TP.HCM: Đề xuất sử dụng “đất vàng” làm nhà vệ sinh công cộng
Đề xuất của UBND quận 1 về việc sử dụng “đất vàng” để xây nhà vệ sinh công cộng đã được sự ủng hộ của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM nhằm nâng cao khả năng phục vụ người dân và khách du lịch.
Vào tháng 3/2023, UBND Quận 1 có đề xuất gửi Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM về các giải pháp nhằm khắc phục, phát triển nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn quận và cải tạo, xây dựng nhà vệ sinh mới, từ đó trình UBND TP. HCM xem xét.
Cụ thể, UBND quận 1 đề xuất xây nhà vệ sinh công cộng tại 5 khu đất trống chưa thực hiện dự án, gồm thương xá Tax (135 Nguyễn Huệ); khu mở rộng khách sạn Majestic ở số 2-4-6 Nguyễn Huệ; số 8-12 Lê Duẩn; số 8 Nguyễn Trung Trực và số 2-4-6 Hai Bà Trưng.
TP. HCM hiện có 51 khu, điểm nhà vệ sinh với hơn 200 nhà vệ sinh công cộng. Trong đó quận 1 có 18 khu vệ sinh công cộng đang hoạt động tại 13 địa điểm như chợ, công viên, trạm xe buýt và khu dân cư.
Theo khảo sát của UBND quận 1, mỗi ngày có từ 1 - 2 triệu người di chuyển và hoạt động trên các tuyến đường của quận. Trong khi tần suất trung bình của các khu vệ sinh hiện hữu chỉ phục vụ được khoảng 12.500 lượt/ngày.
Mới đây, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng đã có báo cáo gửi UBND TP. HCM phản hồi đề xuất của UBND quận 1 đầu tư nhà vệ sinh công cộng tạm thời trên các khu đất trống chưa thực hiện dự án.
Qua rà soát, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM ủng hộ đề xuất của UBND quận 1 trong việc sử dụng các khu đất trống chưa thực hiện dự án trên địa bàn quận để đầu tư xây dựng các khu nhà vệ sinh công cộng tạm thời, phục vụ người dân và khách du lịch.
“Hiện tại, khu đất số 8-12 Lê Duẩn, phường Bến Nghé và số 2-4-6 Hai Bà Trưng do Trung tâm phát triển quỹ đất (đơn vị trực thuộc Sở TNMT quản lý) có thể bàn giao ngay cho UBND quận 1 để thực hiện đầu tư xây dựng nhà vệ sinh công cộng tạm thời. Đối với các vị trí còn lại, đề nghị UBND quận 1 chủ động làm việc với chủ dự án để xác định vị trí cụ thể thực hiện đầu tư, xây mới”, văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM nêu rõ.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Sáng, Tổng giám đốc Công ty CP công nghệ môi trường Tiên Phong bày tỏ rất vui mừng với chủ trương mới của Thành phố.
Sau 6 năm theo đuổi mục tiêu "làm cách mạng" nhà vệ sinh cho TP. HCM, ông Sáng cho biết, một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp khi tham gia đầu tư là Việt Nam hiện chưa có cơ chế đặc thù trong vấn đề sử dụng đất công làm nhà vệ sinh. TP. HCM trước đây có Quyết định 74 về thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường nhưng cũng chưa có hạng mục nhà vệ sinh. Việc Thành phố chủ trương cho doanh nghiệp, địa phương khảo sát và sử dụng đất trống để làm nhà vệ sinh công cộng sẽ là tiền đề để doanh nghiệp mở rộng hình thức, cho phép được sử dụng vỉa hè làm nhà vệ sinh công cộng giống như các nhà chờ xe buýt. Vị trí như vậy sẽ rất thuận tiện cho khách vãng lai và khách du lịch.
“Tuy nhiên, dưới góc độ doanh nghiệp, việc tính toán xây dựng 1 nhà vệ sinh hiện đại mất khoảng 400 - 500 triệu đồng nhưng để duy trì nhà vệ sinh đó sạch sẽ, mỗi vị trí sẽ "ngốn" ít nhất 3 - 5 triệu/tháng tùy theo vị trí. Trường hợp ngay trung tâm Thành phố, có nhiều người thì tần suất vệ sinh sẽ nhiều hơn nơi ở xa, ít người. Vì thế, doanh nghiệp muốn duy trì đủ thu hồi vốn thì buộc phải được tạo điều kiện kinh doanh theo chuỗi. Nếu chỉ làm đơn lẻ từng cái thì bài toán cực kỳ khó”, ông Sáng chia sẻ.
Về vấn đề này, chuyên gia đô thị Nguyễn Minh Hòa cho biết, đây là cách làm phổ biến của Thái Lan, các cabin vệ sinh như vậy có thể sáng kéo ra, chiều kéo vào, vừa tiện lợi, sạch sẽ, vừa kín đáo. Tuy nhiên, cần có nghiên cứu, khảo sát chuyên nghiệp để xác định cụ thể những vị trí nào cần làm nhà vệ sinh công cộng và làm dưới hình thức nào. Đơn cử, 5 khu "đất vàng" có phải những điểm đông du khách tới hay không? Những vị trí nào nên làm nhà vệ sinh lưu động, những vị trí nào có thể hạ thổ để đầu tư những nhà vệ sinh bài bản, an toàn.
Thanh Thanh