Tro bụi đen đặc từ núi lửa cao nhất châu Âu
Núi lửa Etna ở đảo Sicily của Italy - ngọn núi lửa còn hoạt động cao nhất ở châu Âu, đã phun trào tro bụi đen đặc lên bầu trời vào sáng 28/2 (giờ địa phương).
Ảnh: AP |
Vụ phun trào mới nhất của núi lửa Etna không gây thương vong về người. Cư dân sống ở khu vực gần núi lửa không phải đi sơ tán.
Trước đó, vào ngày 16/2, núi lửa Etna đã bắt đầu hoạt động, phun trào nhiều lần, trong đó có thời điểm phun dung nham cao tới 400 m. Sau đó, hoạt động của núi lửa này bùng nổ dữ dội hơn. Các dòng dung nham rực lửa thắp sáng bầu trời đêm với màu sắc cam và đỏ. May mắn là dung nham từ trên núi Etna chủ yếu phun về phía các sườn núi không có người ở.
Núi lửa Etna tiếp tục phun trào dung nham và đạt tới đỉnh điểm hôm 23/2 khi vòi dung nham và cột khói ước tính cao đến 1.500 m.
Theo ông Marco Neri - một chuyên gia về núi lửa và là thành viên của Viện Địa vật lý và Núi lửa Quốc gia Italy, đây là một trong những vụ phun trào nổi bật nhất trong nhiều thập kỷ qua. "Đây chắc chắn là một vụ "nổ" mạnh nhất ghi nhận được từ năm 1971 đến nay".
Hồi năm 1789, Etna từng phun trào dung nham cao đến 3.000 m, thắp sáng bầu trời Sicily cả ngày và đêm.
Etna - ngọn núi lửa cao 3.300 m, bao phủ diện tích 35 km2, nằm trên bờ biển phía Đông của quần đảo Sicily, nơi sinh sống của hơn 5 triệu người và cũng là một trong những hòn đảo đông dân cư nhất ở Địa Trung Hải.
Theo giới chuyên gia, Etna có niên đại hơn 700.000 năm tuổi. Mỗi năm, Etna sản sinh lượng dung nham đủ để lấp đầy một tòa nhà cao 108 tầng, hàng tấn đất đá đổ khắp đảo Sicily. Nhiệt độ bên trong núi lửa được cho là khoảng 1.000 độ C. Các vụ phun trào nếu xảy ra sẽ kéo dài trong vài ngày và thậm chí vài tuần. Những dòng dung nham đã để lại nhiều vùng đất canh tác màu mỡ. Cây táo và cây có múi sinh sôi nảy nở. Rượu vang đỏ và rượu vang trắng là loại rượu vang phổ biến nhất của Sicily được làm từ nho trồng trên sườn núi lửa này.
BT