Thứ sáu, 29/03/2024 07:08 (GMT+7)
Thứ hai, 27/07/2020 06:23 (GMT+7)

Tri ân liệt sỹ nơi đầu sóng

Theo dõi KTMT trên

Ngày Thương binh Liệt sỹ, xin được thắp nén hương tưởng nhớ các anh - những người đã ngã xuống vì chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.

Biển đảo là một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc. Để giữ gìn toàn vẹn chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng ấy, biết bao mồ hôi, xương máu của các thế hệ người Việt đã đổ xuống. Từ Đội Hùng binh Hoàng Sa năm xưa đến những chiến sỹ Hải quân hôm nay, trong thời chiến hay thời bình, trước mối nguy nan của đất nước, các anh đều không tiếc máu xương để giữ gìn.

Tri ân liệt sỹ nơi đầu sóng - Ảnh 1
Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hy sinh trên Quần đảo Trường Sa.

Lịch sử vẫn luôn nhắc nhớ, tại vùng biển Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao (cụm đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa của Việt Nam) ngày 14/3/1988, trong cuộc chiến không cân sức giữa các lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam là cán bộ, chiến sỹ các tàu vận tải và lực lượng công binh xây dựng đảo, trong tay chỉ có cuốc, xẻng, xà beng và súng bộ binh và lực lượng tàu chiến hùng hậu có trang bị vũ khí hiện đại của đối phương.

Với ý chí quyết tâm “Bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng cao cả, là mệnh lệnh trái tim của người lính”, những chiến sỹ Hải quân ấy đã mưu trí sáng tạo, anh dũng chủ động, kiềm chế đến mức tối đa thực hiện nghiêm đối sách, bình tĩnh khôn khéo trong xử lý các tình huống để giữ vững chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Cuộc chiến ấy, 64 chiến sỹ Hải quân đã mãi mãi nằm lại biển sâu nhưng ý chí quật cường của các anh đã trở thành tượng đài bất tử về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, để hôm nay các thế hệ cán bộ chiến sỹ Hải quân vẫn luôn tiếp nối truyền thống, nhắc nhớ về tinh thần quyết tử để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Chuẩn đô đốc Phạm Văn Luyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân cho biết: Trong Hải trình đến với Trường Sa và nhà giàn DK1, các đoàn công tác trên những con tàu của Hải quân nhân dân Việt Nam khi đi qua vùng biển Gạc Ma - Len Đao - Cô Lin và vùng biển thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc đều dừng lại làm nghi lễ tưởng niệm các liệt sỹ đã hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Tri ân liệt sỹ nơi đầu sóng - Ảnh 2
Chuẩn đô đốc Phạm Văn Luyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân tại Lễ tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh ở Trường Sa.
Tri ân liệt sỹ nơi đầu sóng - Ảnh 3

Giữa mênh mông biển trời, lễ tưởng niệm tổ chức trên boong tàu trang trọng, thiêng liêng và xúc động. Trong tiếng nhạc trầm hùng của bài “Hồn tử sĩ” từng nén nhang thơm được thắp lên tưởng nhớ sự hy sinh của những người con đất Việt, các Anh hùng liệt sỹ - những người con trung kiên, dũng cảm của đất mẹ Việt Nam đã chiến đấu hy sinh, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc ta, vì sự trường tồn vững chắc chủ quyển biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng thời bày tỏ lòng kính trọng, đồng cảm và biết ơn sâu sắc tới thân nhân các Anh hùng liệt sỹ, tới những người cha, người mẹ, người vợ, người em, người con đã hiến dâng phần ruột thịt của mình cho Tổ quốc.

Theo Đại úy Nguyễn Quốc Huy, đảo Nam Yết, anh đã tham dự nhiều buổi lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại quần đảo Trường Sa nhưng lần nào anh cũng xúc động, biết ơn và thương nhớ những đồng chí, đồng đội. Cán bộ chiến sỹ đảo Nam Yết nói riêng và cán bộ chiến sỹ tên quần đảo Trường Sa nói chung không bao giờ quên những người đã ngã xuống để bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Mỗi người nguyện phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, kế thừa và tiếp nối xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ đi trước, vì sự bình yên của đất nước hôm nay.

Thượng tá Đoàn Đức Ngọc, Chính trị viên đảo Sinh Tồn cho biết, sự hy sinh của các anh đã, đang và sẽ góp thêm sức lực, tinh thần cho các chiến sỹ ở Trường Sa vững vàng tay súng, củng cố thêm lòng quyết tâm, ý chí bền bỉ, kiên cường cho quân và dân trên đảo tiếp tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chúng tôi luôn giáo dục cho mọi cán bộ chiến sỹ tiếp nối truyền thống của cha anh, mài sắc ý chí quyết tâm, chắc tay súng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Tri ân liệt sỹ nơi đầu sóng - Ảnh 4
Bia phương danh 64 liệt sỹ hy sinh hy sinh tại đảo Gạc Ma tại chùa Sinh Tồn.
Tri ân liệt sỹ nơi đầu sóng - Ảnh 5

Sau sự kiện ngày 14/3/1988, nhận biết trước âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, từ tham mưu, đề xuất của Quân chủng Hải quân, ngày 5/7/1989, Đảng, Nhà nước ta quyết định thành lập Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ (gọi tắt là DK1) trên thềm lục địa phía Nam, thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Hơn 31 năm đã trôi qua, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Quân chủng Hải quân, trực tiếp là cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn DK1, Bộ Tư lệnh Vùng 2 đã gác lại những tình cảm riêng tư, gác lại bao hoài bão, khát vọng lớn lao của tuổi trẻ, tình nguyện gắn bó với biển khơi, trực tiếp chốt giữ, làm nhiệm vụ trên các Nhà giàn, đối mặt với mọi hành động xâm phạm chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; đồng thời chịu đựng muôn vàn khó khăn, gian khổ bởi sự nghiệt ngã của thiên nhiên nơi biển xa.

Những trận cuồng phong, bão tố dữ dội vào những năm 1990, 1996, 1998 và năm 2000 với sức tàn phá khủng khiếp đã làm đổ một số Nhà giàn - nơi cán bộ, chiến sỹ của Tiểu đoàn DK1 đang thực hiện nhiệm vụ. Trong thời khắc giữa sự sống và cái chết, những người lính ấy đã phát huy truyền thống tốt đẹp của Quân đội, Quân chủng Anh hùng, các anh vẫn bình tĩnh, kiên gan bám trụ, giữ vững thông tin liên lạc với Sở chỉ huy, kiên cường chống chọi với những trận cuồng phong giữa đêm đen mịt mùng với tinh thần “còn người, còn nhà giàn, còn Tổ quốc”.

Lịch sử mãi khắc ghi hành động cao đẹp của Anh hùng liệt sỹ, Đại uý Vũ Quang Chương - Trạm trưởng và 8 cán bộ, chiến sỹ Nhà giàn DK1/16 Phúc Nguyên. Và còn biết bao tấm gương của các cán bộ chiến sỹ đã hy sinh vì biển đảo của Tổ quốc. Gương hy sinh của các anh đã trở thành biểu tượng cao đẹp, biến thành những “viên gạch hồng” xây nên tượng đài bất khuất của dân tộc Việt Nam trên Biển Đông, viết tiếp những câu chuyện của những vị anh hùng trong lịch sử; tấm gương của các anh trở thành giá trị tinh thần quí giá, động viên thế hệ hôm nay tiếp tục đoàn kết, phấn đấu cho sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Để tri ân những anh hùng liêt sỹ đã ngã xuống vì chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, trong những ngày này, những nén hương thơm, những đóa cúc vàng rực rỡ được thả xuống biển thay lời tri ân của mỗi người trước sự hy sinh lớn lao của các anh. Đại úy Lường Văn Hợp, Chính trị viên đảo Cô Lin tự hào: Được công tác trên đảo Cô Lin, bản thân luôn cảm thấy trách nhiệm và tự hào được tiếp nối truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, được góp một phần công sức nhỏ bé để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Tưởng nhớ đến công lao to lớn của cha anh đi trước, cán bộ chiến sỹ trên đảo Côn Lin nói riêng và cán bộ chiến sỹ Đoàn Trường Sa anh hùng nói chung quyết tâm khắc phục khó khăn, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc với tinh thần “ Còn người, còn đảo, còn chủ quyền quốc gia”.

Tri ân liệt sỹ nơi đầu sóng - Ảnh 6
Tri ân liệt sỹ nơi đầu sóng - Ảnh 7

"Là thế hệ được sinh ra và lớn lên khi đất nước đã hòa bình, phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc của các thế hệ cha anh để lại, chúng tôi nhận thấy dù ở bất cứ cương vị, hoàn cảnh nào, cũng luôn luôn không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Luôn trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc" - Đại úy Nguyễn Văn Ninh, Trưởng ban Tuyên huấn Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân bày tỏ.

Để có một đất nước tự do, độc lập, hòa bình như hôm nay, biết bao máu xương đã đổ xuống. Các anh đã nằm lại biển sâu cho đồng đội được sống. Hương linh những chàng trai con Lạc cháu Rồng ấy đã hóa thân vào sóng nước đại dương mênh mông. Máu xương các anh đã thấm đẫm, hoà quyện với từng con sóng, từng sải biển thiêng liêng của Tổ quốc. Thế hệ sau lại tiếp nối truyền thống, sẵn sàng hy sinh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Thu Lan

Bạn đang đọc bài viết Tri ân liệt sỹ nơi đầu sóng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội dự kiến xây đường tàu dọc 2 bờ sông Hồng
Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, Thủ đô sẽ nghiên cứu hệ thống xe buýt hiện đại hoặc tuyến monorail (hệ thống đường tàu một ray) chạy ven 2 bờ sông Hồng để kết hợp du lịch, cảnh quan.

Tin mới

Khang Điền nói gì về việc lợi nhuận kinh doanh giảm?
Theo báo cáo tài chính, tình hình kinh doanh năm 2023 của Công ty Cổ phần Đầu tư và nhà Khang Điền ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong năm chỉ đạt 730 tỷ giảm hơn 42,7% so với năm trước và hàng tồn kho của đơn vị cũng tăng hơn 50% so với đầu năm.