Thứ bảy, 23/11/2024 08:59 (GMT+7)
Thứ năm, 24/02/2022 20:00 (GMT+7)

Trẻ bị nhiễm Covid-19, điều trị tại nhà sao cho đúng cách?

Theo dõi KTMT trên

Thời gian gần đây, số ca mắc Covid-19 gia tăng trên cả nước, trong đó trẻ em là đối tượng đáng quan tâm và lo ngại. Vậy điều trị cho trẻ mắc Covid-19 tại nhà, cha mẹ cần lưu ý những điều gì?

Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), tính đến nửa đầu tháng 2, toàn quốc đã có hơn 490.000 trẻ em dưới 18 tuổi nhiễm Covid-19, riêng TP.HCM có hơn 32.400 trẻ. 

Số trẻ em tử vong trên cả nước khoảng 165 trẻ; trong đó riêng TP.HCM có 48 trẻ, phần lớn do các bệnh lý nền và béo phì.

Các chuyên gia cảnh báo số ca nhiễm mới không dừng lại ở con số trên. Áp lực chăm sóc, điều trị trẻ tại nhà càng thêm lớn khi giờ đây ở trẻ đã xuất hiện các di chứng hậu Covid-19, thậm chí viêm đa cơ quan.

Bác sĩ Đỗ Châu Việt - Trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết, phần lớn trẻ đến khám, khi sàng lọc phát hiện nhiễm Covid-19 đều được về điều trị tại nhà nếu không có triệu chứng, nồng độ oxy từ 96% trở lên, không có dấu hiệu viêm phổi hay khó thở. 

Trẻ bị nhiễm Covid-19, điều trị tại nhà sao cho đúng cách? - Ảnh 1
Áp lực chăm sóc, điều trị trẻ tại nhà càng thêm lớn khi giờ đây xuất hiện các di chứng hậu Covid-19, thậm chí viêm đa cơ quan ở trẻ nhỏ. (Ảnh minh họa)

"Các triệu chứng lâm sàng quan trọng cần chú ý ở trẻ như sốt trên 38 độ C, thở nhanh, hụt hơi, tức ngực, chỉ số SpO2 tụt ở mức dưới 96%, kén ăn, buồn nôn, tiêu chảy... Với các biểu hiện này, phụ huynh nên thông báo cho trạm y tế gần nhà hoặc đưa trẻ đến trực tiếp bệnh viện để thăm khám", BS Việt chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 3 - 5 trẻ đến khám bệnh, sàng lọc phát hiện nhiễm Covid-19. Trong thời gian điều trị tại nhà, trẻ vẫn có nguy cơ xảy ra tình trạng suy hô hấp và cần liên hệ y tế.

"Trẻ em nếu độ tuổi nhỏ thường không tự nói ra những khó chịu, thay đổi trong cơ thể, nhưng phụ huynh có thể kiểm tra bằng cách đo SpO2 và nhịp thở. Với SpO2 nên đo ở vị trí nhiệt độ ổn định, nếu chỗ đo bị lạnh có thể cho kết quả sai", bác sĩ Tiến cho biết.

Đặc biệt, các bác sĩ lưu ý trẻ cần được xử trí cấp cứu ngay nếu xảy ra các dấu hiệu chuyển nặng như mất nhận thức, lơ mơ, lú lẫn, quấy khóc, co giật; da tím tái, môi nhợt nhạt, lạnh đầu ngón tay chân; khó thở, phập phồng cánh mũi, nhịp thở tăng cao... 

Khi chăm sóc trẻ tại nhà, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo phụ huynh không nên tự ý mua các loại thuốc kháng virus, kháng sinh, thuốc chứa corticoid vì nếu sử dụng không hợp lý có thể gây hại gan, thận, tổn thương các tế bào máu, ảnh hưởng tim mạch của trẻ. Không nghe theo các đơn thuốc được chia sẻ trên mạng, nhất là xông các loại lá cây lạ.

"Phương pháp xông lá cây và tinh dầu có thể phù hợp và hiệu quả với người lớn, nhưng ở trẻ em thì không thật sự cần thiết bởi trẻ dễ bị mất nước, rối loạn điện giải, nếu quá nồng độ cũng có thể gây rối loạn đường hô hấp", BS Tiến cho biết.

Trong trường hợp trẻ sốt cao trên 38,5 độ C, có thể cho trẻ chườm hạ sốt, uống thuốc hạ sốt như paracetamol liều 10 - 15mg/kg/lần, có thể lặp lại mỗi 4 - 6h, ngày không quá 4 lần. Nếu trẻ cảm thấy đau họng, ho nhiều thì có thể dùng các loại thuốc ho thảo dược, cẩn trọng lứa tuổi với thuốc ức chế ho và chỉ sử dụng khi thật sự cần thiết.

Khi nào cần đưa trẻ F0 đến bệnh viện?

Đối với trẻ nhỏ bị nhiễm Covid-19, thời gian ủ bệnh từ 2 – 14 ngày, trung bình là 4 – 5 ngày. Trẻ có thể không có triệu chứng nhưng đa số sẽ gặp phải các triệu chứng khởi phát gồm: ho, sốt, mệt mỏi, đau họng, nghẹt mũi, nôn, tiêu chảy… Hầu hết các triệu chứng đều nhẹ và trẻ có thể tự hồi phục sau 1 – 2 tuần nếu được chăm sóc đúng cách.

Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp bệnh tình diễn biến nặng, cần được can thiệp y tế ngay để tránh những biến chứng nguy hiểm. Nếu trẻ có những biểu hiện dưới đây, cha mẹ cần liên hệ với nhân viên y tế ngay: Trẻ sốt cao, đỏ mắt, đỏ môi, chân tay sưng phù, phát ban, đau họng…; Trẻ nôn ói, co giật, khó thở; Trẻ nhỏ bỏ bú, quấy khóc, không tỉnh táo.

Ngoài những triệu chứng trên, cha mẹ nên thường xuyên kiểm tra các chỉ số về mạch, nhịp thở, huyết áp, SpO2 cho con. Nếu trẻ có nhịp thở nhanh trên 40 lần/phút (trẻ từ 1 – 5 tuổi) và trên 30 lần/phút (trẻ 5 – 12 tuổi) hoặc SpO2 dưới 95% thì phải báo ngay với nhân viên y tế để được hỗ trợ kịp thời.

Theo PGS.TS Trần Minh Điển, hầu hết trẻ có thể tự hồi phục sau 1 – 2 tuần nếu được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp bệnh tình diễn biến nặng, cần được can thiệp y tế ngay để tránh những biến chứng nguy hiểm. 

Đặc biệt, với những trẻ có bệnh nền như: đẻ non cân nặng thấp, bệnh phổi mạn, hen, ung thư, bệnh thận mạn, ghép tạng, đái tháo đường, bệnh tim mạch, bệnh thần kinh, bệnh huyết học, bệnh hệ thống, suy giảm miễn dịch, đang điều trị thuốc corticoid hoặc thuốc ức chế miễn dịch… cần được quan tâm, bảo vệ nhiều hơn, theo dõi sát sao hơn bởi các bác sĩ chuyên khoa.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Trẻ bị nhiễm Covid-19, điều trị tại nhà sao cho đúng cách?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới