Thứ hai, 16/12/2024 20:47 (GMT+7)
Thứ hai, 13/09/2021 10:38 (GMT+7)

Triển vọng phục hồi nền kinh tế vào những tháng cuối năm

Theo dõi KTMT trên

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của nền kinh tế nước ta. Nhiều doanh nghiệp đã lên phương án phục hồi sản xuất sau thời gian dài thực hiện giãn cách. Nếu kiểm soát dịch tốt, nền kinh tế có dấu hiệu lạc quan để tăng trưởng trở lại.

Tính chung 8 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 212,55 tỉ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8 ước đạt 26,2 tỉ USD, giảm 6% so với tháng trước và giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu của Tổng cục Thống kê.

Trong 8 tháng qua, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó 6 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 10 tỉ USD, chiếm 63,1%).

GDP Việt Nam dự kiến tăng trưởng khoảng 4,8% cho cả năm 2021, mặc dù nền kinh tế đã ghi nhận kết quả vững chắc trong nửa đầu năm, theo Ngân hàng Thế giới. Dự báo này, thấp hơn hai điểm phần trăm so với dự báo do Nhóm Ngân hàng Thế giới đưa ra vào tháng 12/2020, có xét đến tác động tiêu cực của đợt dịch Covid-19 hiện nay đến các hoạt động kinh tế.

Triển vọng phục hồi nền kinh tế vào những tháng cuối năm - Ảnh 1
Nền kinh tế Việt Nam có nhiều tín hiệu lạc quan để có thể quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng tốt vào cuối năm. (Ảnh minh họa)

Theo Tổng cục Thống kê, giá lương thực, thực phẩm tăng (chủ yếu tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg) là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2021 tăng 0,25% so với tháng 7, tăng 2,51% so với tháng 12/2020 và tăng 2,82% so với tháng 8/2020.

Tuy nhiên, tính chung 8 tháng năm 2021, CPI tăng 1,79% so với cùng kỳ năm 2020 và là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản 8 tháng năm 2021 tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Về kinh tế đối ngoại, cán cân thương mại hàng hóa đã chuyển sang thâm hụt trong vài tháng qua, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài phần nào thể hiện sự thận trọng. Các chuỗi cung ứng và các khu công nghiệp bị gián đoạn do dịch Covid-19 tái bùng phát diện rộng dường như đã buộc các đơn vị xuất khẩu phải tạm thời đóng cửa nhà máy hoặc đình hoãn sản xuất.

Dự báo về triển vọng tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm, nhiều chuyên gia quốc tế nhận định, nền kinh tế có nhiều tín hiệu lạc quan để có thể quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng tốt nếu kiểm soát được dịch bệnh. Chính phủ đang đi đúng hướng trong xác định và triển khai chiến lược vaccine, các chính sách kinh tế trọng tâm. 

Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Việt Nam và Thái Lan của Ngân hàng Standard Chartered nhấn mạnh, Việt Nam đang trên con đường tiến tới mục tiêu trở thành trung tâm chuỗi cung ứng mang tầm khu vực, một nền kinh tế công nghiệp hiện đại và một quốc gia có thu nhập cao trong tương lai. Việt Nam cũng được hưởng lợi từ quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng trong thời gian gần đây. "Song, cần chú ý, khả năng kiểm soát dịch Covid-19 sẽ đóng vai trò quan trọng đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam trong ngắn hạn", ông Tim Leelahaphan nhận định.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, động lực tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào tốc độ triển khai các giải pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần mở rộng hoạt động thương mại, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), chuyển đổi số, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đây chính là động lực cả trước mắt và dài hạn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Ông Rahul Kitchlu, Quyền Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng: “Nền kinh tế Việt Nam liệu có phục hồi vào nửa sau năm 2021 hay không? Điều đó còn tùy thuộc vào kết quả kiểm soát đợt dịch Covid-19 bùng phát hiện nay, hiệu quả triển khai vaccine và hiệu suất của các biện pháp tài khóa nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình bị ảnh hưởng và để kích thích phục hồi”.

“Tuy rủi ro theo hướng suy giảm đã gia tăng, nhưng các yếu tố căn bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn vững chắc và nền kinh tế có thể quay lại với tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức từ 6,5 đến 7% từ năm 2022 trở đi”, ông Rahul Kitchlu nhấn mạnh.

Ngoài ra, dịch Covid-19 đã đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số của nền kinh tế trong nước khi ngày càng nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam cung cấp dịch vụ trực tuyến. Chính phủ cũng tăng cường số hóa các thủ tục và cơ sở dữ liệu của mình.

Với những giải pháp được Chính phủ đưa ra qua các Nghị quyết, cùng với sự nỗ lực của các Bộ, ngành và sự chuẩn bị sẵn sàng trở lại sản xuất của các doanh nghiệp, hy vọng rằng nền kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm sẽ tăng trưởng trở lại.

Nguyễn Luận

Bạn đang đọc bài viết Triển vọng phục hồi nền kinh tế vào những tháng cuối năm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới