Triển vọng kinh tế Việt Nam nhiều dự báo lạc quan về cuối năm
"Việt Nam có khả năng đứng đầu khu vực", đó là cụm từ được sử dụng trong báo cáo của các định chế tài chính quốc tế tuần qua. Các tổ chức quốc tế dự báo lạc quan về triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm nay.
Vừa qua, nhiều trang báo các nước đã đánh giá cao chính sách của Việt Nam nhằm giảm bớt tác động của dịch Covid-19, duy trì "ổn định về tài khóa, đối ngoại, tài chính" và giữ "lạm phát trong tầm kiểm soát".
"Việt Nam có khả năng đứng đầu khu vực", đó là cụm từ được sử dụng trong báo cáo của các định chế tài chính quốc tế tuần qua khi nói về triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm nay.
Theo báo cáo Vietnam At A Glance tháng 7/2022 mang tên "Phục hồi mạnh mẽ" đánh giá, sau 2 quý tái mở cửa ổn định, sự phục hồi của kinh tế Việt Nam tiếp tục là một ví dụ nổi trội trong khu vực.
Bà Yun Liu, Khối Nghiên cứu Kinh tế toàn cầu, ngân hàng HSBC, cho biết: "Bên cạnh thành tựu về xuất khẩu, một tín hiệu đáng khích lệ khác là mảng nội địa cũng đang phục hồi rất nhanh, sau khi bị đình trệ trong hai năm qua vì đại dịch Covid-19. Chúng tôi ghi nhận sự phục hồi rõ rệt nhu cầu trong nước, các dịch vụ tiêu dùng và cả dịch vụ du lịch khi các hạn chế đi lại được gỡ bỏ".
Hàng loạt tờ báo quốc tế trích báo cáo của IMF cho rằng "lạm phát ở Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát", dù chỉ số lạm phát đã có dấu hiệu tăng nhẹ do giá cả hàng hóa và sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bà Michelle Wee, ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, đánh giá: "Áp lực giá cả, đặc biệt giá lương thực, thực phẩm và nhiên liệu, có thể gia tăng vào giai đoạn cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Điều này có thể gây rủi ro cho sự phục hồi tiêu dùng nội địa của Việt Nam. Tuy nhiên, sự phục hồi nhanh chóng của nhiều ngành ngay từ quý 2 vừa qua đã dẫn tới sự phục hồi chung của toàn nền kinh tế",
Cùng với đó, đánh giá của các chuyên gia kinh tế thuộc Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ Mô ASEAN+3 (AMRO) cập nhật về triển vọng kinh tế khu vực, Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,3% trong năm nay và tỷ lệ lạm phát duy trì ở mức 3.5%.
Ông Hoe Ee Khor, chuyên gia Kinh tế cao cấp, Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3, nhận định: "Chúng tôi lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam. Việt Nam là một nền kinh tế mở hơn rất nhiều khi tiếp xúc trực tiếp với nền kinh tế Hoa Kỳ và Trung Quốc. Về lạm phát, Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt với các biện pháp hành chính duy trì giá cả các mặt hàng thiết yếu và nhiên liệu".
Các chuyên gia cho hay, Việt Nam đang có những tiền đề vững chắc để vượt qua những biến động toàn cầu hiện nay nhờ tình hình chính trị ổn định, một Chính phủ nhất quán trong hành động, đồng nội tệ ổn định, dự trữ ngoại hối cao kỷ lục và lạm phát nằm trong tầm kiểm soát.
Ông Hoe Ee Khor - Chuyên gia kinh tế cao cấp, Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 cho biết: "Các chính sách tài chính linh hoạt giúp kích thích nền kinh tế Việt Nam, thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước. Những điều này giúp kinh tế Việt Nam chống chịu tốt hơn trước những cú sốc từ bên ngoài và duy trì đà tăng trưởng".
Bùi Hằng