Chủ nhật, 24/11/2024 10:17 (GMT+7)
Thứ bảy, 11/06/2022 11:55 (GMT+7)

Trình Chính phủ dự thảo tăng lương tối thiểu cho người lao động từ 1/7

Theo dõi KTMT trên

Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) vừa có Tờ trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Theo đó, Bộ LĐTBXH giữ nguyên như dự thảo về mức điều chỉnh lương tối thiểu tháng tăng 6% (tương ứng tăng từ 180.000 đồng - 260.000 đồng) so với mức hiện hành do đã được Hội đồng Tiền lương Quốc gia (gồm cả đại diện người sử dụng lao động tại Trung ương và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) phân tích, thương lượng và thống nhất khuyến nghị với Chính phủ. Cụ thể, vùng 1 là 4.680.000 đồng/tháng, vùng 2 là 4.160.000 đồng/tháng, vùng 3 là 3.640.000 đồng/tháng, vùng 4 là 3.250.000 đồng/tháng.

Bộ LĐTBXH cho rằng, việc xác định mức điều chỉnh lương tối thiểu nêu trên dựa trên cơ sở tăng 5,3% để bảo đảm đủ mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ và tăng thêm 0,7% để cải thiện thêm tiền lương cho người lao động. Mức điều chỉnh này có sự chia sẻ, hài hòa lợi ích của người lao động và doanh nghiệp, vừa chú ý cải thiện đời sống cho người lao động, vừa chú ý đến việc bảo đảm duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, 100% thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia thống nhất và khuyến nghị với Chính phủ điều chỉnh theo mức này.

Trình Chính phủ dự thảo tăng lương tối thiểu cho người lao động từ 1/7 - Ảnh 1
Trình Chính phủ dự thảo tăng lương tối thiểu cho người lao động từ 1/7.

Ngoài lương tối thiểu vùng theo tháng, một điểm mới trong dự thảo này là lần đầu tiên đề xuất lương tối thiểu giờ theo 4 vùng: vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ, vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.

Về ý kiến cho rằng cần xem xét lại phương pháp xác định lương tối thiểu giờ dựa trên quy đổi tương đương từ mức lương tối thiểu tháng và thời gian làm việc tiêu chuẩn để bảo vệ được quyền lợi của nhóm lao động làm những công việc linh hoạt, bán thời gian, Bộ LĐTBXH thấy rằng theo kinh nghiệm quốc tế thì mức lương tối thiểu giờ có thể quy đổi từ mức lương tối thiểu tháng và thời gian làm việc tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật theo 3 cách.

Cụ thể là quy đổi tương đương; quy đổi cao hơn (có tính thêm hệ số bổ sung) và quy đổi thấp hơn (sử dụng tỉ lệ chuyển đổi theo số ngày dương lịch của tháng, bao gồm cả ngày nghỉ hằng tuần thay vì sử dụng số ngày làm việc bình thường trong tháng).

Trong đó, quy đổi thấp hơn sẽ không bảo vệ được người lao động; quy đổi và tính thêm hệ số bổ sung vào mức lương tối thiểu giờ là nhằm bù đắp một số chế độ mà người lao động làm những công việc tạm thời, không trọn thời gian không được hưởng so với người lao động làm việc toàn thời gian (ngày nghỉ lễ, tết, nghỉ hằng năm...) theo quy định của pháp luật.

Tại Việt Nam, pháp luật lao động không quy định phân biệt chế độ giữa người lao động làm việc trọn thời gian (áp dụng lương tối thiểu tháng) và người lao động làm việc không trọn thời gian (áp dụng lương tối thiểu giờ). Do đó, không có căn cứ để tính hệ số bổ sung cộng thêm vào mức lương tối thiểu giờ.

Trước đó, trong phiên thảo luận ngày 1/6, bày tỏ mối lo về sức ép lạm phát, nguy cơ “bão giá”, một số ĐBQH đề nghị Chính phủ chấp thuận việc tăng lương tối thiểu đối với người lao động theo hợp đồng kể từ ngày 1/7/2022.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, ĐBQH tỉnh Lạng Sơn chỉ ra rằng, người lao động là tài sản quý giá của đất nước, người lao động cần phải được đãi ngộ xứng đáng, phải được đặt vào trung tâm của các chính sách để được hưởng thành quả từ sự phát triển của đất nước, của dân tộc.

Theo điều tra năm 2021 của Viện Công nhân và Công đoàn cho thấy có 5% người được hỏi chỉ được ăn thịt, cá khoảng 1, 2 lần một tuần, 34% cho biết chỉ ăn thịt, cá 3 lần một tuần, 41% chỉ đủ tiền để mua một số loại thuốc cơ bản. "Thật xót xa khi còn nhiều người lao động không dám đi khám bệnh vì không có khả năng chi trả", Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa bày tỏ lo ngại.

Ông cho rằng, người lao động cần phải được đãi ngộ xứng đáng, phải được đặt vào trung tâm của các chính sách để được hưởng thành quả từ sự phát triển của đất nước, của dân tộc.

Theo kết quả khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vào tháng 4/2022, chỉ có khoảng 55% người lao động có tiền lương và thu nhập đủ sống; khoảng 25% phải chi tiêu tằn tiện, 13% không đủ sống ở mức tối thiểu.

Trong 2 năm, 2020 và 2021 để chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế, lương tối thiểu của người lao động không tăng, từ ngày 1/7/2022 theo đề xuất của Hội đồng Tiền lương quốc gia, mức lương tối thiểu này sẽ được tăng thêm 6%. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát từ năm 2020 đến nay, nếu tính tổng vào năm 2020 là 2,31%, 2021 là 1,84% và 5 tháng đầu năm nay là 2,25% thì đã vượt quá con số 6% này.

“Với tốc độ tăng giá tiêu dùng trong thời gian vừa qua thì thực tiễn là người lao động giờ đây không chỉ phải làm thêm giờ mà phải làm thêm việc, nhiều người lao động sau thời giờ làm công việc chính thức phải làm thêm công việc khác tại nơi làm việc khác với số giờ làm việc dài, vắt kiệt sức khỏe và vượt ra khỏi sự kiểm soát của cơ quan nhà nước”, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa lo ngại.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Trình Chính phủ dự thảo tăng lương tối thiểu cho người lao động từ 1/7. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới