh nhưng thực tế, số cây sâm được trồng là bao nhiêu không ai biết chính xác, trong khi rừng vẫn cứ mất đi.

Mới đây, Thanh tra tỉnh Kon Tum cho biết, từ năm 2018 - 2019, tại Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô liên tục xảy ra các vụ phá và khai thác rừng trái phép.

Cụ thể, từ tháng 7 đến 12/2018, trên lâm phần của Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô xảy ra 2 vụ vận chuyển lâm sản trái phép với khối lượng hơn 5,7 m3 và 3 vụ phá rừng với diện tích hơn 6,3 nghìn m2. Đặc biệt, trong năm 2019, trên lâm phần của công ty này quản lý có 7 vụ khai thác rừng trái phép với khối lượng hơn 89 m3 và 2 vụ phá rừng với diện tích hơn 13 nghìn m2.

Được biết, trong năm 2020, lâm phần do Công ty Lâm nghiệp Đăk Tô quản lý (tại huyện Đăk Tô) để xảy ra 22 vụ khai thác lâm sản trái phép với tổng khối lượng gỗ vi phạm hơn 159m3, trong đó khởi tố 6 vụ.

Trồng sâm Ngọc Linh để mất rừng: Khó kiểm soát - Ảnh 1
Một vụ khai thác lâm sản trái phép xảy ra trên lâm phần của Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô. (Ảnh: Báo Tiền phong)

Sâm Ngọc Linh là loại dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao, thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia. Tại Kon Tum, các vườn sâm Ngọc Linh được quản lý bởi doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Doanh nghiệp được địa phương giao đất, cho thuê đất, giao rừng, cho thuê rừng để thực hiện các dự án đầu tư, phát triển, chế biến dược liệu. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những lo ngại về công tác quản lý tài nguyên rừng.

Liên quan đến vấn đề này, GS.TS Nguyễn Minh Đức (nguyên giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM, hiện công tác tại Đại học Tôn Đức Thắng) - người đã cùng với một nhóm các nhà khoa học di thực và trồng thành công sâm Ngọc Linh tại Lâm Đồng, thẳng thắn cho rằng, không thể trồng sâm Ngọc Linh theo kiểu tràn lan, lấy đất rừng để trồng như thời gian qua.

Cho tới nay, cây sâm Ngọc Linh vẫn chủ yếu được trồng bằng phương pháp truyền thống dưới tán rừng tự nhiên nhưng phát triển hướng này thì sản lượng tăng rất chậm không đủ cung cấp cho thị trường làm cho giá cả ngày càng tăng lên và đồng thời chất lượng cũng khó bảo đảm. 

Theo GS Đức, trồng sâm Ngọc Linh trong điều kiện tự nhiên rất đáng hoan nghênh vì địa lý, thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với cây trồng. Cách trồng này được đồng bào dân tộc duy trì bao năm qua.

Nhóm nghiên cứu của GS Đức đã đi khảo sát nhiều nơi, lên vùng sâm bản địa Ngọc Linh thì thấy bà con trồng sâm Ngọc Linh rất vất vả nhưng không thể bỏ được vì đó là sinh kế của người dân. Bà con có vườn cây ở nhà, kết hợp với giữ rừng, bảo vệ rừng. Dù biết là năng suất rất thấp và trên thế giới không có quốc gia nào trồng sâm theo kiểu đó nữa, nhưng theo GS Đức vẫn cần duy trì.

Tuy nhiên, vị chuyên gia đặc biệt bày tỏ lo ngại khi một số doanh nghiệp được giao rừng, cho thuê rừng với diện tích lớn để trồng sâm Ngọc Linh nhưng thực tế, số cây sâm được trồng là bao nhiêu không ai biết chính xác, trong khi rừng vẫn cứ mất đi.

"Lo ngại một số doanh nghiệp mượn đất trồng sâm nhưng thực ra là lợi dụng để khai thác rừng không phải là không có cơ sở. Khi cho thuê rừng thì chưa thống kê các loại gỗ, chủng loại thế nào. Doanh nghiệp nhận rừng rồi rào chắn lại, họ trồng cây sâm ra sao, sản lượng thế nào không báo cáo chính xác, trong khi chỉ thấy rừng mất đi. Rõ ràng, cơ chế kiểm soát sau khi giao rừng còn lỏng lẻo", GS.TS Nguyễn Minh Đức nói.

Trồng sâm Ngọc Linh để mất rừng: Khó kiểm soát - Ảnh 2
Duy nhất cả nước chỉ có 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam có sâm Ngọc Linh. (Ảnh: Internet)

Sâm Ngọc Linh là loài thân thảo, được đoàn điều tra dược liệu của Ban Dân y Khu V phát hiện năm 1973 tại núi Ngọc Linh, thuộc 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Đến năm 1985 hai nhà khoa học (TS Hà Thị Dụng và TS Grushvitsky) xác định sâm Ngọc Linh là một loài mới, đặc hữu của hệ thực vật Việt Nam, thuộc chi Panax L., họ nhân sâm (Araliaceae) và đặt tên khoa học là Panax vietnamensis Ha et Grushv (theo Trung tâm Sâm Việt Nam - 1993), thuộc 250 loài quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam.

Duy nhất cả nước chỉ có 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam có sâm Ngọc Linh và tại 2 tỉnh cũng chỉ có 5 huyện, với 16 xã thuộc huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) và huyện Nam Trà My (Quảng Nam) là có sâm Ngọc Linh. Đỉnh Ngọc Linh cao 2.598 m được xem như nóc nhà của Tây Nguyên, có rừng nguyên sinh cùng với sự phong phú của hệ động, thực vật với các điều kiện tự nhiên đặc biệt phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây sâm Ngọc Linh.

Theo kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của Bộ Y tế, Sâm Ngọc Linh có số lượng Saponin (một trong những thành phần hóa học của các loại thảo mộc, có hiệu quả rất lợi cho sức khỏe con người) cao hơn nhiều lần so với các loại sâm khác trên thế giới.

Những kết quả phân tích thân và rễ, củ của Sâm Ngọc Linh, các nhà khoa học xác định được có 52 loại Saponin, trong đó có 26 Saponin có cấu trúc hóa học thường thấy trong sâm Triều Tiên, sâm Mỹ, sâm Nhật Bản và 26 Saponin có cấu trúc mới, không có trong các loại sâm khác.

Như vậy, đây là một trong những loại sâm có hàm lượng Saponin nhiều nhất. Ngoài ra, các bộ phận trên mặt đất của sâm như lá, thân (cọng) sâm Ngọc Linh đã phân lập được 19 Saponin Dammaran, trong đó có 8 Saponin có cấu trúc mới.

Hà My

Bạn đang đọc bài viết Trồng sâm Ngọc Linh để mất rừng: Khó kiểm soát. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới